Chàm là một loại bệnh da liễu khá thường gặp song nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, tuy nhiên hiện nay cũng đã xác định được các yếu tố nguy cơ gây bệnh chàm. Việc hạn chế những yếu tố nguy cơ này sẽ giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tốt hơn. Chàm chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, vì thế cha mẹ nên chú ý đến dấu hiệu bệnh của con phát hiện và điều trị sớm.
21/05/2021 | Bệnh chàm có lây không và những điều bạn cần biết 17/05/2021 | Giúp cha mẹ tháo gỡ băn khoăn làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa 13/05/2021 | Bệnh chàm sữa là gì - tất tần tật điều mẹ nên biết khi con bị chàm sữa
1. Các dạng chàm thường gặp
Chàm là tên chỉ chung cho nhiều loại viêm da có thể gặp ở mọi lứa tuổi song trẻ nhỏ là phổ biến hơn cả. Thực tế có nhiều dạng chàm khác nhau do nguyên nhân, yếu tố kích thích và có đặc điểm bệnh khác nhau.
Chàm da là bệnh da liễu khá thường gặp
Dưới đây là các dạng chàm thường gặp:
1.1. Viêm da dị ứng
Đây là dạng chàm phổ biến nhất, xuất hiện ở trẻ nhỏ do cơ địa nhạy cảm và thường biến mất hoặc nhẹ đi khi trưởng thành. Những người bị hen suyễn, sốt hoa cỏ có nguy cơ cũng bị chàm dạng viêm da dị ứng, đây là nhóm bệnh thường đi kèm.
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng là do chế độ bảo vệ da tự nhiên bị suy yếu hoặc phá hỏng do nguyên nhân nào đó, khiến da bị tổn thương với chất gây kích ứng. Đặc điểm của chàm dạng viêm da dị ứng như sau:
-
Thường xuất hiện phát ban ở nếp gấp khuỷu tay, đầu gối, trẻ nhỏ còn bị ở má và da đầu.
-
Trên các vết tổn thương da có thể bị sưng, rỉ chất lỏng khi gãi.
-
Da phát ban chàm có thể sáng hoặc tối màu hơn, song đều khô và dày hơn.
1.2. Chàm tiếp xúc
Chàm tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với chất gây kích ứng khiến da bị đỏ, ngứa. Triệu chứng phổ biến của dạng chàm da này là: da đỏ, ngứa, bỏng, có cảm giác châm chích. Xuất hiện mề đay trên da, đôi khi hình thành cả mụn nước đóng vảy.
Chàm tiếp xúc do da tiếp xúc với chất kích thích
Tác nhân kích thích gây chàm tiếp xúc rất đa dạng như: chất tẩy trắng, chất tẩy rửa, mủ cao su, sản phẩm chăm sóc da, xà phòng, nước hoa,…
1.3. Chàm tay
Đặc điểm của chàm tay là chỉ xuất hiện tổn thương viêm da ở vùng da bàn tay, nguyên nhân cũng khả năng bảo vệ của da yếu trước yếu tố gây kích thích.
Đặc điểm chàm tay là da bàn tay bị ngứa, đỏ, khô, đôi khi hình thành mụn nước hoặc vết nứt trên da.
1.4. Chàm thể đồng tiền
Loại chàm này rất dễ nhận biết do các tổn thương xuất hiện trên da có dạng hình đồng xu, đốm tròn, chúng gây ngứa nhiều, ngứa nghiêm trọng và kéo dài. Theo thời gian, các đốm tổn thương da này sẽ đóng vảy, khi vảy rụng da cũng lành lại.
Tác nhân gây chàm đồng tiền được biết là do côn trùng cắn, phản ứng quá miễn của da với hóa chất hoặc kim loại,… Nhiều người bị chàm thể đồng tiền kết hợp với nhiều thể chàm khác, phổ biến như viêm da dị ứng.
1.5. Chàm tổ đỉa
Chàm tổ đỉa đặc trưng với các tổn thương xuất hiện cùng mụn nước trên bàn tay và bàn chân, kèm với đó là cảm giác đau, ngứa vô cùng khó chịu. Vùng da tổn thương này dễ bị co giãn, bong tróc, khô ráp, nứt nẻ ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố thẩm mỹ.
Nguyên nhân gây chàm tổ đỉa cũng do da bị dị ứng với chất kích thích, kết hợp với môi trường độ ẩm cao, sức đề kháng hoặc miễn dịch da bị rối loạn.
2. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh chàm điển hình
Dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác song cơ chế gây chàm được nhiều nhà khoa học công nhận là do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi gặp chất kích ứng. Ở người bình thường, hệ miễn dịch chỉ phản ứng và tấn công protein xâm nhập từ bên ngoài như virus, vi khuẩn.
Song ở người mắc bệnh chàm cũng như các bệnh rối loạn miễn dịch khác, hệ miễn dịch mất hoặc rối loạn khả năng phân biệt protein trong cơ thể và protein lạ. Kết quả là nó tấn công cả tế bào cơ thể, ở bệnh chàm là tế bào da gây bệnh.
Vậy các yếu tố nguy cơ nào gây ra bệnh chàm?
2.1. Yếu tố nguy cơ là nguyên nhân gây bệnh
Hai yếu tố nguy cơ cao nhất bao gồm:
Bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô: Chàm rất thường gặp ở những trẻ bị sốt cỏ khô hoặc hen suyễn, ngoài ra cũng gặp ở đối tượng mắc bệnh này dưới 30 tuổi.
Tiền sử gia đình: Thực tế bệnh chàm có liên quan đến yếu tố di truyền, nếu trong gia đình bố mẹ, anh chị em có người mắc bệnh chàm thì nguy cơ trẻ mắc phải cũng cao hơn.
Chàm da được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền
2.2. Các yếu tố nguy cơ kích hoạt bệnh
Yếu tố kích hoạt các đợt chàm bùng phát rất đa dạng, còn tùy thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân và loại bệnh chàm. Một số chàm thường gặp do yếu tố thời tiết, nước hoa, phấn hoa, bụi bẩn,… gây ra.
Bên cạnh đó còn có:
Người quá nóng hoặc đổ nhiều mồ hôi: Nhiệt độ cơ thể tăng cùng với việc đổ mồ hôi sẽ khiến bệnh chàm khởi phát hoặc trở nên nặng hơn. Ngoài ra, nếu không chăm sóc tốt, nguy cơ bội nhiễm gây tổn thương da nghiêm trọng có thể gặp phải.
Sợi vải: Tác nhân kích ứng da gây chàm có thể là sợi vải quần áo, đồ gia dụng,… nhất là vải len, vải thô, vải vật liệu hỗn tạp,…
Thay đổi nhiệt độ đột ngột: Khi nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, nhất là khi từ lạnh ra nóng, cơ thể nóng lên và đổ mồ hôi có thể dẫn đến dấu hiệu chàm. Ngoài ra, độ ẩm thấp đột ngột không chỉ khiến da bị khô mà có thể gây viêm da, chàm.
Da đổ nhiều mồ hôi và môi trường ẩm ướt có thể gây chàm ở trẻ
Hóa chất gia dụng: Người bình thường có thể tiếp xúc với chất tẩy rửa, xà phòng với nồng độ hóa chất ở mức cho phép, song người có cơ địa nhạy cảm thì có thể bị khởi phát chàm nếu tiếp xúc. Ngoài ra, tác nhân khác có thể kích hoạt chàm như nước hoa, dưỡng da,…
Có thể thấy, có rất nhiều các yếu tố nguy cơ gây bệnh chàm, song cần kết hợp cả hai yếu tố là cơ địa nhạy cảm với hệ miễn dịch hoạt động bất thường và tác nhân gây kích ứng. Tốt nhất khi bản thân hoặc trẻ xuất hiện chàm, hãy khoanh vùng các hoạt động, tiếp xúc có nguy cơ khiến da bị dị ứng và sau đó tránh xa chúng. Nếu chàm và dấu hiệu dị ứng trở nên nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ thì tốt nhất nên đi khám và điều trị tại cơ sở y tế uy tín.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là cơ sở y tế uy tín với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị hiệu đại, quy trình thăm khám nhanh gọn, chuyên nghiệp. MEDLATEC đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh chàm da cũng như các vấn đề về da khác. Nêu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ từ các chuyên gia hoàn toàn miễn phí.