Trong những năm gần đây, huyết áp cao trở thành căn bệnh đáng lo ngại khi tỷ lệ mắc mắc có xu hướng tăng nhanh. Bệnh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm giảm sức lao động rõ rệt, là nguyên nhân gây ra tàn phế và một số biến chứng nguy hiểm.
04/02/2020 | Xét nghiệm Renin trong việc chẩn đoán bệnh tăng huyết áp 21/05/2019 | Holter huyết áp - phương pháp đánh giá toàn diện, chính xác, tự động về huyết áp 16/05/2019 | Bệnh tăng huyết áp – những thông tin cần biết
1. Định nghĩa huyết áp và huyết áp cao
Huyết áp là áp lực máu trong động mạch do tim co bóp đẩy máu từ tâm thất trái vào hệ động mạch. Tại đây nhờ có áp lực co bóp của thành mạch làm máu lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể.
Huyết áp tâm thu là khi tim co bóp đẩy máu, áp lực trong động mạch lớn nhất. Vào thời kỳ tim giãn áp lực đó giảm ở mức thấp nhất là huyết áp tâm trương.
huyết áp cao là hiện tượng huyết áp ở mức cao hơn bình thường, được xác định khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Với người lớn, huyết áp tối ưu thường ở mức 120/80 mmHg.
Bác sĩ đang thực hiện đo huyết áp
Máu có thể lưu thông được chính là nhờ vào huyết áp. Nhiệm vụ quan trọng của huyết áp là đưa máu giàu oxy cùng với các dưỡng chất đến tất cả các tế bào để duy trì hoạt động của cơ thể. Vì vậy mà khi huyết áp cao, chức năng này bị ảnh hưởng gây nên những biến chứng nguy hiểm.
2. Cơ chế sinh bệnh huyết áp cao
Theo nhiều nghiên cứu thì nhìn chung tần suất của bệnh hiện nay thấp hơn so với các nước Âu Mỹ. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Mỹ, tỷ lệ người bị huyết áp cao có xu hướng giảm thì Việt Nam qua các năm, số bệnh nhân bị cao huyết áp ngày càng tăng và diễn biến bệnh ngày càng phức tạp. 95% tổng số bệnh nhân bị huyết áp cao đều có cơ chế sinh bệnh không rõ ràng. Các nhà sinh lý và lâm sàng tim mạch đã có rất nhiều nghiên cứu với nỗ lực tìm ra cơ chế sinh bệnh tăng huyết áp. Một số cơ chế đã được công nhận như sau:
Đối với tăng huyết áp nguyên phát
-
Tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm: thường gặp ở người trẻ tuổi, điều này làm tăng hoạt động của cơ tim dẫn đến tăng cung lượng tim. Hệ thống động mạch ngoại vi và động mạch thận co thắt làm tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp.
-
Nồng độ muối có trong huyết tương sẽ kích thích tiểu cầu thận tiết ra renin - một enzym có nhiệm vụ điều hòa huyết áp, duy trì áp lực lọc tại tiểu cầu thận. Renin là chất xúc tác cho các chuyển hóa từ Angiotensin thành Angiotensin II. Chất này kích thích vỏ thượng thận tăng quá trình giữ nước và giữ muối. Angiotensin II có trong động mạch, làm tăng thể tích dịch lưu hành, là cơ sở gây ra huyết áp cao.
-
Dân gian thường truyền tai nhau rằng khi bị cao huyết áp thì không nên ăn quá mặn. Điều này hoàn toàn đúng với cơ chế gây bệnh như sau: thành phần chính của muối ăn chính là Natri. Khi ăn nhiều Natri, khả năng lọc của thận tăng, tăng quá trình hấp thu nước làm cho thể tích máu tăng. Natri, Calci thẩm thấu qua màng vào trong tế bào của cơ trơn mạch máu, làm tăng tính có mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến huyết áp tăng.
-
Khi bị thiếu Prostaglandin E2 và Kallikrein là hai chất ở thận có vai trò điều hòa huyết áp cũng có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp.
Không nên ăn quá mặn khi bị cao huyết áp
Đối với tăng huyết áp thứ phát
Chỉ có khoảng 5% tổng số bệnh nhân huyết áp cao có thể xác định được nguyên nhân rõ ràng bao gồm:
-
Huyết áp cao do xuất phát từ các bệnh của nhu mô thận: khi thể tích lòng mạch tăng hoặc tăng hoạt động của renin - angiotensin - aldosteron. Trường hợp mạch máu ở thận bị dị dạng cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp. Nguyên nhân này xảy ra ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao.
-
U tuyến thượng thận dẫn đến cường Aldosteron hoặc u tủy thượng thận cũng là thủ phạm dẫn đến huyết áp cao.
-
Bệnh tăng huyết áp xuất hiện và nặng hơn nếu bệnh nhân là phụ nữ mang thai. Có thể dẫn đến tử vong cả mẹ và thai nhi.
-
Sử dụng Oestrogen sẽ làm tăng tổng hợp tiền chất renin. Sử dụng corticoid kéo dài dẫn đến cường giáp đều có thể gây nên bệnh huyết áp cao.
3. Các biến chứng khó lường của huyết áp cao
Những biến chứng do huyết áp cao gây ra thường gặp hiện nay bao gồm:
-
Biến chứng tại tim: tăng bề dày thành tâm thất trái, buồng tim giãn, giảm chức năng, xơ vữa động mạch vành, suy tim gây ra các cơn khó thở, đau thắt ngực, thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
Tăng huyết áp có thể gây khó thở, đau thắt ngực
-
Biến chứng tại mạch máu: giảm sản xuất và ức chế hoạt động của NO làm sản sinh ra chất superoxide dẫn đến rối loạn chức năng nội mạc, xơ vữa động mạch. Nguy cơ cao dẫn đến tai biến mạch máu não và các bệnh lý tim mạch.
-
Biến chứng tại não: cao huyết áp có thể dẫn đến thiếu máu não cục bộ hoặc tai biến mạch máu não. Tai biến mạch máu não chính là kẻ sát thủ có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ với 2 dạng là xuất huyết não và nhồi máu não. Đó là hậu quả của xơ vữa mạch não hoặc tắc mạch từ một điểm của động mạch cảnh.
-
Biến chứng tại mắt: tăng huyết áp có thể dẫn đến tổn thương võng mạc mắt. Những tổn thương này thường gây ra điểm tối, nhìn mờ,thậm chí có thể bị mù, nhất là khi bị phù gai tại vùng điểm vàng. Động mạch võng mạc bị tổn thương do thành mạch dày lên và cứng, các động mạch nhỏ xơ vữa, ép các tĩnh mạch làm cho chúng bắt chéo vào trong.
Huyết áp cao có thể dẫn đến tổn thương võng mạc
Với những biến chứng nguy hiểm, huyết áp cao đã trở thành mối đe dọa của toàn nhân loại. Nếu bạn và người thân đang bị huyết áp cao hoặc có biểu hiện nghi ngờ thì hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán. Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng một chế độ ăn uống, luyện tập thể thao hợp lý, hạn chế sử dụng các chất kích thích để có một cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa chứng bệnh tăng huyết áp. Hãy là người bác sĩ thông minh cho chính cơ thể bạn.