CA 19-9 là chất chỉ điểm khối u, được sử dụng trong chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt, hỗ trợ điều trị và theo dõi bệnh nhân ung thư. Đặc biệt trong ung thư tuyến tụy, gan hay mật, xét nghiệm máu CA 19-9 tăng cao bất thường. Cùng với các triệu chứng lâm sàng, bác sỹ có thể tìm ra nguyên căn bệnh ung thư cũng như vị trí khối u. Cùng MEDLATEC tìm hiểu rõ hơn về xét nghiệm này qua bài viết dưới đây.
1. Xét nghiệm máu CA 19-9 thường dùng làm gì?
Xét nghiệm máu định lượng CA 19-9 thường dùng trong chẩn đoán, đánh giá hiệu quả điều trị, giám sát bệnh nhân ung thư gan, mật hay tuyến tụy. Nếu CA 19-9 trong máu tăng cao, cùng với sự hiện diện của tắc mật/tụy thì có thể kết luận là ung thư tuyến tụy thay vì u tụy lành tính. Tương tự, nếu CA 19-9 trong máu tăng, bệnh nhân có dấu hiệu cổ trướng, vàng da,… thì có thể do ung thư gan.
Bệnh nhân ung thư tuyến tụy, gan mật đã được chẩn đoán vẫn được chỉ định xét nghiệm kiểm tra mức CA 19-9 để theo dõi đáp ứng điều trị. Nếu bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt (phẫu thuật, hóa xạ trị), số lượng tế bào ung thư giảm thì nồng độ CA 19-9 trong huyết thanh cũng giảm. Ngược lại, sự tăng nhanh quá mức CA 19-9 phản ánh sự tái phát hoặc tiến triển của khối u.
Nồng độ CA 19-9 cao thường tồn tại ở những bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư gan, đại trực tràng, và trong khoảng 6 - 7% bệnh nhân có khối u ác tính không thuộc đường tiêu hóa. Những bệnh nhân xơ gan, sỏi mật, viêm tụy, xơ nang hay viêm ruột cũng tăng CA 19-9 nhẹ.
Ung thư tuyến tụy làm tăng CA 19-9
2. Giá trị CA 19-9 trong huyết thanh ở người khỏe mạnh
Chỉ số CA 19-9 bình thường trong huyết thanh là ≤ 37U/ml. Giá trị CA 19-9 bình thường có thể thay đổi chút ít, tùy theo phương pháp định lượng, hệ thống máy phân tích và các kit của từng phòng thí nghiệm.
3. Kết quả xét nghiệm máu CA 19-9 trong các bệnh ung thư
3.1. Chỉ số CA 19-9 trong chẩn đoán ung thư tụy
Xét nghiệm CA 19-9 được sử dụng trong chẩn đoán nguy cơ ung thư tụy, là dấu ấn có độ nhạy 79 - 81%, độ đặc hiệu 82 - 90%. Những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ sẽ được chỉ định xét nghiệm CA 19-9. Với giá trị ngưỡng là 37 U/ml, độ nhạy khoảng 81%, độ đặc hiệu khoảng 90%. Khi CA 19-9 trong máu tăng hơn 1000 U/ml thì độ nhạy giảm chỉ còn 41% song độ đặc hiệu lên đến 99,8%.
Tỉ lệ tăng CA 19-9 liên quan tới vị trí khối u, ví dụ nếu khối u ở đầu tụy thì CA 19-9 tăng với tỉ lệ 80%, còn khối u ở thân hay đuôi tụy thì tỉ lệ tăng CA 19-9 chỉ là 57%.
Theo giai đoạn bệnh, tỉ lệ tăng CA 19-9 cũng có sự tương quan, với ngưỡng >120U/ml. Khi ung thư tụy giai đoạn T2/3, CA 19-9 tăng với tỉ lệ 33%, còn giai đoạn T+N1 tỉ lệ lên tới 71%. Giai đoạn TN +M1 tỉ lệ tăng CA 19-9 đạt tới 85%.
Kích thước khối u tụy cũng liên quan tới tỉ lệ tăng CA 19-9. Cùng ngưỡng 37 U/ml, khi kích thước khối u nhỏ hơn 3cm, tỉ lệ tăng 57%, khi kích thước khối u 3 - 6cm, tỉ lệ tăng là 80%. Còn khi khối u lớn hơn 6cm thì tỉ lệ tăng CA 19-9 là 100%.
Khối u càng lớn thì nồng độ CA 19-9 càng cao
Khi nồng độ CA 19-9 cao hơn 1000 U/ml thì có thể chẩn đoán ung thư tụy dương tính, độ đặc hiệu xấp xỉ 100%, không còn khả năng phẫu thuật cắt bỏ.
Sau phẫu thuật, nếu mức độ CA 19-9 huyết tương giảm thể hiện sự đáp ứng điều trị, cũng tỷ lệ thuận với thời gian sống của bệnh nhân. Ngược lại, mức độ CA 19-9 tăng nghĩa là khả năng tái phát cao, thời gian sống sót ngắn.
3.2. Chỉ số CA 19-9 trong chẩn đoán, đánh giá một số ung thư khác
Mức độ CA 19-9 huyết tương cũng tăng trong một số bệnh ung thư như: ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư mật, ung thư buồng trứng, đại trực tràng, thực quản,…
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC)
Chỉ số CA 19-9 trong ung thư biểu mô tế bào gan có độ nhạy lâm sàng là 22 - 49%.
Ung thư đường mật
Độ nhạy của chỉ số CA 19-9 ở ngưỡng >100 U/ml là 53%, ngưỡng CA 19-9 200 U/ml được coi là ngưỡng để phân biệt giữa sự tắc mật lành tính và ác tính. Ngưỡng 37 U/ml có độ nhạy 83% và độ đặc hiệu là 45%. Kết hợp với ngưỡng CEA >5 ng/ml sẽ giúp phân biệt ung thư biểu mô tế bào gan với viêm xơ đường mật nguyên phát (có hoặc không có ung thư đường mật).
Ung thư dạ dày cũng gây tăng CA 19-9
Ung thư dạ dày
Đo chỉ số CA 19-9 máu trong ung thư dạ dày có độ nhạy lâm sàng thấp, chỉ đạt 26 – 60%, phụ thuộc vào giai đoạn ung thư. Kết hợp với dấu ấn CEA, độ nhạy tăng cao hơn, cũng trở thành yếu tố tiên lượng, nhằm đánh giá di căn gan, mức độ xâm lấn, giai đoạn ung thư hay di căn phúc mạc.
Ung thư đại - trực tràng
Trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng, kết quả Xét nghiệm máu CA 19-9 có độ nhạy thấp hơn nhiều so với dấu ấn CEA (chỉ 18 - 58% so với 38 - 58%). CA 19-9 tăng trong ung thư đại trực tràng tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, nhưng không rõ ràng như dấu ấn ung thư CEA.
Chỉ số CA 19-9 trong các bệnh ung thư còn lại
Chỉ số CA 19-9 trong chẩn đoán các bệnh ung thư còn lại nói chung đều có độ nhạy không cao, như: ung thư phổi (7 - 42%), ung thư buồng trứng (15 - 38%), ung thư tử cung (13%),…
Chỉ số CA 19-9 trong các bệnh lành tính
Trong một số bệnh lành tính như: viêm ruột, viêm đường mật, tắc mật, xơ gan, viêm tụy cấp hoặc mãn tính, xơ nang, bệnh tuyến giáp,… chỉ số CA 19-9 huyết tương cũng tăng. Khoảng 10 – 30% số trường hợp là tăng CA 19-9 nhẹ, còn phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Mức tăng thường <100 U/ml, tối đa 500 U/ml hoặc tăng nhẹ dai dẳng, cần theo dõi ít nhất trong 2 tuần.
Bệnh xơ gan có thể gây tăng CA 19-9 nhẹ
Như vậy, kết quả xét nghiệm máu CA 19-9 có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá, theo dõi đáp ứng điều trị ung thư nói chung và ung thư tụy nói riêng. Xét nghiệm máu CA 19-9 hiện đang được thực hiện tại bệnh viện đa khoa MEDLATEC, nếu cần hỗ trợ, hãy liên hệ với bệnh viện qua hotline 1900 565656 để được tư vấn.