Ung thư cổ tử cung là căn bệnh dễ gặp ở phụ nữ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản và sự sống nếu không được điều trị từ sớm. Trong phạm vi bài viết dưới đây chúng tôi xin tổng hợp những thông tin cơ bản về các loại ung thư cổ tử cung và những vấn đề liên quan đến bệnh lý này.
29/04/2021 | Các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung mà phụ nữ nên biết 14/04/2021 | Bác sĩ giải thích chi tiết 2 phương pháp phẫu thuật ung thư cổ tử cung 26/01/2021 | Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu và điều kiện tiêm
1. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung
1.1. Nguyên nhân gây bệnh
Theo thống kê từ WHO thì có đến 99.7% trường hợp ung thư cổ tử cung ở nữ giới là do virus HPV. Vì thế có thể xem virus này là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ra bệnh. Có đến trên 100 týp virus HPV khác nhau trong đó khoảng 15 týp được xếp vào nhóm nguy cơ cao trong việc gây ra khối u cổ tử cung ác tính, phổ biến nhất là týp 16, 18, 31 và 45.
Virus HPV là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ra ung thư cổ tử cung
HPV là loại virus lây lan chủ yếu qua đường tình dục, số rất ít lây nhiễm ngoài da. Đa phần các trường hợp bị lây nhiễm HPV không có triệu chứng cụ thể và có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị sau khoảng vài tháng. Một số týp virus HPV có nguy cơ cao tồn tại lâu dài trong cơ thể làm biến đổi gen tế bào cổ tử cung, gây ra các tổn thương sơ khởi và theo thời gian tiến triển thành ung thư.
Những đối tượng được xem là có nguy cơ cao với các loại ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Nhiều bạn tình: nhiều bạn tình và mỗi bạn tình lại có thêm nhiều bạn tình khác thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung do HPV là rất cao.
- Quan hệ tình dục sớm: bắt đầu quan hệ tình dục càng sớm thì càng tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: lậu, giang mai, HIV/AIDS,... làm tăng nguy cơ lây virus HPV và ung thư cổ tử cung.
- Mang thai nhiều lần hoặc mang thai khi độ tuổi còn quá trẻ: nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai trên 4 lần có nguy cơ cao với ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, mang thai khi tuổi còn quá trẻ, cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện dễ bị tổn thương cơ quan sinh sản và có nguy cơ với bệnh lý này.
- Hệ miễn dịch suy yếu: để tiêu diệt các tế bào ung thư thì hệ miễn dịch đóng vai trò rất quan trọng, những người bị suy yếu hệ miễn dịch thì sẽ bị tăng nguy cơ lây nhiễm HPV.
- Hút thuốc lá: nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất nicotine trong thuốc lá có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và gây mất cân bằng gen từ đó gây ra ung thư.
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh
Ở giai đoạn sớm hầu hết các loại ung thư cổ tử cung đều không có dấu hiệu, chỉ khi bệnh tiến triển thì mới xuất hiện một số dấu hiệu điển hình sau:
Dấu hiệu cảnh báo mắc các loại ung thư cổ tử cung
- Xuất huyết âm đạo sau mãn kinh hoặc giữa các kỳ kinh.
- Sau mỗi lần quan hệ tình dục có hiện tượng xuất huyết âm đạo.
- Âm đạo chảy máu, chảy nước nhiều và có mùi rất hôi.
- Đau xương chậu thường xuyên hoặc đau khi quan hệ.
- Mỗi kỳ kinh nguyệt thường kéo dài hơn và lượng máu cũng ra nhiều hơn so với mức bình thường.
- Âm đạo tăng tiết dịch.
- Xuất huyết âm đạo bất thường.
- Giảm cân rất đột ngột không rõ căn nguyên.
2. Các loại ung thư cổ tử cung và mức độ nguy hiểm của bệnh
2.1. Các loại ung thư cổ tử cung phổ biến nhất
Trong các loại ung thư cổ tử cung thì có 2 loại phổ biến nhất đó là:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy
Đây là trường hợp các tế bào ung thư xuất hiện từ trong biểu mô tế bào vảy dưới dạng tế bào mỏng phẳng nằm dưới cùng cổ tử cung. Nói một cách cụ thể hơn thì loại ung thư này phát triển từ các tế bào ở cổ bên ngoài của cổ tử cung là vùng tiếp giáp giữa cổ trong với cổ ngoài cổ tử cung. Nó chiếm tới 80 - 90% tỷ lệ người mắc bệnh.
Ung thư cổ tử cung điều trị từ giai đoạn sớm tỷ lệ khỏi rất cao
- Ung thư biểu mô tuyến
Loại ung thư cổ tử cung này phát triển từ các tế bào tuyến tiết chất nhầy ở cổ trong cổ tử cung. Nó chiếm khoảng 10 - 20% tỷ lệ bệnh nhân.
Ngoài 2 loại phổ biến trên đây thì các loại ung thư cổ tử cung khác cũng có thể phát triển tại cổ tử cung như: ung thư biểu mô tuyến - tế bào gai, ung thư mô liên kết - tuyến,... không liên quan đến virus HPV. Tùy từng loại ung thư mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau cho từng bệnh nhân.
2.2. Cảnh báo sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại bệnh có thể điều trị khỏi đến 96% nếu được phát hiện từ giai đoạn sớm. Trường hợp để lâu, không điều trị kịp thời có thể tạo cơ hội cho khối thể xâm lấn đến các cơ quan lân cận làm phù chân, thiếu máu hoặc suy thận khiến việc điều trị khó đạt kết quả tích cực. Nếu các loại ung thư cổ tử cung đã phát triển mạnh và lan rộng thì bắt buộc phải xạ trị hoặc cắt bỏ tử cung và buồng trứng gây mất khả năng sinh sản hoàn toàn.
Nhìn chung, các loại ung thư cổ tử cung đều diễn tiến hết sức âm thầm trong khoảng 10 - 15 năm, ít gây ra dấu hiệu đặc biệt nên thăm khám phụ khoa định kỳ là biện pháp cần thiết để tầm soát các bệnh lý phụ khoa trong đó có ung thư cổ tử cung. Bệnh phát hiện từ giai đoạn đầu tiên và được điều trị tích cực thì khả năng chữa khỏi bệnh lên tới 96%. Biện pháp điều trị ở mỗi người không giống nhau vì nó phụ thuộc rất nhiều vào loại ung thư cổ tử cung mà họ mắc phải.
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ và muốn chẩn đoán bệnh, muốn biết mình đang mắc loại nào trong các loại ung thư cổ tử cung bạn đọc có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chính xác.