Xét nghiệm double test là một xét nghiệm sàng lọc trước sinh giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh Down, Edward và Patau của thai kỳ ở quý I. Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu sâu thêm về ý nghĩa của xét nghiệm Double test.
Xét nghiệm Double test được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm Double test được thực hiện bằng cách đo lượng β-hCG tự do (free beta-human chorionic gonadotropin) và PAPP-A (pregnancy associated plasma protein A) trong máu thai phụ, sau đó được tính toán cùng với cân nặng, chiều cao của mẹ, tuổi thai, độ mờ da gáy (nuchal translucency-NT) và chiều dài đầu mông (fetal crown-rump length-CRL) đo bằng siêu âm,… nhờ một phần mềm chuyên dụng để đánh giá nguy cơ các hội chứng Down, Edward hoặc Patau của thai ở quý 1 của thai kỳ. Các chất hóa sinh nêu trên được thai sản xuất một cách bình thường và xuất hiện trong máu mẹ trong quá trình phát triển của thai và nhau thai. Nếu thai có sự lệch bôi lẻ nhiễm sắc thể (aneuploidies), nồng độ của các chất này sẽ thay đổi trong máu mẹ và việc định lượng chúng trong máu mẹ cùng với kết quả siêu âm,… có thể giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai.
Đo độ mờ da gáy bằng phương pháp siêu âm để tính xét nghiệm Double test
β-hCG là một glycoprotein được sản xuất bởi bào thai giai đoạn sớm và sau đó bởi lớp hợp bào lá nuôi (syncytiotrophoblast) của nhau thai.
PAPP-A là hormone estriol dạng tự do, được sản xuất từ gan và nhau thai của thai.
Hội chứng Down (Trisomy 21) là một tình trạng có 3 nhiễm sắc thể 21, gây thiểu năng trí tuệ và các vấn đề về tim mạch, đường tiêu hóa và nhiều cơ quan khác.
Hình ảnh minh họa: Trẻ mắc bệnh Down bị thiểu năng trí tuệ
Hội chứng Edwards (Trisomy 18) là một tình trạng có 3 nhiễm sắc thể 18. Nguy cơ hội chứng Edwards cũng tăng theo tuổi của người mẹ. Hội chứng Edwards ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể, làm cho trẻ hiếm khi sống quá một tuổi.
Hội chứng Patau (Trisomy 13) là một hội chứng gây ra do có 3 nhiễm sắc thể 13. Hội chứng Patau ảnh hưởng nặng nề đến nhiều cơ quan trong cơ thể như thần kinh, mắt, tim, thận,… Trên 80% trẻ bị hội chứng Patau sẽ chết dưới một tuổi. Cũng như đối với hội chứng Down và hội chứng Edward, nguy cơ hội chứng Patau cũng tăng theo tuổi của mẹ.
Những thai phụ nào nên làm xét nghiệm Double test
- Có thể chỉ định Double test ở tất cả các thai phụ có thai trong quý đầu (giữa tuần thứ 9 đến hết tuần thứ 13) của thai kỳ.
- Đặc biệt, những thai phụ có các đặc điểm sau đây rất cần được thử Double test:
- Tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh
- Thai phụ trên 35 tuổi
- Đang sử dụng thuốc hoặc các hóa chất có thể gây hại cho thai
- Bị bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin
- Bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai
- Có tiếp xúc với phóng xạ liều cao
- Trong trường hợp thai có độ mờ da gáy gần giá trị ngưỡng 3 mmm, nên làm Double test để giúp đánh giá chính xác hơn nguy cơ hội chứng Down.
Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Double test
Sự khác nhau của các giá trị b-hCG tự do (mU/mL) và PAPP-A (mU/mL) được một phần mềm máy vi tính chuyên dụng tính toán hiệu chỉnh theo tuổi mẹ (năm), tuổi thai (tuần + ngày), cân nặng của mẹ (kg), chủng tộc, tuổi thai, chiều dài đầu mông và độ mờ da gáy đo bằng siêu âm,… để thành một đơn vị đa trung bình MoM (multiple of median) và mức độ nguy cơ của các hội chứng trên được tính toán từ các giá trị đa trung bình ấy.
Giá trị bình thường của các thông số β-hCG tự do và PAPP-A máu thai phụ sau khi hiệu chỉnh đều bằng 1 MoM. Giá trị ngưỡng (cut-off) thấp và cao của các thông số để đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh như sau:
- b-hCG tự do < 0,4 hoặc > 2,5 MoM
- PAPP-A < 0,4 MoM
a. Trong hội chứng Down
Mức độ b-hCG tự do tăng đáng kể, mức độ PAPP-A có xu hướng giảm và độ dày da gáy tăng. Độ mờ da gáy có giá trị rất cao trong việc đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể. Nếu thai có độ mờ da gáy < 3mmm, thì được xếp vào nhóm nguy cơ thấp (ít có nguy cơ bị hội chứng Down). Nếu thai có độ mờ da gáy dày là 3,5-4,4 mm, tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể là 21,1%; Nếu thai có độ mờ da gáy dày là ≥ 6,5 mm, tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể lên tới 64,5%.
b. Trong hội chứng Edward: Mức độ cả b-hCG tự do và PAPP-A đều giảm.
c. Trong hội chứng Patau: mức độ b-hCG tự do và PAPP-A nói chung là thấp.
Nếu nguy cơ đã được hiệu chỉnh (adjusted risk) là ≥ 1:100 thai được xem như có nguy cơ cao (dương tính) và nếu nguy cơ đã được hiệu chỉnh ≤ 1:100 thai được xem như có nguy cơ thấp (âm tính).
Những lưu ý khi làm xét nghiệm Double test
- Sàng lọc Double test kết hợp với đo độ dày da gáy của thai bằng siêu âm từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 + 6 ngày của thai kỳ có khả năng phát hiện khoảng 85-95% thai bị hội chứng Down với 5% dương tính giả và 95% thai bị hội chứng Edwards hoặc hội chứng Patau với 0,3% dương tính giả.
- Nếu chỉ đo một mình độ mờ da gáy bằng siêu âm thì chỉ phát hiện được 75 - 80% thai bị hội chứng Down với dương tính giả là 5%.
- Mức độ b-hCG tự do và PAPP-A máu mẹ trong trường hợp thai đôi hai buồng ối (dichorionic twins) ở tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 cao khoảng gấp đôi so với thai đơn (singleton pregnancies) và cũng cao hơn so với ở thai đôi một buồng ối (monochorionic twins) [5]. Trong thai đôi, để đánh giá sơ bộ nguy cơ trisomy 21, cả hai thai cần được đo độ mờ da gáy.
- Double test chỉ là một xét nghiệm sàng lọc nhằm đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai trong quý 1 của thai kỳ. Nếu xét nghiệm sàng lọc Double test dương tính, cần phải tiến hành chẩn đoán xác định bằng sinh thiết nhung mao màng đệm nhau thai (chorionic villus sampling-CVS) từ tuần 10 đến 13 của thai kỳ với độ chính xác là 97,5-99,6%.
Hiện nay, Double test đang được thực hiện hàng ngày tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Harry WG, Reed KL. Nuchal translucency and first-trimester screening. Journal of the Society for Gynecologic Investigation 2006; 13(3):153-154.
2. Hultén M. Combined serum and nuchal translucency screening in the first trimester achieves 85% to 90% detection rate for Down and Edward syndromes. Evidence-Based Healthcare 2004; 8(2): 82-84.
3. Knight GJ, Palomaki GE, Neveux LM, Smith DE, Kloza EM, Pulkkinen A, et al. Integrated serum screening for Down syndrome in primary obstetric practice. Prenatal Diagnosis 2005; 25(12): 1162-1167.
4. Krantz DA, Hallahan TW, Macri VJ, Macri JN. Maternal weight and ethnic adjustment within a first-trimester Down syndrome and trisomy 18 screening program. Prenatal Diagnosis 2005; 25(8): 635-640.
5. Linskens IH, Spreeuwenberg MD, Blankenstein MA, van Vugt JM. Early first-trimester free beta-hCG and PAPP-A serum distributions in monochorionic and dichorionic twins. Prenat Diagn 2009; 29(1): 74-78.
6. Nicolaides Kypros H. First-trimester screening for chromosomal abnormalities. Seminars in Perinatology (Philadelphia) 2005; 29(4): 190-194.
7. Nicolaides Kypros H. Screening for fetal aneuploidies at 11 to 13 weeks. Prenat diagn 2011; 31: 7-15.