Có khoảng 70% người Việt nhiễm khuẩn HP gây bệnh dạ dày và đây cũng là nguyên nhân khiến cho bệnh lý này tiến triển dai dẳng, chữa mãi không khỏi. Làm xét nghiệm vi khuẩn HP là cách duy nhất để nhận biết được sự tồn tại của vi khuẩn này. Vậy ai nên làm xét nghiệm HP, có những loại xét nghiệm HP nào, cách thức thực hiện xét nghiệm ra sao, chúng ta hãy cùng đi tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.
1. Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một loại xoắn khuẩn gram âm sinh sống và phát triển trong dạ dày người bằng cách tiết ra enzyme mang tên Urease giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày. Chúng sống trong lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh ra nhiều chất làm phá hủy niêm mạc, khiến dạ dày bị tổn thương dưới dạng viêm loét.
Ngoài ra, virus HP còn là nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính, viêm loét tá tràng, u lympho và ung thư dạ dày. Nhiễm Hp cũng liên quan đến các bệnh khác như như xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, thiếu máu thiếu sắt, gia tăng dị ứng.…
Viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP
Không phải ai mắc các bệnh lý dạ dày cũng cần làm xét nghiệm HP bởi loại khuẩn này có thể chung sống “hòa bình” trong dạ dày và thậm chí có khi nó còn là cộng sự giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa nữa. Mặt khác, không phải mọi trường hợp mắc các bệnh lý dạ dày đều do khuẩn HP gây ra mà do rất nhiều nguyên nhân khác. Vì thế, một số trường hợp sau đây, khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa mới nên làm xét nghiệm vi khuẩn HP để tránh lãng phí kinh tế do tiền chi trả cho xét nghiệm tương đối đắt:
- Bị loét hoặc có tiền sử loét dạ dày tá tràng, đã từng điều trị ung thư dạ dày sớm qua đường nội soi, u lympho liên quan niêm mạc đường tiêu hóa;
- Phải dùng thuốc NSAID, aspirin trong thời gian dài;
- Bị khó tiêu chức năng;
- Thiếu sắt, thiếu máu không rõ nguyên nhân hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn;
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày.
Người bị đau dạ dày nên xét nghiệm vi khuẩn HP
3. Các loại xét nghiệm vi khuẩn HP
3.1. Căn cứ đưa ra chỉ định xét nghiệm HP
Hiện nay có rất nhiều loại xét nghiệm vi khuẩn HP vì thế bác sĩ sẽ dựa trên một số yếu tố cơ bản như sau để đưa ra chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân:
- Điều kiện vật chất và kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh có loại test kiểm tra virus Hp nào.
- Yêu cầu thực hiện xét nghiệm nhanh hay chậm tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nếu không phải là trường hợp cấp tính và bệnh nhân có thể chờ đợi kết quả thì sẽ thực hiện các test cho kết quả chậm hơn.
- Đưa ra yêu cầu khác kèm theo test HP tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân có cần kiểm tra tổn thương dạ dày hay không, có cần thực hiện xét nghiệm kháng sinh đồ hay không.
3.2. Các loại xét nghiệm vi khuẩn HP và quy trình thực hiện
- Nội soi sinh thiết
Để thực hiện xét nghiệm tìm virus HP bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi nhỏ vào thực quản đi tới dạ dày. Tại đây bác sĩ sẽ lấy một mảnh sinh thiết quanh vị trí có tổn thương dạ dày để làm xét nghiệm Clo Test hoặc nuôi cấy vi khuẩn. Đôi khi chỉ cần nhìn hình thái của tổn thương dạ dày cũng có thể chẩn đoán sơ bộ tình trạng nhiễm khuẩn HP.
Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng nội soi sinh thiết
Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng phương pháp nội soi sinh thiết giúp chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm khuẩn HP trong dạ dày của người bệnh. Bên cạnh đó, thông qua xét nghiệm bác sĩ cũng có căn cứ để đánh giá mức độ, vị trí tổn thương, phán đoán về diễn biến của bệnh từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
- Test thở Ure
Cách thức thực hiện xét nghiệm HP này là bác sĩ sẽ đưa cho người bệnh một thiết bị, nhiệm vụ của họ là thở vào trong đó. Hiện có 2 dạng test thở là:
+ Test thở bóng: người bệnh thổi vào thiết bị giống như một quả bóng.
+ Test thở thẻ: người bệnh thổi vào một thiết bị giống như chiếc thẻ ATM.
Cả 2 dạng test thở này đều được đưa đi đánh giá trên thiết bị phân tích và có chỉ số đánh giá xem có dương tính với HP không. Nếu kết quả test dương tính tức là đã nhiễm HP, ngược lại nếu âm tính tức là không nhiễm khuẩn HP.
Test thở kiểm tra vi khuẩn HP dạ dày
Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng cách test thở cho kết quả rất chính xác, thời gian nhanh, bệnh nhân không bị can thiệp nên được khuyến khích sử dụng trên mọi đối tượng. Có một điều cần lưu ý là có 2 loại test thở khác nhau, 1 loại dùng Carbon 13 (C13) còn 1 loại dùng Carbon 14 (C14), giá thành và đối tượng chỉ định của 2 test thở là khác nhau. C14 tuy có giá thành rẻ hơn nhưng là yếu tố phóng xạ nên hạn chế sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
- Xét nghiệm phân
Phân là nơi thải trừ vi khuẩn HP trong dạ dày ra bên ngoài nên lấy mẫu phân xét nghiệm bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang sẽ giúp phát hiện HP một cách chính xác. Xét nghiệm này cũng được ưu tiên sử dụng trong đánh giá nhiễm khuẩn HP. Nhược điểm của xét nghiệm phân tìm HP là không cho kết quả nhanh, lấy mẫu phân đi xét nghiệm gặp nhiều bất tiện, còn nhiều vấn đề về vệ sinh cũng như sự bất tiện cho cả người bệnh lẫn kỹ thuật viên.
- Xét nghiệm máu
Ở người bị nhiễm virus HP, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể kháng HP lưu hành trong máu. Vì thế, thông qua xét nghiệm kháng thể trong máu có thể phát hiện ra HP. Đây là loại xét nghiệm diễn ra trong thời gian ngắn nhưng chủ yếu chỉ được áp dụng ở những cơ sở y tế không có loại xét nghiệm vi khuẩn HP nào khác. Nguyên nhân của điều này là bởi ngoài máu, khuẩn HP còn có thể tồn tại trong đường ruột, miệng, xoang. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp dù HP trong dạ dày đã bị tiêu diệt hết thì kháng thể HP vẫn có thể lưu hành trong máu một vài tháng tới một vài năm sau. Nếu dựa vào máu để chẩn đoán nhiễm HP sẽ dễ xảy ra tình trạng dương tính giả.
Nhìn chung, mỗi loại xét nghiệm vi khuẩn HP đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Muốn biết chính xác mình nên thực hiện loại xét nghiệm nào bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thăm khám để có được chỉ định phù hợp. Hiện Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đang áp dụng 3 phương pháp: test thở, xét nghiệm phân, xét nghiệm máu giúp người bệnh chẩn đoán chính xác HP dạ dày, bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn kĩ hơn về những xét nghiệm này.