Không chỉ dùng để nấu ăn, cây cải trời hay rau cải trời còn là một vị thuốc, có tác dụng điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Cùng tìm hiểu về đặc điểm rau cải trời cũng như công dụng điều trị bệnh của nó trong bài viết dưới đây.
09/01/2023 | Rau cần ta - món ăn quen thuộc nhiều công dụng không phải ai cũng biết 07/01/2023 | Rau lang - loài rau dân dã tốt như thần dược 07/01/2023 | Rau cần tây - vị thuốc tự nhiên ai cũng cần 21/11/2022 | Bất ngờ trước những tác dụng của rau sam đối với sức khỏe
1. Đặc điểm của cây cải trời
Trong dân gian, cây cải trời còn được gọi là cải ma, kinh đầu tuyến hay cỏ côi,... và nhiều tên gọi khác nữa. Thân cây thường mọc thẳng với chiều cao từ 30 đến 59cm. Lá đơn, có nhiều răng cưa, phần mặt dưới của lá có nhiều lông. Trung bình mỗi chiếc lá cải trời có chiều rộng khoảng 4cm. Hoa có màu vàng và quả có hình trám, dáng thuôn dài. Khi thu hoạch cải trời, cần nhổ luôn cả cây. Thường được thu hoạch vào mùa xuân, hè. Sau khi nhổ cây cải trời, cần rửa sạch, chặt nhỏ và mang phơi khô.
Lá cây cải trời khá to
Đây là loại cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và Malaysia. Khi được đưa về Việt Nam, cải trời thường mọc ở ruộng và những bãi đất trống,... và phân bố nhiều ở Thừa Thiên - Huế hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
2. Cây cải trời có những tác dụng gì đối với sức khỏe?
Cây cải trời được đánh giá là một loại thực phẩm có chứa nhiều dinh dưỡng. Trong rau cải trời có chứa nhiều dưỡng chất như cineol, fenchone, citral, flavonoid, glycosid,...
Hoa cải trời có màu vàng
Theo y học cổ truyền, cải trời có vị đắng, tính bình, có mùi thơm và có một số tác dụng như sau:
- Giải độc, tiêu viêm, cầm máu và sát trùng.
- Giúp lỗ chân lông se khít.
- Tẩy giun sán, đặc biệt hiệu quả với những trường hợp giun chỉ.
- Hạ nhiệt, giảm sốt.
- Giúp giảm đau, an thần.
- Kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả.
- Ở Philippines: Hoa cải trời còn có tác dụng điều trị bệnh viêm phế quản. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, chỉ cần sắc nước hoa cải trời tươi và sử dụng trước bữa ăn.
- Điều trị nấm da đầu hiệu quả.
- Lợi tiểu.
- Người Malaysia thường sử dụng tinh dầu của cải trời để đuổi sâu bọ.
- Vì có mùi thơm và dễ ăn, loại cây này còn có thể luộc ăn hay nấu kèm với nhiều loại thực phẩm khác để tạo nên những món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Tại Java, chồi non của cây cải trời thường được dùng để nấu canh.
3. Các bài thuốc từ cây cải trời
Không chỉ là một loại thực phẩm, cây cải trời còn có tác dụng điều trị bệnh khá hiệu quả. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cải trời:
- Điều trị bướu cổ: Đây là bệnh lý tuyến giáp khá phổ biến. Dùng rau cải trời để điều trị bệnh lý tuyến giáp là phương pháp tự nhiên, mang đến hiệu quả tích cực và không gây tác dụng phụ. Hơn nữa, cách thực hiện cũng tương đối đơn giản. Bạn có thể nấu thành nước uống hoặc nấu cao.
Cải trời có thể điều trị bệnh tuyến giáp
Cụ thể như sau:
+ Cách 1: Chuẩn bị khoảng 100g cây cải trời tươi hoặc 30g cây cải trời đã được phơi khô. Sau đó nấu với 1,5 lít nước và uống mỗi ngày. Kiên trì sử dụng trong khoảng 1 tháng để có được kết quả tốt nhất.
+ Cách 2: Bạn cũng dùng cây cải trời để nấu với nước. Nấu đến khi nào thu được dung dịch cao như những loại cao bạn thường thấy. Sau đó có thể dùng trong nhiều ngày. Mỗi lần dùng chỉ cần cho một lượng cao vừa đủ để hòa cùng nước ấm. Với cách này, bạn chỉ cần làm một lần và dùng trong nhiều lần mà vẫn đảm bảo mang lại hiệu quả cao, do đó rất phù hợp với những người bận rộn.
- Chữa lở loét, mụn nhọt: Một làn da nhiều mụn hay xuất hiện vết lở loét sẽ khiến bạn rất khó chịu và tự ti. Có rất nhiều cách để giúp bạn khắc phục vấn đề này. Trong đó, cây cải trời cũng có thể là một gợi ý dành cho bạn.
Theo những kinh nghiệm dân gian, loại cây này có tác dụng điều trị mụn, chữa lở loét. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, dùng 20 đến 30g cây cải trời để sắc nước uống mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giã nát cải trời tươi để đắp ngoài da. Sau một thời gian sử dụng đều đặn, tình trạng mụn nhọt và lở loét sẽ được cải thiện đáng kể.
Dùng cây cải trời để điều trị mụn nhọt
- Chữa viêm tắc tĩnh mạch chi: Với những trường hợp bệnh nhân bị viêm tắc tĩnh mạch chi, bài thuốc từ cây cải trời cũng có thể mang đến những tác dụng rất tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện bài thuốc này, ngoài cây cải trời, bạn cần chuẩn bị thêm nhiều các các nguyên liệu khác như huyền sâm, lá thạch học, đương quy,... Cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị để sắc lấy nước uống. Mỗi ngày nên uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.
- Chữa bệnh thủy đậu ở trẻ em:
Cách thực hiện bài thuốc này cũng không quá phức tạp. Bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu như cây cải trời, sài đất, dầu cam thảo nam, bồ công anh, thổ phục linh,... Cho những nguyên liệu này vào nước và sắc lấy nước uống. Mỗi ngày uống 3 lần. Thực hiện thường xuyên trong khoảng 1 tháng để có được hiệu quả tốt nhất.
4. Những lưu ý khi dùng rau cải trời
Để nhận được những lợi ích tốt nhất từ rau cải trời, đồng thời tránh được những tác dụng không mong muốn, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tránh nhầm lẫn cây cải trời với một số loại cây hay các loại thuốc khác, nhất là vị thuốc hạ khô thảo.
- Không nên lạm dụng. Việc sử dụng một lượng lớn rau cải trời có thể dẫn đến khó thở, vã mồ hôi, tim đập nhanh và tình trạng mắt mờ, chóng mặt.
- Không dùng cây cải trời kèm với những loại thuốc an thần.
Cây cải trời không phải quá xa lạ nhưng không phải ai cũng biết đến những công dụng chữa bệnh từ loại cây này. Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn không nên tùy tiện sử dụng để tránh gây ra những hậu quả sức khỏe không đáng có.
Khi có triệu chứng bất thường, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh theo những phương pháp tích cực nhất. Nếu có ý định áp dụng các bài thuốc từ cây cải trời, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.