Phẫu thuật nội soi ổ bụng chính là một thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại. Phương pháp phẫu thuật này mang đến nhiều lợi ích như giảm đau đớn, rút ngắn thời gian phục hồi, nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế nhiễm trùng và một số biến chứng khác. Hơn nữa, phẫu thuật nội soi cũng có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo lớn cho bệnh nhân. Vậy phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì và thường áp dụng với những trường hợp nào?
25/08/2021 | Tất tần tật thông tin về phẫu thuật nội soi điều trị trào ngược dạ dày 14/11/2020 | Một số thông tin cần biết về phẫu thuật nội soi 12/02/2020 | Tìm hiểu về viêm ruột thừa và phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa
1. Phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì?
Khi tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng, các bác sĩ sẽ rạch từ 2 - 3 lỗ nhỏ trên thành bụng, đồng thời luồn một ống soi được gắn camera có nguồn chiếu sáng vào bụng của người bệnh. Ống nội soi đặc biệt này sẽ giúp các bác sĩ có thể quan sát chi tiết, rõ ràng những cơ quan trong ổ bụng và tiến hành phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi giảm nguy cơ mất máu
1.2. Quy trình phẫu thuật nội soi ổ bụng
Quy trình phẫu thuật nội soi ổ bụng sẽ diễn ra như sau:
- Trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ sẽ gây mê cho bệnh nhân để họ không cảm thấy đau đớn trong quá trình thực hiện. Một số trường hợp có thể dùng thuốc gây tê theo vùng mà không cần sử dụng đến thuốc gây mê. Đối với những trường hợp sử dụng thuốc gây tê, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong thời gian phẫu thuật và tác dụng của thuốc gây tê là chỉ làm tê liệt một vùng cơ thể của người bệnh.
- Sau khi gây mê hoặc gây tê, bác sĩ sẽ tiến hàng rạch một đường nhỏ trên da, đồng thời đưa một ống soi được gắn camera có nguồn chiếu sáng vào bụng của người bệnh. Chức năng của ống nội soi đặc biệt này là giúp các bác sĩ có thể quan sát chi tiết và rõ ràng những cơ quan trong ổ bụng, đặc biệt là vùng cần được thực hiện phẫu thuật.
- Hình ảnh thu được từ ống nội soi sẽ truyền về màn hình. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ bơm vào ổ bụng của bệnh nhân khí carbon dioxide hay nitrous oxide để quan sát rõ ràng hơn những hình ảnh trong bụng của bệnh nhân.
- Sau khi đã quan sát kỹ, các bác sĩ sẽ xác định hướng xử lý và đưa các dụng cụ để thực hiện phẫu thuật. Những dụng cụ phẫu thuật có thể đưa vào ổ bụng của người bệnh thông qua ống nội soi hoặc cũng có thể đưa vào ổ bụng của bệnh nhân qua một vết rạch nhỏ khác trên thành bụng. Điều này tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Bệnh nhân hồi phục nhanh sau khi phẫu thuật nội soi
- Thời gian diễn ra phẫu thuật nội soi rất nhanh chóng, bệnh nhân ít phải chịu tổn thương do đó, bệnh nhân không phải nằm viện quá lâu. Nếu diễn biến phục hồi tốt, bệnh nhân có thể được về nhà sau 3 ngày ngày thực hiện phẫu thuật. Đối với những trường hợp phức tạp hơn, chẳng hạn như phẫu thuật nội soi cắt tử cung thì bệnh nhân cần phải nằm viện lâu hơn từ 5 - 7 ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe.
2. Phẫu thuật nội soi ổ bụng được chỉ định trong trường hợp nào?
Phương pháp mổ nội soi mang đến nhiều ưu điểm vượt trội. Vì chỉ phải rạch 2 đến 3 lỗ nhỏ trên thành bụng nên bệnh nhân sẽ ít đau đớn hơn, chảy máu ít hơn và vết sẹo mổ cũng nhỏ hơn rất nhiều so với phương pháp mổ mở. Hơn nữa, khi thực hiện mổ nội soi thì thời gian phục hồi của bệnh nhân cũng nhanh hơn, giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng sau mổ. Những trường hợp mổ nội soi thường không phải nằm viện quá lâu vì thế mà chi phí điều trị cũng giảm đáng kể.
Phẫu thuật nội soi thường được chỉ định với những trường hợp cắt ruột thừa
Một số trường hợp có thể được chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng như: Các trường hợp cắt túi mật, lấy sỏi mật, cắt ruột thừa, cắt một phần ruột; trường hợp bệnh nhân phẫu thuật cắt u xơ tử cung, phẫu thuật nội soi để xử lý những vấn đề ở buồng trứng; phẫu thuật nội soi để điều trị tình trạng vô sinh nữ do một số bệnh ở buồng trứng hay vòi trứng; mổ nội soi ổ bụng để nạo hạch ung thư; sinh thiết một số cơ quan trong ổ bụng; điều trị són tiểu,… và một số căn bệnh nguy hiểm khác.
3. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi ổ bụng
Ngoài thắc mắc phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì, thì việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ nội soi ổ bụng như thế nào cũng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Sau khi được thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng hồi sức và cần được nghỉ ngơi ít nhất vài ngày trước khi được đưa về nhà.
Bệnh nhân cần nghỉ ngơi sau phẫu thuật
- Bệnh nhân cần lưu ý về việc chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật như sau: Vết mổ tuy nhỏ nhưng bệnh nhân cũng không nên chủ quan mà cần phải giữ vết thương khô ráo, sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng và tốt nhất là nên kiêng nước trong vài ngày.
- Một số phản ứng sau phẫu thuật:
+ Bệnh nhân cảm thấy mệt, khó chịu và đau tại vết mổ trong vài ngày sau khi thực hiện phẫu thuật. Khi tác động vào vết thương sẽ đau nhiều hơn.
+ Bệnh nhân sẽ đau rát họng trong vài ngày vì khi phẫu thuật bác sĩ đã đặt ống thở vào cổ họng của bệnh nhân. Có thể khắc phục bằng cách súc miệng bằng nước muối.
+ Do tác dụng phụ của một số loại khí được đưa vào cơ thể trong thời gian phẫu thuật nên bệnh nhân có thể bị đau tay, đau vai, đau lưng sau phẫu thuật. Nhưng triệu chứng này chỉ diễn ra trong vài ngày hoặc vài tiếng.
+ Bệnh nhân có thể bị tức hoặc chướng bụng trong khoảng 1 hoặc 2 ngày sau phẫu thuật.
- Vận động sau phẫu thuật: Đối với các trường hợp đơn giản, bệnh nhân có thể hoạt động bình thường sau khoảng 2 ngày. Đối với những trường hợp phức tạp hơn, bệnh nhân cần hạn chế vận động lâu hơn.
- Bệnh nhân cần lưu ý: Uống nước sau khi tỉnh, ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng để tránh nguy cơ dính ruột.
Phẫu thuật nội soi chỉ tránh nguy cơ biến chứng, nhưng vẫn có tỉ lệ xảy ra biến chứng vì thế nếu có biểu hiện bất thường, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ để được khắc phục sớm.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì và được chỉ định trong trường hợp nào. Nếu còn thắc mắc, bạn có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn chi tiết hơn.