Ở trẻ em vì hệ hô hấp chưa hoàn thiện nên khi dùng các thuốc trị ho bé có thể gặp các tác dụng phụ nguy hiểm. Đặc biệt là những thuốc chứa hàm lượng các chất kháng histamin có thể khiến trẻ bị buồn ngủ. Do đó khi chọn thuốc ho cho bé các bậc phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý.
18/10/2022 | Ho ra máu là biểu hiện của bệnh gì - cách xử lý 12/11/2021 | Những điều cần biết khi sử dụng thuốc ho Prospan cho trẻ 05/10/2020 | Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc ho
1. Các nguyên nhân khiến trẻ bị ho
Ho chính là phản ứng của cơ thể trẻ đối với các tác nhân và yếu tố từ môi trường bên ngoài hoặc khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm tại đường hô hấp. Phản ứng này có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của dị vật gây hại hoặc giúp cơ thể tống xuất đờm, dịch tiết cản trở đường hô hấp ra ngoài.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện như ho có đờm, ho kèm sổ mũi và nôn, ho kéo dài, ho về ban đêm thì rất nhiều cha mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân sau:
-
Trẻ đang mắc phải các bệnh về đường hô hấp trên như: viêm mũi, cảnh lạnh, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan thường có triệu chứng là ho khan, ho có đờm do xoang hoặc vùng mũi sau tiết dịch nhầy chảy xuống họng;
-
Trẻ đang mắc phải các bệnh lý đường hô hấp dưới: viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản với đặc trưng là khản tiếng, ho khan;
-
Nguyên nhân khác: ho do dị ứng, mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, ho do tác động hóa học như hít phải khói thuốc lá từ người khác,...
Trẻ bị ho có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
2. Cha mẹ có thể tự mua thuốc ho cho bé không?
Khi trẻ xuất hiện dấu hiệu ho, cha mẹ nên tham khảo tư vấn y tế từ bác sĩ và không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Khi dùng thuốc cần lưu ý về độ tuổi và liều lượng thuốc mà trẻ có thể sử dụng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất. Ngoài ra không nên dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc cho trẻ vì sẽ xảy ra tình trạng tương tác thuốc mà cha mẹ không biết dẫn tới những hệ lụy không mong muốn.
Một số lưu ý khi lựa chọn thuốc ho cho bé:
-
Ho khan: nếu trẻ có các biểu hiện như ho dữ dội, ho khan, ngứa họng, khô họng nhưng không bị ngạt mũi hay sổ mũi thì chỉ nên dùng thuốc ho trước khi đi ngủ;
-
Ho có đờm: trong trường hợp trẻ bị ho có đờm ở mức độ vừa phải, ho vài lần mỗi giờ, hoặc ho khó bật đờm, ứ đọng ở ngực thì có thể dùng thuốc long đờm giúp giảm độ đặc quánh của chất nhầy, trẻ dễ ho khạc hơn. Tuy nhiên loại thuốc này có thể phá hủy chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và gây tràn dịch màng phổi. Cần lưu ý thuốc long đờm không phải là thuốc trị ho nên trẻ sẽ không cắt cơn ho khi dùng thuốc này, chỉ có tác dụng hỗ trợ tiêu đờm;
-
Ngạt mũi, chảy nước mũi: dùng thuốc chống ngạt mũi và thuốc kháng histamin nếu trẻ bị khó ngủ do ngạt mũi và chảy nước mũi nhiều. Đa phần những thuốc này sẽ có tác dụng trong vòng 4 - 6 tiếng nên có thể dùng thêm 1 liều vào ban đêm trước khi đi ngủ. Nếu bé chỉ bị ngạt mũi, không chảy nhiều nước mũi thì có thể dùng riêng thuốc chống ngạt mũi với công dụng làm khô chất nhầy. Nên sử dụng thuốc vào ban ngày vì nếu dùng ban đêm sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé;
-
Ho đêm, chảy nước mũi, ngạt mũi, ứ đọng ở ngực: dùng kết hợp các thuốc ức chế cơn ho, chống ngạt mũi, kháng histamin. Lưu ý nền dùng thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ vì thuốc kháng histamin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ.
Khi trẻ xuất hiện dấu hiệu ho, cha mẹ nên tham khảo tư vấn y tế từ bác sĩ và không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống
3. Chăm sóc trẻ bị ho sao cho đúng cách?
Trẻ rất dễ bị ho khi thay đổi thời tiết, một phần cũng là do thời điểm giao mùa là lúc hệ miễn dịch của trẻ dễ bị suy yếu. Điều này khiến trẻ chán ăn, mệt mỏi, hay nôn trớ, giật mình tỉnh dậy khi đang ngủ,... Nếu xử lý không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vì vậy khi chăm sóc trẻ bị ho, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
-
Cho bé tích cực uống nước: khi cơ thể được bổ sung đầy đủ nước sẽ giúp làm loãng dịch nhầy ở họng, mũi và đường hô hấp. Từ đó trẻ sẽ dễ thở và bớt ho hơn. Ngoài nước lọc ấm, cha mẹ nên cho bé uống sữa, nước súp, nước trái cây. Nếu trẻ dưới 6 tháng chưa ăn dặm thì cần cho bé bú sữa mẹ/sữa công thức nhiều hơn;
-
Dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi cho trẻ: nếu trẻ bị ho kèm sổ mũi, ngạt mũi gây khó thở, biếng ăn, ngủ khó thì cha mẹ nên nhỏ nước muối sinh lỹ vào mũi để trẻ dễ thở hơn, làm sạch và giảm sưng viêm đường hô hấp, qua đó trẻ có thể dễ dàng tống xuất đờm ra ngoài;
-
Kê cao đầu khi nằm: giúp giảm ho và giảm ngạt mũi cho trẻ;
-
Dùng mật ong chữa ho: mật ong có tác dụng sát khuẩn, dịu viêm, giảm ho. Mỗi ngày trước khi đi ngủ cha mẹ nên cho bé uống ½ muỗng cà phê mật ong. Tuy nhiên tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể khiến trẻ bị ngộ độc;
-
Dùng máy phun sương tạo ẩm không khí: điều này có tác dụng tích cực đối với trường hợp trẻ bị khô mũi, ho khan, hạn chế tình trạng kích ứng gây ho vào ban đêm khi trẻ đang ngủ;
-
Cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, dễ nuốt: ho có thể khiến họng của bé bị đau, sưng và xước. Do đó khi chế biến đồ ăn cha mẹ nên làm mềm, lỏng để thức ăn dễ nuốt hơn, không gây khó chịu cho cổ họng và đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Có thể dùng mật ong chữa ho cho trẻ nhưng tuyệt đối không sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
Nếu trẻ bị ho kèm theo nhiều triệu chứng bất thường, nghiêm trọng thì cha mẹ hãy đưa bé đi khám ngay lập tức:
-
Trẻ thở mệt, thở gắng sức, ho, thở khò khè, thậm chí là ngưng thở;
-
Có dấu hiệu tím tái ở môi và quanh môi;
-
Mệt mỏi thường xuyên, thể trạng yếu ớt;
-
Cảm thấy khó chịu khi nói chuyện hoặc khi thở bình thường;
-
Ho kèm theo nôn mửa nhiều lần;
-
Đau ngực mỗi khi thở sâu;
-
Ho tím tái da môi và mặt;
-
Khó nuốt, chảy nhiều nước dãi;
-
Bé bú kém, có khi bỏ bú;
-
Trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi sốt cao, đo nhiệt độ hậu môn trên 39 độ C;
-
Trẻ sốt cao 40 độ C, sau khi dùng thuốc hạ sốt được 2 giờ nhưng không hề cải thiện.
Trên đây là các lưu ý dành cho cha mẹ khi dùng thuốc ho cho bé và chăm sóc trẻ bị ho sao cho đúng cách. Nên lưu ý rằng trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào, các bậc phụ huynh cũng nên lắng nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý kê đơn và dùng thuốc cho trẻ vì có thể sẽ khiến trẻ gặp phải biến chứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng.