Nước ối rất quan trọng, nếu thiếu nước ối sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí có thể gây sảy thai. Bằng phương pháp siêu âm, các bác sĩ sẽ kiểm tra được lượng nước ối trong buồng tử cung. Vậy đối với những trường hợp ít nước ối, mẹ bầu cần xử trí như thế nào, nên uống gì để tăng nước ối nhanh?
14/09/2021 | Bác sĩ Sản khoa giải đáp: nhiễm trùng nước ối có nguy hiểm không? 10/09/2020 | Khi nào nước ối đục cảnh báo nguy hiểm? 10/09/2020 | Nước ối màu gì? Cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm từ màu nước ối
1. Nước ối quan trọng như thế nào?
Phần chất lỏng nằm trong túi ối và bao quanh thai nhi được gọi là nước ối. Đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, điều hòa nhiệt độ cơ thể, bảo vệ thai nhi và giúp thai nhi phát triển tốt.
Những vấn đề về nước ối ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi
Thời gian đầu, thành phần chính của nước ối là nước. Từ tuần 20 của thai kỳ, nước tiểu của thai nhi là thành phần chính trong nước ối. Nhờ vào nguồn chất lỏng này mà thai nhi được cung cấp dinh dưỡng, duy trì thân nhiệt, phát triển phổi. Đến tuần thứ 34, thể tích nước ối có thể đạt đỉnh điểm.
Ngoài ra, nước ối còn giống như một lớp đệm quanh thai nhi và dây rốn với tác dụng ngăn ngừa chèn ép dây rốn và tình trạng thiếu oxy. Vì thế, nếu lượng nước ối bị giảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi.
Để kiểm tra lượng nước ối, các bác sĩ sẽ sử dụng biện pháp siêu âm thai. Thông thường, chỉ số ối bình thường (AFI) từ 6 đến 12cm. Nếu ít hơn 5cm, thai phụ được chẩn đoán ít nước ối hay còn gọi là thiểu ối.
Tình trạng thiểu ối có thể xảy ra ở mọi thời điểm của thai kỳ, tuy nhiên, ở 3 tháng cuối, thai phụ có nguy cơ thiểu ối cao nhất. Những trường hợp thiểu ối nhưng không được phát hiện và khắc phục kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như hạn chế tăng trưởng, sảy thai, sinh non, ngạt khi sinh, thiếu oxy máu dẫn đến các bệnh về não,…
Dị tật bẩm sinh ở thai nhi cũng có thể gây thiểu ối
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu ối, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:
- Do nhau thai không cung cấp đủ dinh dưỡng khiến thai nhi ngừng bài tiết nước tiểu và làm giảm nước ối trong túi ối.
- Dị tật bẩm sinh: Với các trường hợp bị dị tật bẩm sinh thận hoặc một số cơ quan khác trong đường tiết niệu khiến thai nhi gặp vấn đề bài tiết, sản xuất không đủ lượng nước tiểu.
- Vỡ ối sớm: Các trường hợp bị vỡ ối trước khi chuyển dạ cũng có thể dẫn đến thiểu ối.
- Khi màng ối bị rách dẫn đến rỉ ối và thiểu ối.
- Thai quá ngày: Các trường hợp thai trên 42 tuần tuổi, lượng nước ối có thể giảm mạnh và dẫn đến tình trạng thiểu ối.
- Do sản phụ có vấn đề về sức khỏe: Nếu một số sản phụ bị tiểu đường, tăng huyết áp, mất nước, tiền sản giật,… lượng nước ối cũng có thể bị giảm và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
2. Mẹ bầu nên uống gì để tăng nước ối nhanh?
- Dấu hiệu thiểu ối ở mỗi người khác nhau, tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý một số triệu chứng dưới đây:
+ Tình trạng rò rỉ nước ối qua âm đạo.
+ Khi siêu âm thấy nước ối ít.
+ Kích thước thai nhi nhỏ hơn tuổi thai.
+ Mẹ tăng cân rất ít.
+ Mẹ bầu có dấu hiệu chuyển dạ sớm.
+ Có cảm giác đau, khó chịu vùng bụng.
+ Nhịp tim thai giảm đột ngột.
+ Thai nhi chuyển động ít.
Tuy nhiên, để phát hiện rõ nhất tình trạng thiếu ối, các bác sĩ cần tiến hành siêu âm thai để thấy rõ được chỉ số nước ối và đưa ra những kết luận chính xác nhất.
Uống nước dừa để tăng nước ối
Các bác sĩ trả lời thắc mắc “uống gì để tăng nước ối nhanh” như sau:
+ Thai phụ nên uống nhiều nước hơn bình thường. Mẹ bầu có thể lựa chọn nước lọc, nước ép trái cây, nước dừa, nước mía, nước cam, nước bưởi, các loại canh, súp,... Tuy nhiên, các loại nước ép hoa quả mẹ bầu chỉ dùng đủ, không nên lạm dụng nhiều vì dễ gây tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu nên ăn nhiều trái cây mọng nước. Đây chính là cách bổ sung nước ối cho mẹ bầu đơn giản nhất.
+ Đồng thời mẹ bầu cần tránh những thực phẩm gây mất nước, các loại thực phẩm lợi tiểu như cà phê, nước trà, rau má, râu ngô,…
+ Nên áp dụng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và đúng giờ, tránh lo lắng và căng thẳng quá mức.
+ Mẹ bầu có thể kết hợp với tập luyện, vận động nhẹ nhàng để tăng tuần hoàn máu giúp mẹ khỏe và thai phát triển tốt. Khi máu lưu thông nhịp nhàng trong tử cung và nhau thai, chỉ số nước ối của thai nhi có thể được cải thiện. Trong đó, bài tập đi bộ được đánh giá là bài tập đơn giản nhất mà vẫn có thể mang lại những hiệu quả tích cực.
+ Điều chỉnh tư thế ngủ cũng là một phương pháp giúp tăng nước ối một cách hiệu quả. Khi ngủ và ngay cả khi nghỉ ngơi, mẹ bầu cũng nên nằm nghiêng về bên trái. Tư thế này có thể giúp lưu thông tuần hoàn máu của mẹ và thai nhi và từ đó cải thiện tình trạng thiếu hụt nước ối.
+ Bên cạnh đó, nhiều trường hợp thiểu ối có nguy cơ cao cần được nhập viện , bác sĩ có thể sử dụng phương pháp truyền nước ối bằng cách bơm dung dịch nước muối vào túi ối khi chuyển dạ. Với phương pháp này, có thể giảm thiểu nguy cơ chèn ép dây rốn khi chuyển dạ, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Với những trường hợp bệnh nhân bị rách màng ổi, rò rỉ màng ối thì cần vá màng ối.
Nên ăn các loại quả mọng để cải thiện tình trạng nước ối
Tuy nhiên, mẹ bầu cần hiểu rằng, những phương pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời và chưa điều trị triệt để nguyên nhân thiểu ối. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi tình trạng thiểu ối có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, bác sĩ có thể chỉ định mổ bắt con.
Qua những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về vấn đề thiểu ối và tìm ra câu trả lời cho thắc mắc “uống gì để tăng nước ối nhanh”. Dù những phương pháp được áp dụng hiện nay đều không mang tính chất lâu dài, nhưng uống nhiều nước vẫn là phương pháp được khuyến khích để tăng lượng nước ối trong buồng tử cung. Bên cạnh đó, thai phụ cũng nên thường xuyên đi khám thai để được theo dõi và phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Để đặt lịch khám thai với các chuyên gia đầu ngành tại MEDLATEC, mẹ bầu vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.