Mỡ trong máu cao là nguyên nhân dẫn tới nhiều căn bệnh nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, động mạch vành, tai biến mạch máu não,… Xét nghiệm bộ mỡ cho biết các thông tin cần thiết, nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe, dự đoán bệnh lý để thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt phòng ngừa bệnh. Vì thế, xét nghiệm bộ mỡ thường có trong gói khám sức khỏe định kỳ.
1. Xét nghiệm bộ mỡ là gì?
Bộ mỡ, hay mỡ máu, lipid máu là thành phần quan trọng trong cơ thể người. Trong đó, có 2 loại lipid máu chính là Cholesterol và Triglycerid, nhưng Cholesterol là quan trọng hơn cả.
Xét nghiệm bộ mỡ trong máu thường thực hiện trong khám sức khỏe định kỳ
Cholesterol có mặt ở mọi bộ phận của cơ thể con người, cả trong các hormone. Cholesterol có vai trò quan trọng, giúp cơ thể phát triển bình thường. Lipid máu này được phân thành 2 loại chính là Cholesterol xấu (LDL) và Cholesterol tốt (HDL).
Khi các thành phần mỡ máu bị rối loạn, chủ yếu là Cholesterol tăng cao sẽ gây ra rối loạn lipid máu, dẫn tới các bệnh lý như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,… Những bệnh lý này đều đặc biệt nguy hiểm, có thể biến chứng bất cứ lúc nào và đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người bệnh.
Ngoài Cholesterol, Triglycerides cũng là một loại mỡ trong cơ thể, nhưng bệnh lý liên quan đến Triglycerides tăng cao không phổ biến như Cholesterol. Những người bị tăng Triglycerides thường kèm theo tăng Cholesterol toàn phần.
Cholesterol tăng cao gây xơ vữa động mạch
Như vậy, xét nghiệm bộ mỡ sẽ kiểm tra, định lượng Cholesterol và Triglycerides trong máu, từ đó đưa ra các chẩn đoán bệnh lý, đánh giá tình trạng sức khỏe chính xác.
2. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm bộ mỡ
Trong danh mục kiểm tra bộ mỡ gồm định lượng Triglycerides và Cholesterol trong máu.
Kết quả định lượng của Cholesterol và Triglyceride thường được tính theo đơn vị mmol/L, gồm các mức độ:
Cholesterol toàn phần: 3.6 - 5.7 mmol/L (bình thường)
Trong đó:
+ HDL - Cholesterol (Cholesterol tốt): >1.3 mmol/L (bình thường).
+ LDL - Cholesterol (Cholesterol xấu): <3.9 mmol/L (bình thường).
Triglyceride: 0.5 - 1.7 mmol/L (bình thường)
Nếu Cholesterol trong máu vượt quá mức bình thường, các Cholesterol dư thừa sẽ xâm nhập vào các thành mạch và tích tụ dần dần. Trong quá trình tích tụ, các tảng mỡ thành mạch bám chắc, ngày càng lớn, sẽ tạo nên các mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch, cũng khiến thành mạch trở nên cứng hơn, gây xơ vữa động mạch.
Đặc biệt nguy hiểm nếu vùng tắc nghẽn do xơ vữa động mạch nằm ở động mạch vành, khiến tim không được cấp máu đủ oxy và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, mảng xơ vữa Cholesterol có thể bị vỡ ra, gây hình thành cục huyết khối ngay tại mảng xơ vữa, cản trở máu đi qua mạch, dẫn tới tắc nghẽn, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến hàm lượng mỡ máu
Nếu Triglyceride tăng cao, vượt quá mức bình thường cũng cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng. Khi Triglyceride tăng rất cao, lớn hơn 5.7 mmol/l thì người bệnh có nguy cơ viêm tụy, cần sử dụng thuốc điều chỉnh ngăn ngừa bệnh.
Triglyceride là chất mỡ có trong máu và thức ăn, để giảm lipid này thì phải thay đổi lối sống như: tăng cường thể dục thể thao, giảm cân, hạn chế tinh bột và chất ngọt, hạn chế rượu bia thuốc lá. Trong một số trường hợp, người bệnh bị Triglyceride và Cholesterol tăng cao sẽ cần dùng thuốc điều trị ban đầu và khắc phục ngay, ngăn ngừa biến chứng, kết hợp với điều trị duy trì.
3. Những ai nên xét nghiệm bộ mỡ?
Xét nghiệm này giúp chẩn đoán, phát hiện nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, liên quan đến rối loạn mỡ máu. Từ đó giúp người bệnh chủ động phòng ngừa và điều trị, tránh những biến chứng bệnh có thể xảy đến lúc nào. Biến chứng từ các bệnh lý do rối loạn mỡ máu đều xảy đến đột ngột, cần xử lý sớm, can thiệp kịp thời, nếu không sẽ cướp đi tính mạng, sức khỏe của người bệnh.
Mỡ máu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Theo đó, xét nghiệm bộ mỡ được chỉ định cho những đối tượng sau:
- Có biểu hiện lâm sàng nghi mắc bệnh tim mạch, nhất là có dấu hiệu cho thấy nguy cơ tim mạch cao.
- Những người bị tình trạng viêm mạn tự miễn như vảy nến, lupus ban đỏ hệ thống, viêm thấp khớp.
- Tầm soát rối loạn lipid máu, tầm soát nguy cơ gây bệnh tim mạch.
- Những người hút thuốc lá nhiều.
- Người bị bệnh thận mạn tính.
- Phụ nữ bị đái tháo đường, hoặc huyết áp cao trong thai kỳ,… cảnh báo nguy cơ tim mạch cao.
- Nam giới bị rối loạn cương dương.
- Những người mắc rối loạn lipid máu do di truyền với biểu hiện như: Xanthelasma, u vàng dưới 45 tuổi hoặc người có tiền sử gia đình bị rối loạn lipid máu.
- Người bị bệnh động mạch ngoại biên, xơ vữa động mạch cảnh, tăng độ dày lớp nội địa trung mạch.
Ngoài ra, tất cả nam giới từ 40 tuổi trở lên, nữ giới từ 50 tuổi hoặc sau mãn kinh cũng được khuyến cáo nên đi xét nghiệm bộ mỡ định kỳ. Điều này nhằm sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và điều chỉnh lối sống lành mạnh nhất.
4. Những yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng mỡ máu
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol và triglyceride trong máu, được chia thành 2 nhóm chính:
a. Nhóm yếu tố không thể thay đổi
- Gồm các yếu tố di truyền, giới tính, tuổi tác.
Tập thể dục giúp giảm mỡ trong máu
b. Nhóm yếu tố có thể thay đổi
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý
- Thức ăn chứa nhiều acid béo bão hòa, Cholesterol, chất béo dạng Trans nên hạn chế, thay vào đó nên ăn nhiều thức ăn chứa acid không bão hòa.
- Acid bão hòa thường có nhiều trong mỡ nguồn gốc động vật. Còn chất béo dạng Trans có nhiều trong thực phẩm chiên rán dầu mỡ như bánh quy, khoai tây chiên, bơ thực vật cứng, gà rán,…
- Các Cholesterol chứa nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật như lòng đỏ trứng, gan, tôm, các phủ tạng, sản phẩm sữa toàn phần. Mỗi người nên hạn chế nạp Cholesterol từ thực phẩm mỗi ngày, nên ít hơn 200 mg.
- Acid béo không bão hòa có nhiều trong các loại dầu thực vật, mỡ cá, các loại hạt khô như đậu phộng, hạt phỉ, hạnh nhân,…
- Luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng và giúp giảm Cholesterol, Triglyceride (yếu tố nguy cơ gây các bệnh tim mạch do rối loạn mỡ máu), đồng thời làm tăng Cholesterol tốt.
Xét nghiệm bộ mỡ sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của rối loạn mỡ máu, chẩn đoán và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm liên quan. Do đó, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và xét nghiệm.
MEDLATEC là cơ sở xét nghiệm uy tín nhất hiện nay. Trung tâm Xét nghiệm của bệnh viện MEDLATEC đạt chuẩn quốc tế ISO 15189:2012, tự tin mang đến kết quả nhanh chóng và chính xác.
Liên hệ tổng đài 1900 565656 để được tư vấn miễn phí.