Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) trong thai kỳ là một vấn đề sức khỏe cần chú ý đối với cả thai phụ và thai nhi bởi nó có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng khôn lường. Vì thế, xét nghiệm liên cầu khuẩn B cần được thai phụ thực hiện để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hệ lụy không đáng có. Bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về loại xét nghiệm này.
14/05/2021 | Viêm họng do liên cầu khuẩn nguy hiểm không và triệu chứng bệnh 20/04/2020 | Xét nghiệm cấy tìm liên cầu khuẩn nhóm B quan trọng với thai phụ ra sao? 08/01/2020 | Xét nghiệm ASLO giúp chẩn đoán bệnh do vi khuẩn liên cầu tan máu
1. Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?
Liên cầu nhóm B (viết tắt là GBS) là loại vi khuẩn thường trú có ở đoạn cuối ruột non của khoảng 15 - 40% phụ nữ khỏe mạnh và âm đạo hoặc trực tràng của khoảng 10 - 30% thai phụ. Loại vi khuẩn này có thể truyền từ người mẹ sang cho con trong khi sinh.
Liên cầu khuẩn nhóm B thường cư trú ở ruột non, âm đạo hoặc trực tràng của nữ giới
Thai phụ nhiễm GBS có nguy cơ cao đối với nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng vết mổ, viêm nội mạc tử cung, thai lưu hoặc sinh non. Trẻ bị lây GBS từ mẹ có thể bị viêm màng não, nhiễm trùng sơ sinh nặng dẫn đến tử vong,... Vì thế bác sĩ Sản khoa khuyến cáo cần làm xét nghiệm liên cầu khuẩn như một loại xét nghiệm thường quy cho thai phụ trước khi sinh.
2. Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ - những vấn đề cơ bản
2.1. Vì sao thai phụ nên làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B?
Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ là loại xét nghiệm sàng lọc lấy mẫu bệnh phẩm là nước tiểu hoặc dịch âm đạo của thai phụ. Xét nghiệm thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai trong khoảng tuần thứ 35 - 37 (với trường hợp mang đơn thai) hoặc trong khoảng tuần 32 - 34 (với trường hợp mang đa thai vì có nguy cơ đẻ non cao hơn).
Thai phụ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể bị rỉ ối, thai chậm phát triển, sảy thai, thai lưu, sinh non, vỡ ối sớm,... Trẻ nhỏ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể xảy ra 2 trường hợp:
- Bị nhiễm liên cầu khuẩn B khởi phát sớm: chủ yếu xảy ra ở 7 ngày đầu sau sinh. Có tới 90% trẻ trong khoảng 12 - 24h sau sinh sẽ xuất hiện biểu hiện với các bệnh lý như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết. Có khoảng 6% trường hợp trong số này bị tử vong và khoảng 7.4% trẻ sẽ phải chịu những di chứng nặng nề.
- Bị liên cầu khuẩn B khởi phát muộn: thường xảy ra ở trẻ 07 - 90 ngày tuổi. Hệ lụy của việc nhiễm GBS là trẻ sẽ bị viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp, viêm xương tủy, nhiễm trùng máu. So với loại GBS khởi phát sớm thì GBS khởi phát muộn ít gặp hơn (chiếm khoảng 30% các trường hợp nhiễm bệnh) và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn. Tuy nhiên, 1/2 số trẻ sống sót được sau GBS muộn sẽ chịu những di chứng nặng nề cả về tinh thần lẫn thể chất.
Nhiễm liên cầu khuẩn B từ mẹ có thể khiến trẻ gặp nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khỏe
Bị lây nhiễm từ mẹ là nguyên nhân chính khiến cho trẻ nhỏ bị liên cầu khuẩn B. Vì thế, việc thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ là hết sức cần thiết. Việc làm này được xem là phương án dự phòng trước khi chuyển dạ để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa lây truyền GBS cho con trong khi sinh, giúp loại trừ nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm do GBS cho trẻ đồng thời đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi.
2.2. Quy trình thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở thai phụ
Vào thời điểm cần thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn như đã nói ở trên, qua quá trình thăm khám phần phụ, bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc âm đạo cùng một miếng gạc riêng biệt trực tràng để lấy mẫu bệnh phẩm. Ngoài ra, mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm cũng có thể được lấy từ nước tiểu thu được trong quá trình bác sĩ kiểm tra tiền sản.
Thường thì mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi ngay đến phòng xét nghiệm để phân tích. Nếu vì lý do nào đó mà mẫu bệnh phẩm không thể chuyển đi ngay được thì nó sẽ được lưu trữ trong ngăn mát tủ lạnh không quá 2h. Kết quả xét nghiệm sẽ có sau khoảng 2 - 3 ngày.
2.3. Nếu kết quả xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B dương tính nên làm gì?
Nếu thai phụ làm xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B cho kết quả dương tính có nghĩa họ là người lành mang trùng. Tuy không phải mọi trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm GBS đều bị nhiễm căn bệnh này. Có khoảng 1/200 trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm liên cầu khuẩn B và không điều trị bằng kháng sinh sẽ xuất hiện triệu chứng của bệnh GBS.
Quy trình lấy mẫu xét nghiệm liên cầu khuẩn B cho thai phụ
Một số triệu chứng sau ở thai phụ có thể cảnh báo nguy cơ sinh con bị nhiễm liên cầu khuẩn B cao:
- Bị vỡ ối trước tuần 37.
- Bị vỡ ối trước 18 giờ hoặc sớm hơn trước khi sinh.
- Bị sốt trong khi chuyển dạ.
- Bị liên cầu khuẩn B gây nhiễm trùng đường tiểu trong thai kỳ.
- Trước đây có tiền sử sinh con bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B.
Thai phụ có kết quả xét nghiệm liên cầu khuẩn B dương tính sẽ được làm kháng sinh đồ để tìm ra loại kháng sinh phù hợp. Loại kháng sinh này sẽ được bác sĩ tiêm qua đường tĩnh mạch cho thai phụ ngay sau đó. Ngoài ra, trong trường hợp thai phụ chuyển dạ hay vỡ ối trước tuần 37 hay có tiền sử sinh con bị GBS cũng sẽ được chỉ định tiêm kháng sinh dự phòng liên cầu khuẩn B. Việc làm này có tác dụng làm hạ thấp đến mức tối đa tỷ lệ lây truyền dọc cho con.
Những chia sẻ trên đây hy vọng sẽ trở thành nguồn thông tin tham khảo hữu ích dành cho thai phụ. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ uy tín để thai phụ thực hiện mọi xét nghiệm thai kỳ trong đó có xét nghiệm liên cầu khuẩn bởi bệnh viện sở hữu Trung tâm xét nghiệm duy nhất ở nước ta được cấp song hành hai chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế: ISO 15189:2012 VÀ CAP.
Không những thế, bệnh viện còn quy tụ đội ngũ Chuyên gia Y tế, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành cùng hệ thống thiết bị Y khoa hiện đại bậc nhất nước ta. Tất cả những điều này chính là cơ sở để khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn thực hiện các xét nghiệm thai kỳ tại bệnh viện. Nếu có nhu cầu đặt lịch xét nghiệm thai kỳ, quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của bệnh viện hướng dẫn nhanh chóng và chính xác.