Bệnh nhân tiểu đường là nhóm đối tượng phải đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nặng liên quan đến tim mạch, não, thận, mắt, thần kinh, nhiễm trùng,... và nếu không được điều trị tốt có thể sẽ khiến người bệnh tử vong. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách dùng thuốc tiểu đường và áp dụng một chế độ sinh hoạt phù hợp. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra những lỗi sai cơ bản trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường chúng ta cần ghi nhớ để phòng tránh.
15/07/2022 | Người già bị tiểu đường nên ăn gì để ổn định đường huyết? 11/07/2022 | Bệnh tiểu đường có lây không và cách phòng bệnh 01/07/2022 | Góc giải đáp: tiểu đường ăn khoai lang được không?
1. Dùng thuốc tiểu đường sai cách
3 thực trạng phổ biến xảy ra trong số những bệnh nhân bị đái tháo đường có thể kể đến như sau:
Tự ý từ bỏ liệu trình điều trị do bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn trước đó:
Rất nhiều người thay vì kiên trì chữa bệnh theo phác đồ bác sĩ đã thiết kế riêng cho mình mà chuyển sang dùng thuốc Đông y, thuốc nam hay thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được chào bán trên mạng hoặc do người quen giới thiệu.
Vì cho rằng thuốc Tây hiệu quả lâu, có thể gây nên nhiều tác dụng phụ nên người bệnh đã bỏ ngang liệu trình và chuyển sang dùng các thuốc không do người có chuyên môn y khoa cung cấp. Đây là một sai lầm lớn có thể khiến bệnh trở nặng, nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm do bệnh tiến triển xấu đi khi mất kiểm soát từ các loại thuốc trước đó và do tác dụng phụ của các loại thuốc kém chất lượng. Các biến chứng này thường làm suy giảm nghiêm trọng chức năng của thận, mắt, tim mạch, nhiễm trùng,... thậm chí là tử vong.
Thuốc tiểu đường cần phải được dùng theo đúng liệu trình mà bác sĩ đã chỉ định
Thoạt đầu, các loại thuốc kém chất lượng này có tác dụng ngay lập tức, giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh hơn, các triệu chứng khó chịu được thuyên giảm nhanh chóng. Nhưng chỉ một thời gian sau chúng sẽ dần mất đi tác dụng và xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Sau khi kiểm định thì trong những thuốc này có chứa chất phenformin - thành phần trước đây từng chứa trong các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường nhưng đã bị cấm lưu hành từ lâu do tác dụng phụ gây tích tụ axit lactic dẫn đến toan máu cao, có thể khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong lên tới 50%, nhất là những người bị tiểu đường lớn tuổi và suy thận.
Như vậy trước khi sử dụng một sản phẩm thuốc nào đó để điều trị bệnh tiểu đường, tốt nhất người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, tránh gặp phải tác dụng phụ gây nên những biến chứng nghiêm trọng.
Tự ý bỏ thuốc tiểu đường hoặc thay đổi liều lượng:
Nhiều trường hợp bệnh nhân khi thấy đường huyết có dấu hiệu ổn định một thời gian đã trở nên chủ quan, lơ là việc dùng thuốc, liều nhớ liều quên hoặc tự ý giảm liều lượng hoặc bỏ dùng luôn. Điều này sẽ khiến đường huyết tăng cao trở lại dẫn tới hiện tượng nhiễm trùng kèm theo các biến chứng nguy hiểm khác.
Một phần bệnh nhân cảm thấy lo lắng và nôn nóng thái quá về tình trạng đường huyết gia tăng, mãi không giảm nên đã tự ý tăng liều khi chưa có hướng dẫn từ bác sĩ. Việc tăng liều như vậy sẽ làm hạ đường huyết đột ngột gây ngất xỉu, thậm chí là hôn mê.
Không điều chỉnh đơn thuốc để phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại:
Đái tháo đường thuộc nhóm các bệnh mạn tính, theo thời gian bệnh có thể tiến triển khác đi. Ở mỗi giai đoạn bệnh nhân cần thay đổi đơn thuốc để ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Đó là lý do vì sao người bị tiểu đường cần đi khám định kỳ. Nếu duy trì mãi một đơn thuốc mà không tái khám theo lịch hẹn thì hiệu quả điều trị sẽ giảm sút.
Bên cạnh đó, có người còn dùng đơn thuốc của người khác vì cho rằng cùng bị một loại bệnh thì sẽ điều trị bằng loại thuốc như nhau. Tuy nhiên đây là một quan niệm hết sức sai lầm vì tình trạng bệnh ở mỗi người là khác nhau. Do đó bệnh nhân cần đi khám và làm xét nghiệm, xác định type tiểu đường mà mình đang mắc phải đồng thời tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để có kế hoạch điều trị riêng phù hợp với bản thân mình.
2. Chế độ ăn uống chưa khoa học, thiếu cân đối
Bị tiểu đường không có nghĩa là hoàn toàn tránh xa các thực phẩm chứa tinh bột và đường. Thay vào đó, người bệnh nên tham khảo kỹ lưỡng thực đơn dinh dưỡng hợp lý cho tình trạng của mình, xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, cân đối và đủ chất, bao gồm: chất đạm, chất béo, tinh bột, khoáng chất cùng vitamin. Tuy nhiên cần trao đổi cụ thể hơn với bác sĩ về định lượng các chất cần tiêu thụ hàng ngày.
3. Theo dõi đường huyết sai cách
Bệnh nhân tiểu đường cần tự trang bị cho mình một loại thiết bị có chức năng theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên tại nhà. Nhưng cần lưu ý là phải đo đường huyết tại các thời điểm như khi đói và sau ăn, không được bỏ qua các mốc thời gian quan trọng này.
Dùng thuốc và theo dõi tiểu đường sai cách cũng là những nguyên nhân gây thất bại trong việc điều trị tiểu đường
Dưới đây là khoảng giới hạn tham chiếu về chỉ số đường huyết người bệnh phải ghi nhớ:
4. Không biết cách xử trí khi bị hạ đường huyết
Bên cạnh nỗi lo tăng đường huyết luôn thường trực, bệnh nhân cũng cần học cách đối phó với tình trạng hạ đường huyết khi dùng thuốc tiểu đường. Bởi vì nếu hàm lượng glucose trong máu hạ quá sâu có thể gây ngất xỉu, hôn mê, hoặc tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Thường thì khi chỉ số đường huyết dưới mức 70 mn/dL (3,9 mmol/L) được được coi là bị hạ đường huyết với các biểu hiện như hoa mắt, hồi hộp, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, chóng mặt, vã mồ hôi, lạnh run chân tay,... Trong quá trình điều trị nếu xảy ra hiện tượng này người bệnh cần đi khám ngay. Tùy thuộc vào từng mức độ có thể lựa chọn các phương án cấp cứu như sau:
-
Nếu bị nhẹ và giữ được tỉnh táo, cần cho uống nước đường hoặc nước chứa đường. Một lúc sau có thể dùng thêm cháo, sữa, bánh kẹo, hoa quả,...;
-
Nếu đã bị hôn mê, không cho bệnh nhân ăn uống vì rất dễ làm sặc đường thở. Lúc này cần đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
5. Ít vận động tập thể dục thể thao
Vì lo sợ gặp phải tình trạng hạ đường huyết và không biết cách xử trí ra sao nên một số người hạn chế việc vận động và tập thể dục. Tuy nhiên bệnh nhân nên lựa chọn những bộ môn phù hợp với thể trạng của mình, ví dụ như các bài tập nhẹ nhàng khi đi bộ, yoga giúp giữ gìn vóc dáng và cân nặng hợp lý, hỗ trợ điều chỉnh lượng đường huyết đồng thời thúc đẩy quá trình sử dụng insulin của cơ thể hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thể dục thể thao còn là liều thuốc cải thiện sức khỏe tinh thần, giúp người bệnh trở nên lạc quan, sảng khoái với một cơ thể dẻo dai hơn.
6. Bỏ qua các dấu hiệu tại bàn chân
Biến chứng bàn chân tiểu đường có tính nguy hiểm cao và gây khó khăn trong công tác điều trị. Thế nhưng không phải bệnh nhân nào cũng quan tâm đến bộ phận này, vì vậy mà thường chậm trễ trong vấn đề phát hiện ra các tổn thương ở bàn chân, đến khi bị nhiễm trùng nặng bắt buộc phải đoạn chi.
Khi có các triệu chứng như tê chân, nóng rát, giống như bị kiến cắn,... ở bàn chân, nhất là trong trường hợp có các vết loét, dù to hay nhỏ cũng phải đi khám và điều trị ngay.
Chế độ ăn khoa học kết hợp với việc thường xuyên vận động và sử dụng thuốc đúng cách sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh tiểu đường
Có thể nói tiểu đường là một bệnh lý mạn tính nghiêm trọng, đòi hỏi bệnh nhân phải hết sức cẩn thận trong vấn đề dùng thuốc tiểu đường, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cơ thể. Nếu bạn hoặc người thân đang có nhu cầu cần được tư vấn về bệnh tiểu đường, hãy đến khám tại Khoa Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Bệnh viện là địa chỉ thăm khám được rất nhiều khách hàng tin tưởng chọn lựa nhờ quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến. Đặc biệt Trung tâm Xét nghiệm của MEDLATEC còn đạt chứng chỉ ISO 15189:2012 và CAP giúp hỗ trợ đưa ra các kết quả chẩn đoán chính xác, hiệu quả.
Tiểu đường là bệnh mạn tính cần được theo dõi thường xuyên, thấu hiểu được những bất tiện khi người bệnh phải đi khám định kỳ, MEDLATEC đã cho triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Điều này giúp tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian cho khách hàng, đem đến sự thuận tiện trong việc kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường. Để đặt lịch khám, lấy mẫu tận nhà hoặc giải đáp các thắc mắc khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ tới hotline 1900 56 56 56.