Các bệnh về đường hô hấp khá phổ biến, dựa trên vị trí giải phẫu mà phân thành các nhóm bệnh khác nhau. Phân biệt bệnh đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới là vô cùng cần thiết bởi tính chất bệnh khác nhau dẫn đến phương pháp điều trị đặc hiệu khác nhau.
27/10/2021 | Phương pháp điều trị suy hô hấp nặng cho hiệu quả cao 23/10/2021 | Nhiễm trùng đường hô hấp ở người lớn và thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh 15/10/2021 | Những bệnh hô hấp, cha mẹ cần cảnh giác hay gặp ở trẻ nhỏ
1. Tìm hiểu về các bộ phận của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới
Dựa trên vị trí giải phẫu của các cơ quan đường hô hấp mà phân chia thành 2 nhóm cơ quan tương ứng:
Đường hô hấp trên: Bao gồm các cơ quan miệng, xoang, mũi, họng, thanh quản và khí quản
Bệnh đường hô hấp khá phổ biến và có thể gặp ở mọi đối tượng
Bệnh xảy ra ở những cơ quan này gọi là bệnh đường hô hấp trên như: cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản,… Những bệnh này khá phổ biến, thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc thời điểm giao mùa.
Tính chất của nhóm các bệnh đường hô hấp trên nói chung thường lành tính, bệnh tự giới hạn, không kéo dài và gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên do đặc điểm cấu tạo mà một số bệnh đường hô hấp trên khá phức tạp như viêm xoang có thể tiến triển thành mạn tính khó điều trị dứt điểm hay viêm thanh quản có thể nguy hiểm với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Đường hô hấp dưới: gồm ống phế quản và phổi
Bệnh đường hô hấp dưới thường gặp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản,… Nhóm các bệnh lý này được đánh giá mức độ nghiêm trọng cao hơn so với bệnh đường hô hấp trên, nguyên nhân có thể là virus, vi khuẩn hoặc nấm.
Bệnh đường hô hấp dưới có thể tiến triển nặng gây nguy hiểm
Người mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới nếu không điều trị kịp thời có thể gặp biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi dẫn đến tử vong.
Cúm do virus không được xếp vào nhóm bệnh đường hô hấp trên hay dưới mà là loại bệnh hệ thống.
2. Phân biệt bệnh đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới
Do tính chất bệnh khác nhau, cách điều trị khác nhau nên phân biệt bệnh đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới là rất quan trọng. Phân biệt bệnh dựa trên tác nhân và triệu chứng như sau:
2.1. Phân biệt bệnh đường hô hấp trên và dưới dựa trên nguyên nhân gây bệnh
Bệnh đường hô hấp trên thường gặp hơn và do dễ bị tác nhân gây bệnh tấn công hơn, chủ yếu là virus gây ra. Một số do vi khuẩn gây bệnh như viêm họng do Streptococcus pyogenes,…
Tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp dưới cũng có thể là virus hoặc vi khuẩn, virus thường gây bệnh viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Với bệnh viêm phổi nguy hiểm hơn, tác nhân thường là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae.
Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi
Dựa trên triệu chứng và thể bệnh, bác sĩ có thể sơ bộ nhận định tác nhân gây bệnh đường hô hấp là do virus hay vi khuẩn, từ đó đưa ra các chỉ định cận lâm sàng phù hợp để có thể chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Dựa vào chẩn đoán này để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Nhiều trường hợp bệnh phức tạp, viêm đường hô hấp xảy ra ở cùng lúc nhiều bộ phận do nhiều loại tác nhân thì cần điều trị kết hợp các phương pháp mới đẩy lùi được.
2.2. Phân biệt bệnh đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới dựa trên triệu chứng
Triệu chứng ban đầu của các bệnh đường hô hấp trên thường là chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi do vi khuẩn, virus gây kích thích các cơ quan làm tăng tiết dịch nhầy. Cảm lạnh thường không gây sốt, còn các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên khác có thể gây sốt.
Các triệu chứng bệnh đường hô hấp trên thường không quá nghiêm trọng và kéo dài. Một số trường hợp trẻ bị viêm thanh quản nặng có thể khó thở, thở nhanh và cơ thể tím tái. Viêm nắp thanh quản ở trẻ cũng gây khó thở, chảy nhiều nước dãi. Đây là tình trạng cấp cứu, cần sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí.
Nếu mắc phải bệnh đường hô hấp dưới, triệu chứng bệnh xuất hiện đa dạng, mức độ nặng tăng nhanh và nguy hiểm hơn như: ho, đau ngực, sốt, thở nhanh, tiết nhiều dịch đờm. Viêm phổi còn gây ra những biểu hiện bệnh khác như: đau cơ, đau nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy,…
Có thể dựa vào triệu chứng lâm sàng để sơ bộ nhận định tình trạng bệnh đường hô hấp trên hay bệnh đường hô hấp dưới
Triệu chứng bệnh đường hô hấp trên sẽ nặng lên nhanh chóng nếu nhiễm trùng không được điều trị và kiểm soát. Các dấu hiệu sau cảnh báo nguy hiểm, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu và điều trị nhiễm trùng sớm: chóng mặt, khó thở, thở nhanh, cơ thể tím tái, đau thắt ngực,…
Đối tượng trẻ nhỏ khi mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường có triệu chứng nặng và kéo dài hơn. Biến chứng có thể đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng trẻ nếu không chữa trị kịp thời.
3. Điều trị và phòng ngừa bệnh đường hô hấp
Bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới nếu nguyên nhân do virus thì hầu hết chỉ điều trị qua triệu chứng do hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với tác nhân gây bệnh này.
Tuy nhiên, triệu chứng khi virus gây bệnh đường hô hấp dưới thường nghiêm trọng, tiến triển nhanh hơn nên người bệnh cần đi khám sớm để chẩn đoán, điều trị và theo dõi sát tình trạng sức khỏe để phát hiện các biến chứng nguy hiểm nhằm kịp thời xử lý can thiệp y khoa.
Để phòng ngừa, tiêm phòng vắc xin được khuyến cáo, phổ biến là vắc xin phòng phế cầu và vắc xin phòng Haemophilus influenzae.
Nếu tác nhân gây bệnh đường hô hấp là vi khuẩn, triệu chứng và tiến triển bệnh thường nghiêm trọng hơn, đặc biệt là viêm phổi hay viêm phế quản. Bệnh nhân sẽ được điều trị kháng khuẩn bằng thuốc kháng sinh và các loại thuốc hỗ trợ khác. Chủng vi khuẩn gây bệnh thường gặp và nguy hiểm là Streptococcus pneumoniae, do đó vắc xin chống lại vi khuẩn này được sử dụng để phòng ngừa bệnh, giảm biến chứng ở những đối tượng nguy cơ cao.
Tiêm phòng vắc xin giúp phòng ngừa bệnh đường hô hấp
Nhìn chung, bệnh đường hô hấp trên thường gặp và ít nguy hiểm hơn, bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh song trẻ nhỏ, người miễn dịch yếu nếu mắc phải sẽ nguy hiểm hơn. Tốt nhất khi bị ốm, hãy đi khám để được chẩn đoán phân biệt bệnh đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới chính xác, từ đó có có biện pháp điều trị, can thiệp y tế khi cần thiết.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.