Nghén bầu là tình trạng là hầu hết thai phụ đều phải trải qua, đây không phải là bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên cần sớm phát hiện và can thiệp nếu bị nghén trầm trọng, tránh khiến thai nhi thiếu dinh dưỡng, phát triển kém.
15/08/2014 | Giảm ốm nghén bằng những cách tự nhiên 02/11/2013 | Ốm nghén ơi, tạm biệt!
1. Nghén bầu là gì?
Nghén là tên gọi chung của nhóm triệu chứng khó chịu mà phụ nữ mang thai thường gặp phải từ khoảng tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ. Nghén khiến thai phụ bị buồn nôn, nôn, thay đổi khẩu vị, mệt mỏi, khó chịu,… Nghén thường biến mất khi thai phát triển sang tuần thai thứ 12 - 14 hoặc có thể kéo dài hơn.
Nghén bầu là tình trạng mà hầu hết phụ nữ mang thai phải trải qua
Tuy nhiên ở khoảng 3% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng nghén nặng, gây hiện tượng nôn nặng, nôn liên tục không thể kiểm soát khiến mẹ không thể ăn uống và hấp thu được dinh dưỡng. Nghén thai thông thường và nghén nặng có những biểu hiện và ảnh hưởng khác nhau tới mẹ và bé. Biến chứng của nghén nặng vô cùng nguy hiểm với mức độ nghiêm trọng khác nhau với từng phụ nữ mang thai.
Có thể phân biệt ốm nghén thường với nghén bầu nặng qua các đặc điểm phân biệt sau:
Ốm nghén
- Nôn vừa phải nên thức ăn vẫn giữ được trong dạ dày.
- Xuất hiện ở khoảng 80% thai phụ.
- Hiện tượng này sẽ giảm từ tuần thứ 12 - 20 của thai kỳ.
- Thai phụ không bị sút cân.
- Để hạn chế ốm nghén, thai phụ chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
Nghén nặng
- Nôn nhiều nên thức ăn trong dạ dày không giữ được, bị tống hết ra ngoài.
- Xuất hiện ở khoảng 1 - 3% thai phụ.
- Có nhiều chị em phụ nữ có thể nghén kéo dài suốt thai kỳ.
- Thai phụ có thể giảm từ 2 - 10kg.
- Trong trường hợp nghén nặng, cần phải dùng thuốc hoặc nhập viện để theo dõi.
Cần xác định và theo dõi nếu bị nghén bầu nặng
Dấu hiệu nghén bầu nặng phổ biến là: Ăn không ngon, cảm giác buồn nôn gần như thường xuyên, nôn nhiều hết tất cả thức ăn đã ăn (3 - 4 lần/ngày), cơ thể mất nước, chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu, giảm cân nặng nhanh chóng,… Trường hợp nghén nặng cần can thiệp y tế và theo dõi điều trị càng sớm càng tốt.
2. Tại sao thai phụ bị nghén bầu?
Hầu hết thai phụ đều trải qua tình trạng ốm nghén, song ít trường hợp bị nghén bầu nặng. Tình trạng này liên quan đến sự thay đổi và điều hòa hormone sinh dục trong thời kỳ mang thai. Cụ thể cơ thể mẹ bầu sản sinh lượng hormone lớn hơn, khiến cơ thể không kịp thích nghi và phản ứng lại.
Không có dấu hiệu nào cho biết một người có bị ốm nghén hay không, tuy nhiên nguy cơ nghén bầu nặng cao hơn ở một số đối tượng sau:
- Phụ nữ béo phì, thừa cân.
- Người mang thai lần đầu tiên.
- Người bị bệnh nguyên bào nuôi.
- Người mang đa thai.
- Người có tiền sử bị nghén bầu nặng ở những lần mang thai trước.
Khi phụ nữ mang thai bị nghén bầu nặng, bác sĩ cần tìm hiểu triệu chứng và bệnh sử để kiểm tra tình trạng, tìm ra nguyên nhân và khắc phục. Nếu nghén bầu nặng khiến bạn bị mất nước, mất cân bằng điện giải thì cần bổ sung phòng ngừa các vấn đề có thể gặp phải về dạ dày và đường ruột.
Thai phụ giữ tinh thần thoải mái, lạc quan sẽ giúp tình trạng nghén cũng nhẹ nhàng hơn
Các bệnh lý tiêu hóa có thể là nguyên nhân khiến mẹ bị nghén bầu nặng hơn.
3. Cách khắc phục nghén bầu đơn giản
Hầu hết các trường hợp nghén bầu đều có thể khắc phục bằng các biện pháp can thiệp, điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp.
3.1. Nghỉ ngơi đầy đủ
Stress, mệt mỏi, căng thẳng tinh thần hoặc thiếu ngủ chính là yếu tố tác động khiến triệu chứng nghén bầu trở nên trầm trọng hơn. Vì thế để giảm tình trạng này cũng như giúp thai nhi có điều kiện phát triển tốt nhất, mẹ bầu hãy cố gắng gác lại công việc, nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đủ giấc.
3.2. Bổ sung nước
Ốm nghén, đặc biệt nôn ói nhiều khiến cơ thể mẹ mất nhiều nước, dẫn tới mất cân bằng điện giải, mệt mỏi, chóng mặt. Vì thế hãy bổ sung nhiều nước, uống thường xuyên với từng ngụm nhỏ để ngừa nôn mà vẫn tốt cho cơ thể nhé. Nếu nôn nghén khiến bạn khó ăn uống, hãy thử uống nước giữa các bữa ăn nhé, tình trạng này có thể được cải thiện đó.
3.3. Chia nhỏ các bữa ăn
Thay vì chỉ ăn 3 bữa ăn chính với lượng thức ăn lớn khiến thai phụ dễ nôn nghén hơn, mẹ hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trải đều trong ngày. Hạn chế để dạ dày trống để đường huyết không xuống quá thấp, bổ sung đa dạng đầy đủ dinh dưỡng như: chất xơ, chất đạm, Vitamin, chất béo,…
3.4. Ưu tiên thực phẩm dễ ăn
Các loại thực phẩm như bánh mì nướng, bánh quy giòn tốt cho mẹ bầu hơn các loại bánh ngọt, đồ ăn cay hay béo. Bên cạnh đó, đừng bỏ qua những thực phẩm chứa nhiều protein như trứng, thịt, các loại hạt, chế phẩm từ sữa,… mẹ nhé.
Tránh xa thực phẩm có mùi kích thích cơn nôn
3.5. Tránh xa các thực phẩm có mùi kích thích
Mùi thức ăn chính là tác nhân chính khiến mẹ bị nghén bầu nặng hơn như: đồ chiên rán, đồ xào nhiều dầu mỡ, thức ăn đậm gia vị, thực phẩm cay, đồ uống quá lạnh,… Vì thế hãy tránh xa chúng, thay vào đó là những thực phẩm thanh nhẹ, mùi hương dễ chịu mà vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng nhé.
3.6. Gừng
Gừng được coi là giải pháp giảm nhanh chứng buồn nôn do nghén bầu hay say xe cực kỳ hiệu quả, tuy nhiên không phải thai phụ nào cũng có thể sử dụng. Nếu gừng tươi không thích hợp với bạn, hãy thử sử dụng bánh quy gừng, kẹo gừng, siro gừng hay trà gừng nhé.
4. Cách khắc phục nghén bầu nặng
Với phụ nữ mang thai, việc dùng thuốc là lựa chọn điều trị cuối cùng nếu các biện pháp can thiệp an toàn khác không hiệu quả bởi chúng có thể gây hại tới thai nhi. Nếu nghén bầu nặng, nôn ói liên tục không thể kiểm soát, bác sĩ có thể xem xét cho thai phụ sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả như:
4.1. Thuốc kháng Histamin
Thuốc kháng Histamin là loại thuốc được biết đến thường dùng trong các trường hợp dị ứng, chống nôn do say xe hoặc thai nghén. Dùng thuốc này để ngăn ngừa nghén bầu có thể khiến bạn buồn ngủ, vì thế lưu ý không dùng trước khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
4.2. Thuốc chẹn H1
Thuốc chẹn H1 khá hiệu quả trong các trường hợp thai phụ bị nôn nghén kéo dài, nhưng chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
MEDLATEC hiện cung cấp nhiều gói khám khác nhau phù hợp với mẹ bầu
4.3. Thuốc Prochlorperazine hoặc Metoclopramide
Hai loại thuốc này được chỉ định nếu thai phụ nghén bầu nặng không giảm sau khi dùng thuốc kháng Histamin. Nếu bạn bị nôn quá mức, cơ thể mất nước, hoa mắt, choáng váng,… thì cần sớm nhập viện để được theo dõi và điều trị.
Nhìn chung hầu hết các trường hợp nghén bầu đều không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và sinh hoạt của thai phụ. Điều cần thiết mà mẹ cần nhớ là khám siêu âm, xét nghiệm thai định kỳ để theo dõi, đảm bảo sự phát triển bình thường và khỏe mạnh của trẻ. Các bác sĩ cũng sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp để triệu chứng nghén bầu bớt khó chịu hơn, mẹ có thể chuẩn bị tốt hơn đón bé chào đời.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn từ các bác sĩ sản khoa dày dặn kinh nghiệm.