Phương pháp cấy que tránh thai mang lại hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có tình trạng rong kinh khiến nhiều chị em vô cùng khó chịu và lo lắng. Vậy rong kinh khi đặt que tránh thai có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và phải làm sao để hạn chế nguy cơ này?
11/12/2020 | Góc giải đáp: Phụ nữ bị rong kinh nên ăn gì? 11/12/2020 | Giải đáp thắc mắc: Bị rong kinh phải làm sao? 10/12/2020 | Phụ nữ bị rong kinh phải làm sao để sức khỏe ổn định nhanh nhất? 10/12/2020 | Những điều cần biết về hiện tượng rong kinh nguyệt
1. Rong kinh khi đặt que tránh thai nguy hiểm như thế nào?
Cấy que tránh thai là phương pháp mà bác sĩ sử dụng một que nhỏ có chứa hormone để cấy vào vùng da dưới cánh tay của phụ nữ nhằm mục đích ngăn quá trình rụng trứng, làm cho chất nhầy ở cổ tử cung trở nên đặc hơn. Từ đó, tinh trùng sẽ rất khó khăn để có thể xâm nhập và gặp trứng để thụ tinh, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm và có hiệu quả kéo dài đến khoảng vài năm, tùy theo loại que tránh thai. Tuy nhiên, nó cũng có thể mang đến một số tác dụng phụ, chẳng hạn như chóng mặt, đau đầu, căng tức ngực, khô âm đạo, mụn trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, mà hay gặp là rong kinh,…
Nhiều phụ nữ bị ong kinh do cấy que tránh thai
1.1. Rong khi khi đặt que tránh thai không ảnh hưởng đến sức khỏe trong những trường hợp nào?
Khi cấy que tránh thai, cơ thể người phụ nữ có thể gặp phải một số vấn đề về rối loạn nội tiết tố, điều này sẽ dẫn tới những rối loạn kinh nguyệt, chẳng hạn như tình trạng rong kinh và vô kinh. Tùy vào cơ địa mỗi người mà thời gian xảy ra tác dụng phụ của phương pháp này có thể kéo dài trong những khoảng thời gian khác nhau. Chẳng hạn có những người sẽ bị rong kinh trong một tháng đầu tiên sau khi cấy que hoặc cũng có những trường hợp bị vô kinh trong vòng 1 năm đầu tiên từ thời điểm cấy que tránh thai.
Rong kinh khi đặt que tránh thai sẽ không đáng lo ngại nếu tình trạng này chỉ xảy ra trong khoảng 6 tháng đầu tiên kể từ khi cấy que, đồng thời lượng máu kinh không quá nhiều, chỉ cần sử dụng băng vệ sinh mỏng hàng ngày/lần. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do nội tiết tố bị rối loạn do sự tác động từ hormone trong que tránh thai khiến cho chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn vài ngày.
1.2. Rong kinh khi đặt que tránh thai ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của phụ nữ?
Nếu tình trạng rong kinh kéo dài, phụ nữ có thể bị ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Cụ thể như sau:
Sức khỏe thể chất: Những trường hợp bị rong kinh kéo dài nghĩa là chị em mất một lượng kinh nguyệt khá nhiều vì thế họ luôn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, sụt cân nhanh chóng và yếu ớt vì thiếu máu.
Phụ nữ bị chóng mặt, mệt mỏi do tình trạng rong kinh
Sức khỏe tâm lý: Rong kinh chính là nguyên nhân làm gián đoạn đời sống chăn gối của chị em và ảnh hưởng nhất định đến hạnh phúc hôn nhân. Hơn nữa, bị rong kinh khi đặt que tránh thai cũng khiến chị em gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt do thường xuyên phải thay băng vệ sinh, khó chịu ở vùng kín nên họ dễ cáu gắt vô cớ, dễ bị căng thẳng hơn bình thường.
1.3. Phải làm sao nếu bị rong kinh khi đặt que tránh thai?
Với những trường hợp này, chị em không nên quá lo lắng mà cần thoải mái, sinh hoạt, ăn uống khoa học, hợp lý để cơ thể nhanh chóng lấy lại sự ổn định của nội tiết tố. Khi nội tiết tố trong cơ thể đã được cân bằng trở lại thì vấn đề rong kinh sẽ biến mất, chị em có thể quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường như trước.
Nên thăm khám sớm nếu có biểu hiện bất thường
Tuy nhiên, đối với những trường hợp tình trạng rong kinh kéo dài hơn 6 tháng và chưa có biểu hiện kết thúc, thì chị em cần nhanh chóng tới cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và điều trị, hoặc có thể chuyển sang phương pháp tránh thai khác, phù hợp với cơ địa.
2. Những điều cần lưu ý để tránh bị rong kinh khi đặt que tránh thai
Để tránh tình trạng bị rong kinh khi đặt que tránh thai, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Nên lựa chọn cấy que tránh thai tại những cơ sở y tế uy tín. Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao cùng với hệ thống máy móc thiết bị y tế chuyên nghiệp chính là một yếu tố quan trọng giúp đảm bảo kỹ thuật cấy que tránh thai và từ đó có thể hạn chế những tác dụng phụ của phương pháp này, trong đó có tình trạng rong kinh.
- Trước khi quyết định thực hiện cấy que, bạn cần phải thăm khám sức khỏe để đảm bảo cơ thể phù hợp với phương pháp này và không bị dị ứng với những thành phần của que tránh thai.
- Trường hợp mắc một số bệnh lý như bệnh tim mạch, huyết áp, phụ nữ vừa sinh hoặc đang cho con bú dưới 6 tuần thì cũng không nên thực hiện phương pháp ngừa thai này.
- Sau khi cấy que tránh thai, phụ nữ nên giữ tâm lý thoải mái, tránh tình trạng áp lực, căng thẳng kéo dài để hạn chế nguy cơ kéo dài các tác dụng phụ như rong kinh hay mất kinh,…
- Một yếu tố cần thiết giúp hạn chế tình trạng rong kinh khi đặt que tránh thai là cần có một chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất. Từ đó giúp chị em luôn khỏe mạnh và cân bằng nội tiết tố nữ.
Tập yoga để hỗ trợ cân bằng nội tiết, giảm nguy cơ rong kinh
- Không sử dụng các loại chất kích thích chẳng hạn như uống rượu bia, hút thuốc lá,… Đây là những chất gây hại cho sức khỏe, giảm sức đề kháng và có thể là nguyên nhân kéo dài tác dụng phụ của phương pháp cấy que tránh thai.
- Chị em có thể lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng sức khỏe và hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ, giảm nguy cơ rong kinh.
- Sau khi cấy que tránh thai, chị em cùng cần thăm khám định kỳ hoặc đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường để được bác sĩ kịp thời điều trị.
Trên đây là những thông tin về tình trạng rong kinh sau khi thực hiện cấy que tránh thai. Nếu bạn còn thắc mắc, hãy gọi đến tổng đài của 1900 56 56 56 để được các bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp.