Lo sợ đến mức ám ảnh về cân nặng là tâm lý chung của không ít người. Tình trạng này kéo dài theo thời gian tạo nên chứng chán ăn tâm thần. Vậy đây là hội chứng như thế nào, nguy hiểm hay không và làm sao để xử lý. Tất cả khúc mắc ấy sẽ được chia sẻ ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
20/08/2020 | Chán ăn mệt mỏi là dấu hiệu của bệnh lý nào? 11/08/2020 | Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng buồn nôn chán ăn
1. Chán ăn tâm thần - nguyên nhân và biểu hiện
1.1. Chán ăn tâm thần là gì?
Chán ăn tâm thần (biếng ăn tâm lý) là một hội chứng rối loạn ăn uống được đặc trưng bởi tình trạng sụt giảm bất thường trọng lượng cơ thể, nỗi lo sợ bị tăng cân và có những nhận thức sai lệch về cân nặng. Hội chứng này được phân thành 2 loại:
Ám ảnh về cân nặng và hình thể lâu ngày gây ra chứng chán ăn tâm thần
- Loại hạn chế: khẩu phần ăn hàng ngày sẽ được người bệnh hạn chế về mức ít nhất có thể, họ không nhịn ăn và cũng không ăn uống vô độ nhưng lại hay tự làm cho mình bị nôn sau khi ăn, dùng thuốc nhuận tràng hoặc cố gắng tập thể dục quá sức.
- Loại nhịn ăn hoặc ăn uống vô độ: người bệnh có thói quen ăn uống vô độ rồi tự làm cho mình bị nôn hoặc thường xuyên nhịn ăn để trọng lượng cơ thể bị giảm sút ở mức nhiều nhất.
1.2. Do đâu bị chán ăn tâm thần
Sở dĩ người bệnh bị chứng chán ăn tâm thần là do:
- Ám ảnh quá mức về cân nặng nên tìm mọi cách để giảm cân, có những người tự làm cho mình bị nôn hết thức ăn ra sau khi có những đợt ăn nhiều xen kẽ với những đợt ăn bí mật về đêm vì không có khả năng nhịn ăn suốt một thời gian dài.
- Liên quan đến di truyền, tác động của môi trường khiến cho biểu hiện gen bị thay đổi.
- Yếu tố văn hóa ở một số nước xem vóc dáng là thước đo cho vẻ đẹp lý tưởng.
1.3. Biểu hiện của chán ăn tâm thần như thế nào?
Những người bị chứng chán ăn tâm thần thường có các biểu hiện sau:
- Về thể chất
+ Cân nặng thay đổi liên tục hoặc giảm cân nhanh chóng.
+ Bị chóng mặt hoặc ngất xỉu.
+ Thường xuyên ngủ không ngon và có cảm giác mệt mỏi.
+ Luôn cảm thấy lạnh ngay cả khi thời tiết đang ấm.
- Về tâm lý
+ Suy nghĩ méo mó về vóc dáng, cân nặng.
+ Nhạy cảm đến mức thái quá trước những bình luận về ăn uống, cân nặng, hình thể.
Người bị chứng chán ăn tâm thần thường hay suy nghĩ méo mó về vóc dáng của mình
+ Bận tâm quá nhiều đến cân nặng, hình thể, ăn uống.
+ Ám ảnh về diện mạo, cân nặng và hình thể.
+ Lo lắng trước mỗi lần ăn uống.
+ Hay dùng thực phẩm như một nguồn vui.
+ Hay tự trừng phạt bản thân mình bằng thực phẩm.
- Về hành vi
+ Ăn kiêng bằng mọi cách, tránh ăn chung với người khác và ăn uống kín đáo.
+ Cuồng ăn nhưng ngay sau đó lại tìm cách để tống thức ăn ra khỏi cơ thể.
+ Cưỡng ép tập thể dục quá mức.
+ Đột nhiên chán ăn những thực phẩm vốn trước đó rất thích.
+ Có hành vi bí mật xung quanh việc ăn uống.
2. Tính chất nguy hiểm của chứng chán ăn tâm thần
Bản thân người bị chứng chán ăn tâm thần luôn ám ảnh về cân nặng và tìm mọi cách để giảm cân nên khi tình trạng này kéo dài rất dễ gây nên những hệ lụy xấu. Lúc ấy, người bệnh không chỉ bị suy dinh dưỡng mà còn mắc các bệnh lý về dinh dưỡng như: huyết áp thấp, táo bón, đầy hơi, vô kinh, da vàng và khô, thiếu máu, nhịp tim chậm, mất lớp mỡ dưới da, các bắp cơ bị teo, mắc vấn đề về thận,... Nguy hiểm hơn nữa, một số người trong nhóm mắc hội chứng này còn có nguy cơ tự tử vì ám ảnh hình thể. Có khoảng 6% người bị hội chứng này tử vong do liên quan đến bệnh thận và tim.
3. Xử lý với chứng chán ăn tâm thần bằng cách nào?
Muốn xử lý hiệu quả chứng chán ăn tâm thần cần phải giải quyết được 3 vấn đề là: khôi phục trọng lượng cơ thể về mức thích hợp, điều trị rối loạn tâm lý có liên quan và giảm hoặc loại bỏ hành vi/tư tưởng khởi nguồn cho rối loạn ăn uống. Một liệu trình điều trị tổng quát gồm chăm sóc y tế, chế độ dinh dưỡng để phục hồi cân nặng về mức bình thường, tâm lý trị liệu kết hợp dùng thuốc.
Khi có biểu hiện nghi ngờ bị chán ăn tâm thần người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để xử lý kịp thời
Đối với người bị mắc hội chứng này thì điều chỉnh chế độ ăn uống giữ vai trò quan trọng nhất nhưng việc làm này cần phải phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân. Việc bổ sung kẽm mang lại rất nhiều lợi ích trong việc điều trị chứng chán ăn tâm thần và người bệnh cần phải có chế độ ăn đầy đủ năng lượng.
Về chế độ dinh dưỡng, hàng ngày người bệnh cần được cung cấp 1.200 - 1.500 calo/ngày kết hợp với tăng 500 calo/ngày. Duy trì quá trình đến mức 4.000 calo (với bệnh nhân nam) và 3.500 calo (với bệnh nhân nữ). Bên cạnh đó, DHA và EPA cũng rất có lợi với các dạng rối loạn tâm thần kinh này. Ngoài ra, dịch truyền và vitamin E cũng có thể được dùng khi cần thiết.
Những trường hợp nguy cấp đến tính mạng như rối loạn nhịp tim, suy dinh dưỡng nặng, mất cân bằng điện giải, mất nước, suy thận,... cần được cấp cứu để chăm sóc y tế chuyên sâu. Lúc này, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên, ăn thức ăn đặc kết hợp bổ sung chất lỏng. Bệnh nhân sẽ được theo dõi, chăm sóc và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần hoặc phối hợp với một số chuyên gia có liên quan.
Bên cạnh đó, liệu pháp tư vấn cá nhân là trị liệu tâm lý cũng được dùng để thay đổi suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Cuối cùng, bác sĩ sẽ kê đơn một số thuốc hỗ trợ điều trị chứng chán ăn tâm thần như thuốc chống trầm cảm, thuốc tâm thần để điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm,…
Nhìn chung, không thể chủ quan với chứng chán ăn tâm thần vì nó có thể cướp đi tính mạng của người bệnh. Vì thế, nếu phát hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào như đã nói ở trên, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để tìm hướng khắc phục kịp thời. Hầu hết bệnh nhân mắc phải hội chứng này đều có tâm lý không muốn chữa trị nên gia đình và người thân cần cố gắng an ủi, động viên để họ đến gặp bác sĩ thăm khám.
Mọi sự trợ giúp về y tế đối với chứng chán ăn tâm thần, quý khách hàng có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, đội ngũ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng lắng nghe chia sẻ của quý khách để đưa ra những tư vấn phù hợp.