Viêm cơ tim ở trẻ em là một dạng bệnh lý có các triệu chứng ban đầu rất giống với các bệnh cảm thông thường như đau đầu, sốt, xanh xao, người mệt mỏi ê nhức,... Do đó các bậc phụ huynh cần phải hết sức lưu ý và đưa trẻ đi thăm khám nhằm phát hiện để điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
07/08/2021 | Giải đáp thắc mắc: Bị nhói tim dấu hiệu bệnh gì? 04/08/2021 | Khi nào cần siêu âm tim và quy trình thực hiện kỹ thuật này 02/08/2021 | Tổng quan bệnh lý và các loại thuốc điều trị suy tim phổ biến
1. Khái niệm và nguyên nhân dẫn đến viêm cơ tim ở trẻ em
Hiện tượng viêm thành cơ tim, hoại tử hay ly giải các tế bào cơ tim do bị nhiễm độc, nhiễm trùng hoặc do các bệnh lý tại các mô liên kết được gọi là bệnh viêm cơ tim. Đối với trẻ em, bệnh viêm cơ tim thường kết hợp với chứng viêm màng trong tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Nguyên nhân gây viêm cơ tim ở trẻ em phải kể đến đó là do những loại virus sau: Echoviruses, Enteroviruses và adenovirus. Các loại virus gây bệnh sởi hoặc quai bị cũng có thể gây bệnh viêm cơ tim.
Khi những loại virus trên tấn công vào cơ thể sẽ khiến cho các tế bào cơ tim bị tổn thương, đồng thời bị giảm sức co bóp dẫn đến truỵ tim mạch. Lúc này gánh nặng sẽ đè lên trái tim vì tim phải giãn to hơn và tăng năng suất hoạt động nhằm đảm bảo duy trì trạng thái bình thường cho các hoạt động của cơ thể. Lâu dần do phải lao động quá sức, tim có dấu hiệu bị suy yếu, các cơ tim trở nên rệu rã, co bóp yếu dần, bị huỷ hoại gây nên hiện tượng giải phóng các chất, gia tăng men tim.
Hình ảnh ví dụ về bệnh viêm cơ tim
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim, nhưng trẻ em và đặc biệt là những trẻ từ 2 - 10 tuổi là đối tượng dễ mắc nhất. Những trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi rất dễ bị tổn thương do ở giai đoạn này chức năng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể trẻ chưa được hoàn thiện, đồng thời sức đề kháng của trẻ còn khá mong manh.
Viêm cơ tim, đặc biệt là viêm cơ tim cấp là bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhi nếu bị nhẹ thì chỉ có những biểu hiện thoáng qua và được điều trị phục hồi sớm thì sẽ ít khi để lại di chứng. Tuy nhiên có những trường hợp nặng, không được phát hiện hoặc điều trị kịp thời có thể sẽ phải chịu biến chứng suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí trẻ phải đối diện với nguy cơ tử vong cao.
2. Biểu hiện ở những trẻ bị viêm cơ tim
Triệu chứng của viêm cơ tim ở trẻ em thể hiện nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào thể trạng của bé và độ tuổi mà bệnh nhi đang mắc bệnh. Cụ thể như sau:
2.1 Đối với trẻ lớn
Dấu hiệu khởi phát bệnh trên lâm sàng bao gồm:
-
Triệu chứng đường hô hấp: khó thở, đau tức ngực,...;
-
Sau đó là các biểu hiện về rối loạn tiêu hoá;
-
Khi bệnh tiến triển nặng sẽ cho thấy các triệu chứng về tim và vùng ngực rõ hơn.
Vì các biểu hiện trên không đặc hiệu nên các bậc phụ huynh thường dễ nhầm lẫn với những bệnh sốt hay cảm cúm thông thường. Do đó cha mẹ các bé sẽ tự điều trị tại nhà bằng thuốc tự kê đơn mà hiếm khi cho con em mình đi khám tại bệnh viện. Cho đến khi trẻ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng ở vùng tim mới đưa trẻ đi thăm khám, điều này gây khó khăn cho công tác điều trị về sau và làm tăng nguy cơ biến chứng.
2.2 Đối với những trẻ nhỏ tuổi hơn
Biểu hiện bệnh viêm cơ tim ở trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi thường mông lung và khó để chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Trẻ có thể đột nhiên bỏ bú, bị sốt, hay quấy khóc hoặc rơi vào trạng thái ngủ li bì.
Biểu hiện viêm cơ tim ở trẻ thường bị nhầm lẫn với bệnh sốt và cảm thông thường
Khi thăm khám có thể phát hiện thấy những biểu hiện như sau:
-
Tiếng tim mờ - đây được coi là biểu hiện sớm và có giá trị chẩn đoán cao đối với bệnh viêm tim cấp. Ngoài ra có thể thấy tiếng ngựa phi, ở mỏm tim có tiếng thổi tâm thu do giãn buồng thất trái, dẫn tới tình trạng hở van 2 lá cơ năng.
-
Biểu hiện tím tái, sắc nhợt nhạt;
-
Huyết áp tụt, nhịp tim nhanh;
-
Đau tức ngực, hồi hộp trống ngực;
-
Khi gắng sức sẽ bị khó thở. Trường hợp nặng có thể bị khó thở ngay cả trong lúc nghỉ ngơi;
Khi hiện tượng viêm cơ tim lan rộng thì các biểu hiện của suy tim sẽ xuất hiện và rõ ràng hơn. Lúc này trẻ sẽ hay gặp những cơn đau ngực, nhịp tim nhanh hơn hoặc bị rối loạn nhịp tim, kết hợp với chứng khó thở khi hoạt động và cả khi nghỉ ngơi. Có thể bị phù chân, bàn chân hay mắt cá chân do ứ dịch.
3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm cơ tim ở trẻ?
Nhằm phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ trẻ bị mắc bệnh viêm cơ tim, các bậc phụ huynh cần bỏ túi những biện pháp như sau:
-
Tiến hành tiêm chủng cho trẻ một cách đầy đủ, trong đó bao gồm các mũi tiêm bệnh cúm, bạch cầu, rubella và quai bị. Những mũi tiêm này là vô cùng cần thiết và tuyệt đối không nên bỏ qua;
-
Đảm bảo một chế độ ăn uống khoa học cho trẻ, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như khoáng chất và vitamin để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng của trẻ được nâng cao;
-
Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn hoặc các trẻ đã từng mắc các bệnh như quai bị, cảm cúm, rubella,...;
-
Tạo cho trẻ một thói quen đó là uống đủ nước mỗi ngày;
-
Đối với những trẻ lớn cần rèn luyện cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
-
Nếu phát hiện bé có những triệu chứng bất thường như sốt, bỏ bú, người đau mỏi, hay có cảm giác khó thở, tim đập nhanh mà không có tác động gì, người xanh xao, tím tái,... cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi chưa có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tiêm vắc xin là chìa khóa giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa nhiều loại bệnh cho trẻ
Bệnh viêm cơ tim ở trẻ em nếu bị nhẹ thì có thể chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và có thể tự khỏi, ít cho thấy biểu hiện lâm sàng hoặc nếu có cũng không rầm rộ. Nhưng khi bị nặng, đặc biệt là các trường hợp diễn tiến đến suy tim thì bệnh sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ bệnh nhi hoặc thậm chí đe doạ đến tính mạng của trẻ. Do đó cha mẹ cần lưu ý tới tình trạng sức khoẻ của con mình, nhạy bén nhận ra những thay đổi bất thường để nhanh chóng phát hiện và cho trẻ đi điều trị sớm.
Nếu bạn đọc còn điều gì thắc mắc về chứng viêm cơ tim ở trẻ em hoặc đang gặp những vấn đề sức khoẻ khác, hãy liên hệ tới tổng đài 1900565656 - BVĐK MEDLATEC để được tư vấn thêm (miễn phí) về các gói khám phù hợp cũng như linh hoạt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa nhé!