Vòng tránh thai nội tiết hiện nay đang là một trong những dụng cụ tránh thai hiện đại nhất. Dụng cụ này được đánh giá mang lại hiệu quả khá cao và hạn chế được những tác dụng phụ của các dụng cụ tránh thai trước. Vậy chúng có những ưu/nhược điểm nào? Có nên sử dụng hay không?
13/06/2021 | Góc tư vấn: Tháo vòng tránh thai bao lâu thì quan hệ được? 06/05/2021 | Những trường hợp được chống chỉ định đặt vòng tránh thai 19/01/2021 | Thời điểm tốt nhất để đặt vòng tránh thai sau sinh mổ
1. Đặc điểm cấu tạo, cơ chế hoạt động
Vòng tránh thai nội tiết có tên khoa học là Mirena, hình chữ T và được làm bằng nhựa dẻo, có cản quang. Do đó, chụp X-quang hoặc siêu âm đều có thể nhận ra.
Mirena dài khoảng 32mm, dưới cùng của chữ T có vòng nhỏ gắn dây polyethylene. Bên dưới là ống trụ có chứa 52mg levonorgestrel, được phủ bên ngoài bằng polydimethylsiloxane. Đây là chất điều chỉnh sự phóng thích levonorgestrel để tăng hiệu quả cho vòng.
Sử dụng Mirena là phương pháp ngày càng phổ biến hiện nay
Khi được đặt vào cơ thể, chất levonorgestrel làm đặc chất nhầy cổ tử cung để ngăn chặn tinh trùng xâm nhập và tính di động của nó nên không thể gặp trứng. Nếu tinh trùng gặp trứng và thụ tinh thì Mirena có thể làm mỏng nội mạc tử cung nên không thể làm tổ. Do đó, đây được đánh giá là dụng cụ tránh thai hữu hiệu trong thời hạn sử dụng 5 năm.
2. Vòng tránh thai nội tiết có những tác dụng gì?
Ngoài tác dụng chính là ngừa thai, Mirena còn có rất nhiều tác dụng khác hỗ trợ chị em phụ nữ. Cụ thể như sau.
Ngừa thai
Hiệu quả ngừa thai của phương pháp này đạt tới 99%. Năm đầu tiên sử dụng tỷ lệ có thai là 0 - 0.2% và trong 5 năm là 0.5 - 1.1%. Hiệu quả này được đánh giá ngang bằng với phương pháp triệt sản nhưng lại được nhiều người lựa chọn hơn vì có thể phục hồi khả năng sinh sản nhanh chóng.
Điều trị rong kinh, cường kinh
Rong kinh là một căn bệnh phụ khoa khiến nhiều chị em phụ nữ lo lắng và gây ra khá nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Rong kinh cũng khiến chất lượng cuộc sống bị giảm sút và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời, đặc biệt là vô sinh.
Rong kinh có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị kịp thời
Mirena cũng là một phương pháp điều trị rong kinh liên quan đến nội tiết hiệu quả. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung dẫn đến rong kinh thì Mirena cũng có khả năng khắc phục.
Khi sử dụng vòng tránh thai nội tiết, levonorgestrel làm giảm lớp nội mạc tử cung trong 3 - 6 tháng đầu nên số ngày hành kinh cũng như lượng máu mỗi ngày được giảm đáng kể. Trong vòng 3 - 4 tháng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ không đều và giảm khoảng 70% lượng máu kinh, một số phụ nữ còn vô kinh trong năm đầu tiên sử dụng.
Một số tác dụng khác
-
Hỗ trợ điều trị thiếu máu cũng như ngăn ngừa tình trạng này vì chúng có khả năng giảm lượng máu kinh và số ngày hành kinh.
-
Làm giảm những cơn đau bụng kinh.
-
Giảm khả năng chửa ngoài dạ con.
-
Giảm các bệnh viêm nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung.
-
Giảm nguy cơ viêm nhiễm vùng chậu.
-
Trọng lượng cơ thể không bị ảnh hưởng.
Mirena có thể làm giảm các cơn đau bụng kinh
3. Ưu, nhược điểm của Mirena
Cũng giống như các phương pháp tránh thai khác, vòng tránh thai nội tiết cũng có những ưu/nhược điểm riêng.
Ưu điểm
-
Hiệu quả tránh thai cao, phát huy tác dụng ngay lập tức.
-
Tính an toàn cao, khả năng sinh sản không bị tác động và có thể lấy ra bất cứ lúc nào.
-
Có thể áp dụng phương pháp sau 6 - 8 tuần sau sinh vì nó không ảnh hưởng đến sữa cũng như không làm ít sữa.
-
Không làm giảm ham muốn trong quan hệ vợ chồng.
-
Tiết kiệm chi phí, không gây vướng.
Nhược điểm
Ngoài những ưu điểm vượt trội trên, Mirena còn có các nhược điểm không mong muốn như:
-
Tăng khả năng viêm phụ khoa: Dù ít xảy ra nhưng nếu đặt Mirena, chị em nên vệ sinh sạch sẽ để không viêm nhiễm vùng kín.
-
Tăng dịch tiết âm đạo và cổ tử cung: Dịch tiết âm đạo cũng như cổ tử cung tăng khiến vùng kín thường ẩm ướt do Mirena có thể gây ra phản ứng viêm nhưng trong cơ thể nhưng không có vi khuẩn.
-
Rối loạn kinh nguyệt: Đây là tình trạng thường thấy trong vài tháng đầu sử dụng và sẽ trở lại bình thường khi nội tiết ổn định.
-
Gây mụn trứng cá ở trên da mặt.
-
Ngoài ra còn có một số tác dụng phụ khác như buồn nôn, đau đầu, tức ngực,…
Tức ngực có thể là tác dụng phụ của vòng tránh thai nội tiết
Tuy nhiên, các chị em phụ nữ có thể yên tâm vì các tác dụng phụ trên không kéo dài quá lâu.
4. Ai nên sử dụng vòng tránh thai nội tiết?
Dù mang lại nhiều tác dụng nhưng tùy trường hợp cụ thể sẽ được bác sĩ tư vấn nên đặt Mirena hay không.
Đối tượng nên sử dụng
-
Người muốn tránh thai trong thời gian dài nhưng muốn phục hồi nhanh khi cần.
-
Người bị rong kinh, cường kinh.
-
Người mãn kinh không thể dung nạp Progestin bằng đường uống.
Đối tượng không nên sử dụng
-
Người đang mang thai.
-
Đang mắc ung thư vú.
-
Người nhiễm khuẩn do nạo hút thai, sẩy thai.
-
Rong huyết chưa rõ nguyên nhân.
-
Viêm nhiễm hậu sản.
-
Viêm nhiễm vùng chậu cấp tính.
Khi nào nên đặt Mirena?
Thời điểm đặt Mirena cũng rất quan trọng. Nếu đặt không đúng lúc, không những không mai lại hiệu quả như mong muốn mà có thể dẫn đến một số ảnh hưởng xấu khác.
-
7 ngày đầu tiên của kỳ kinh hoặc vào các thời điểm khác nhưng phải chắc chắn không mang thai.
-
Ngay sau khi nạo hút thai.
-
Khi đang sử dụng một phương pháp tránh thai khác nhưng muốn đổi.
-
Vừa sinh con được 6 tuần.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng Mirena
Phương pháp sử dụng Mirena ngày càng được sử dụng rộng rãi. Bởi sau khi tháo vòng, chức năng buồng trứng cũng như chức năng sinh sản sẽ được phục hồi nhanh chóng.
Hi vọng qua những chia sẻ trên, chị em phụ nữ sẽ có thêm thông tin cần thiết về phương pháp tránh thai này và có thể cân nhắc để sử dụng. Nếu cần hỗ trợ thêm, bạn có thể liên hệ với các chuyên gia của Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Đây là địa chỉ uy tín hàng đầu trong khám và điều các bệnh lý sản phụ khoa. Ngoài ra, Khoa Sản phụ khoa còn là nơi hội tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, giàu kinh nghiệm cùng máy móc hiện đại, xứng đáng là địa chỉ tin cậy hàng đầu khách hàng trong nhiều năm qua
Nếu cần thêm thông tin về vòng tránh thai nội tiết hay muốn tư vấn sử dụng phương pháp này, bạn có thể liên hệ với bệnh viện qua tổng đài 1900 56 56 56.