Cả 3 loại Sốt Dengue (Dengue fever, DF), Sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF) và biểu hiện nặng nề nhất của bệnh là Hội chứng sốc Dengue (Dengue Shock Syndrome, DSS) đều do một trong bốn serotype virus Dengue (có cấu trúc lõi RNA) là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 gây nên
20/07/2019 | Xét nghiệm sốt xuất huyết để chẩn đoán chính xác bệnh 26/06/2019 | Ngoài xét nghiệm NS1 còn có các xét nghiệm nào khác phát hiện sốt xuất huyết? 18/06/2019 | Có nên thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà?
Nhiễm một loại virus Dengue có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời nhưng chỉ có khả năng chống lại loại virus đó mà thôi. Vì vậy, những người sống trong vùng lưu hành dịch Dengue có thể mắc bệnh nhiều hơn một lần trong đời.
Muỗi cái thuộc giống Aedes aegypti là vector chủ yếu truyền sốt xuất huyết Dengue. Đặc điểm của Sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết, cô đặc máu, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong [6].
Hiện nay, để chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, Bệnh viện MEDLATEC chẳng những làm xét nghiệm huyết học (phát hiện sự giảm số lượng bạch cầu, tiểu cầu, ...), định lượng được các kháng thể Dengue-IgM, -IgG trong huyết thanh, mà còn xác định được type virus sốt xuất huyết Dengue bằng kỹ thuật Real-time PCR. Điều này đã giúp các thầy thuốc chẩn đoán sớm, chính xác nguyên nhân Sốt xuất huyết Dengue và đề ra được phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
1. Chẩn đoán phân biệt Sốt Dengue và Sốt xuất huyết Dengue
1.1. Sốt Dengue
1.1.1. Lâm sàng: sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2- 7 ngày; có thể có biểu hiện xuất huyết nhẹ như nghiệm pháp thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, có thể nổi hạch (thường hay gặp ở quanh khuỷu tay).
1.1.2. Cận lâm sàng: hematorit bình thường (không có biểu hiện cô đặc máu); số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm, số lượng bạch cầu thường giảm.
1.2. Sốt xuất huyết Dengue
1.2.1. Lâm sàng: sốt cao đột ngột, liên tục từ 2- 7 ngày; biểu hiện xuất huyết, thường xảy ra từ ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh dưới nhiều hình thái: dấu hiệu dây thắt dương tính, xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc ở niêm mạc, chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn, xuất huyết nội tạng như tiêu hoá, phổi, não là biểu hiện nặng, gan to. Có thể sốc: suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ hoặc huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tiểu ít.
1.2.2. Cận lâm sàng: biểu hiện cô đặc máu do sự thoát huyết tương: hematorit tăng ≥20% giá trị bình thường theo tuổi và giới tính; hoặc bằng chứng của thoát huyết tương (protein máu giảm, tràn dịch màng phổi, màng bụng); số lượng tiểu cầu giảm ≤ 100 Giga/L.
Như vậy, tiêu chuẩn đoán lâm sàng bệnh sốt xuất huyết Dengue là sốt và xuất huyết kèm theo cô đặc máu, số lượng tiểu cầu giảm.
2. Chẩn đoán nguyên nhân
Có thể phát hiện nguyên nhân gây Sốt xuất huyết Dengue bằng phương pháp miễn dịch, xác định kháng thể kháng Dengue IgM, IgG hoặc xác định type của virus bằng kỹ thuật Real-time PCR kết hợp với việc phân tích nhiệt nóng chảy HRM (High Resolution Melt Analysis) và chất màu EvaGreen.
Kỹ thuật Real-time PCR sử dụng trong chẩn đoán Sốt xuất huyết Dengue có các ưu điểm sau:
- So với phương pháp huyết học, kỹ thuật Real-time PCR cho kết quả phát hiện và xác định type Dengue dương tính sớm hơn, trước khi bệnh nhân bị phát hiện có giảm số lượng tiểu cầu. Ví dụ: ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue, ngay cả khi số lượng tiểu cầu chưa giảm (150 Giga/L), vẫn có thể phát hiện được 88% type Dengue dương tính [4].
- So với phương pháp miễn dịch, kỹ thuật Real-time PCR cho kết quả dương tính sớm hơn rất nhiều, ngay trong những ngày đầu của bệnh, khi bệnh nhân bắt đầu sốt, chưa có dấu hiệu lâm sàng hoặc dấu hiệu huyết học đặc hiệu, trong khi việc xác định kháng thể kháng Dengue IgM bằng các phương pháp miễn dịch chỉ dương tính vào ngày sốt thứ 4 hay thứ 5, lúc này thì kết quả miễn dịch ít còn hữu dụng vì các biểu hiện lâm sàng của bệnh đã rõ [2, 3, 5].
- Kỹ thuật Real-time PCR cho kết quả không chỉ có tác dụng phát hiện chính xác nguyên nhân gây sốt xuất huyết Dengue mà còn xác định được type của virus Dengue, điều này giúp các nhà y học và dịch tễ học theo dõi được các vụ dịch gây ra do type Dengue nào và tiên đoán được khuynh hướng thay đổi type gây bệnh theo thời gian. Ví dụ: ở nước ta, khuynh hướng chuyển type Dengue gây bệnh từ type DEN-3 sang type DEN-2 và sang type DEN-1 đã được dự báo từ năm 2004 [4].
- Kỹ thuật Real-time định type sốt xuất huyết Dengue mặc dù phải trải qua nhiều giai đoạn (tách chiết RNA của virus, sao chép ngược RNA thành cDNA bằng kỹ thuật RT-PCR, rồi chạy Real-time PCR, ...) nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm nhanh ngay trong ngày, do đó giúp thày thuốc chẩn đoán chính xác Sốt xuất huyết Dengue và xác định type Dengue rất sớm.
Việc Điều trị và Phòng bệnh Sốt xuất huyết Dengue xin quý vị xem ở bài "Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị Sốt Dengue và Sốt xuất huyết Dengue" (Bộ Y tế) [1], phần "Tin Y khoa trong nước" trong trang Web này của Bệnh viện MEDLATEC.
Tài liệu tham khảo
1.Bộ Y tế (2009). Hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị Sốt Dengue và Sốt xuất huyết Dengue. Bộ Y tế ban hành.
2.Jan G et al (2000). Evalution of six immunoassays for detection of Dengue virus specific immunoglobulin M and G antibodies. Clin Diagn Lab Immuno. 7(6): 867-871.
3.Pham Hung Van (2005). How to apply PCR, RT-PCR, Real-time PCR in diagnosis and reaserch under the existing conditions of developing countries. Published by Vietnamese Association of Clinical Biochemists and University of Medicine and Pharmacy in Ho Chi Minh City.
4.Phòng Xét nghiệm Y khoa NK-BIOTEK (2009). Xét nghiệm phát hiện và định type Dengue để chẩn đoán sớm Sốt Dengue và Sốt xuất huyết Dengue.
5.Songee LR and Paul NL (1999). Evalution of four methods for detection of immunoglobulin M antibodies to Dengue virus. Clin Diagn Lab Immuno. 6(4): 555-557.
6.WHO (1997). Dengue haemorrhagic fever: diagnosis, treatment, prevention and control. WHO 2nd Edition.