Đông máu là một quá trình sinh lý bình thường của cơ thể giúp hạn chế sự chảy máu, mất máu ra bên ngoài. Hiện tượng này xảy ra nhờ sự tham gia của các yếu tố đông máu và có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống. Vì thế, việc xét nghiệm chức năng đông máu cũng là một xét nghiệm quan trọng trong một số trường hợp cụ thể.
1. Cơ chế đông máu
Bản chất của quá trình đông máu chính là sự thay đổi tính chất của máu, máu chuyển từ thể lỏng (khi chảy trong lòng mạch) thành thể rắn (khi thoát ra khỏi lòng mạch) nhờ sự tham gia của nhiều yếu tố.
Nguyên nhân đông máu
Do sự va chạm của các tiểu cầu lên vết xước thành mạch, kích thích chuyển fibrinogen thành fibrin (các sợi tơ huyết). Chúng liên kết lại tạo thành một mạng lưới, ôm các tế bào máu và kết lại một cục tạo thành cục máu đông.
Các yếu tố tham gia vào quá trình đông máu:
-
Fibrinogen: là tiền chất để tạo thành các sợi tơ huyết Fibrin.
-
Prothrombin: là một loại protein huyết thanh có tác dụng hình thành nên Thrombin xúc tác cho quá trình chuyển Fibrinogen thành Fibrin.
-
Phức hợp Prothrombinase xúc tác chuyển Prothrombin thành Thrombin.
-
Thromboplastin: được sản xuất bởi mô tổn thương, tham gia vào quá trình đông máu ngoại sinh. Chúng có tác dụng thay thế phospholipid tiểu cầu và protein huyết tương.
-
Ca++ có vai trò tham gia vào quá trình đông máu. Nếu không có ion này thì quá trình đông máu không xảy ra.
-
Các tế bào máu: tiểu cầu giải phóng nhiều chất tham gia vào quá trình đông máu. Hồng cầu, bạch cầu giúp hình thành cục máu đông.
Cơ chế đông máu:
-
Hình thành nút tiểu cầu: để bịt kín các vết rách li ti trên thành mạch. Khi tiểu cầu tiếp xúc với sợi collagen dưới nội mạch tại vị trí mạch máu bị tổn thương, chúng phồng to lên, xù xì, đồng thời tiết ra các chất như Thromboxan A2 và ADP để hoạt hoá các tiểu cầu xung quanh tạo thành một nút tiểu cầu bịt kín vết rách.
-
Hình thành cục máu đông: gồm 3 giai đoạn:
-
Tiểu cầu giải phóng phospholipid, kết hợp cùng với một số yếu tố khác tạo thành phức hợp prothrombinase.
-
Phức hợp prothrombinase xúc tác quá trình chuyển prothrombin thành thrombin.
Cơ chế quá trình đông máu
Ý nghĩa quá trình đông máu:
-
Bịt kín các lỗ trên thành mạch để tránh máu thoát ra khỏi mạch máu đi vào khoảng gian bào.
-
Bịt kín các vết thương lớn, cầm máu tránh hiện tượng mất máu cấp tính do tai nạn gây nguy hiểm tính mạng.
-
Trong các xét nghiệm y học (xét nghiệm kháng thể), người ta ứng dụng quá trình đông máu để tách huyết thanh làm nguyên liệu xét nghiệm.
2. Các xét nghiệm thăm dò chức năng đông máu
Đếm số lượng tiểu cầu nhờ xét nghiệm tổng phân tích máu:
Ở người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì có số lượng tiểu cầu khoảng 150 - 450 G/L.
Số lượng tiểu cầu ảnh hưởng mật thiết đến chức năng đông máu vì nó là yếu tố quyết định đến giai đoạn cầm máu ban đầu. Những người có số lượng tiểu cầu ít có thể gặp phải các vấn đề về đông máu (rối loạn đông máu, máu khó đông,...)
Thực hiện:
-
Lấy máu cho vào ống có chất chống đông EDTA, lắc đều.
-
Cho vào máy xét nghiệm tổng phân tích máu và ra lệnh máy hoạt động.
-
Đọc kết quả và đưa ra kết luận.
Xét nghiệm PT - Prothrombin time
Đây là xét nghiệm khảo sát con đường đông máu ngoại sinh. Tức là xét nghiệm kiểm tra thời gian hình thành một cục máu đông trong mẫu máu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm này chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác: fibrinogen, thromboplastin,…
Xét nghiệm PT/INR
Kết quả của xét nghiệm PT được biểu thị dưới các dạng:
-
PT% : tỷ lệ của phức hệ Prothrombin trong mẫu xét nghiệm so với mẫu chuẩn. Bình thường, giá trị này nằm trong khoảng 70% - 140%. Nếu PT% < 70% thì quá trình đông máu có vấn đề.
-
PT(s): thời gian hình thành cục máu đông. Trị số bình thường rơi vào khoảng 10 - 14 giây tùy phòng xét nghiệm.
-
INR (chỉ số bình thường hóa quốc tế): ngoài chỉ định thường quy, chỉ số này còn có vai trò trong theo dõi để chỉnh liều ở các bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K. Chỉ số này nằm trong khoảng 0,8 - 1,2. Một số trường hợp đặc biệt có thể lên tới 2 - 3 nhưng vẫn được đánh giá là bình thường.
Xét nghiệm APTT - thời gian Thromboplastin từng phần được hoạt hoá
Đây là xét nghiệm khảo sát con đường đông máu nội sinh. Kết quả xét nghiệm APTT - Activated Partial Thromboplastin Time được biểu thị dưới các dạng:
-
APTT: thời gian đông máu từng phần. Bình thường giá trị này nằm trong khoảng 30 - 35 giây.
-
rAPTT: tỷ lệ giữa APTT của mẫu xét nghiệm so với APTT mẫu chuẩn. Giá trị này nằm trong khoảng 0,85 - 1,25 là bình thường.
Xét nghiệm APTT
Xét nghiệm TT - Thrombin time
Xét nghiệm Thrombin time giúp đánh giá con đường đông máu chung. Kết quả xét nghiệm TT biểu thị dưới các dạng:
-
TT: thời gian đông. Bình thường 15 - 25 giây.
-
rTT: tỷ lệ giữa TT mẫu xét nghiệm với TT mẫu chuẩn, nằm trong khoảng 0,85 - 1,25 là bình thường.
Xét nghiệm định lượng các yếu tố đông máu
-
Định lượng Fibrinogen: lượng Fibrinogen huyết tương người bình thường nằm trong khoảng 2 - 4g/l.
-
Định lượng các yếu tố đông máu ngoại sinh (yếu tố II, V, VII, X) và nội sinh (yếu tố VIII, IX, XI, XII).
Hoạt tính các yếu tố đông máu bình thường khoảng 50 - 150%.
Xét nghiệm gen đông máu
Quá trình đông máu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số gen nhất định (yếu tố V leiden). Các gen này có khả năng di truyền từ bố mẹ sang con. Điều đặc biệt là gen này nằm trên NST X nên tỷ lệ xuất hiện gen gây rối loạn đông máu ở bé trai sẽ cao hơn bé gái. Vì thế, xét nghiệm gen đông máu cũng là cần thiết khi bố mẹ lo cho sức khỏe con cái.
3. Những lưu ý khi đi xét nghiệm
Các xét nghiệm đông máu kể trên giúp thăm dò, khảo sát chức năng đông máu của người đi xét nghiệm. Dựa vào kết quả mà bác sĩ sẽ có những lời khuyên, hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy bạn mắc các vấn đề về rối loạn đông máu thì bác sĩ sẽ chỉ định bạn phải điều trị bằng các loại thuốc giúp điều chỉnh chức năng đông máu và thực hiện chế độ sinh hoạt phù hợp để cải thiện sức khỏe.
Tương tự như những xét nghiệm khác, trước khi đi xét nghiệm chức năng đông máu bạn cần lưu ý những điểm sau:
Những lưu ý khi đi xét nghiệm thăm dò chức năng đông máu
-
Không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích trước khi đi xét nghiệm chức năng đông máu bởi vì các chất này làm thay đổi thành phần, tính chất của máu gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
-
Nếu đang sử dụng thuốc phải dưới sự theo dõi và khuyến cáo của bác sĩ.
-
Một số thực phẩm như thịt bò, bông cải xanh có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Do đó, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm này 2 - 3 ngày trước khi đi xét nghiệm.
-
Nên xét nghiệm vào sáng sớm để cho kết quả chính xác.
Xét nghiệm chức năng đông máu là một trong những xét nghiệm máu quan trọng mà bạn nên hiểu rõ. Mọi thắc mắc cần giải đáp bạn vui lòng liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra, tại bệnh viện chúng tôi còn thực hiện khám bảo lãnh viện phí cho những khách hàng có nhu cầu, nhằm mang đến cho khách hàng một dịch vụ chuyên nghiệp, đầy đủ nhất.