Dùng viên đặt trĩ là một trong các phương pháp đang được áp dụng để điều trị bệnh trĩ. Điều đáng nói là thị trường ngày càng bán nhiều loại viên đặt từ các nhà sản xuất khác nhau nên người bệnh rất khó lựa chọn và không phải ai bị trĩ cũng có thể dùng viên đặt. Vậy cụ thể, viên đặt trĩ có tác dụng gì, cách dùng ra sao, bài viết dưới đây sẽ bàn về những vấn đề đó.
14/04/2023 | Giải đáp sức khỏe: khám bệnh trĩ là khám những gì? 18/01/2023 | Điểm danh các loại thuốc trĩ ngoại thường được bác sĩ khuyên dùng 05/11/2022 | Liệu bạn có đang dùng thuốc bôi trĩ đúng cách?
1. Một số thông tin cơ bản về bệnh trĩ
Trĩ là bệnh lý xuất hiện khi các mạch máu ở dưới của trực tràng và hậu môn bị to và sưng lên. Bệnh thường do bị tăng áp lực bên trong của vùng bụng dưới, chủ yếu bởi sự tác động của các yếu tố:
- Thường xuyên căng thẳng khi đại tiện.
- Ngồi lâu, béo phì, mang thai.
- Ung thư trực tràng.
- Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
- Thường xuyên quan hệ tình dục qua hậu môn.
Một số yếu tố tác động dẫn đến sự hình thành bệnh trĩ
Có 2 loại bệnh trĩ thường gặp nhất là trĩ nội và trĩ ngoại. Trong đó, trĩ nội là hiện tượng búi trĩ nằm ở niêm mạc bên trong trực tràng, khi chưa sa ra ngoài hậu môn thì không thể sờ thấy được; trĩ ngoại là hiện tượng búi trĩ nằm bên ngoài hậu môn, có thể nhìn thấy và sờ thấy được.
Bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên cấp độ bệnh, loại trĩ mắc phải mà đưa ra phương pháp điều trị cho bệnh nhân như: thay đổi chế độ ăn và lối sống, dùng thuốc làm mềm phân, dùng viên đặt trĩ, phẫu thuật,...
2. Công dụng và cách dùng viên đặt trĩ
2.1. Tác dụng của viên đặt trĩ là gì?
Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại viên đặt trĩ. Đây cũng là một trong các loại thuốc đặt hậu môn được bác sĩ khuyến cáo sử dụng để điều trị bệnh. Đặc điểm chung của các loại viên đặt này là chứa các hoạt chất kháng khuẩn, kháng viêm, giúp giảm đau rát và ngứa ngáy, giảm chảy máu ở hậu môn, tăng sức bền của thành mạch máu và ngăn ngừa búi trĩ hình thành.
Viên đạn đặt trĩ được làm từ chế phẩm thuốc rắn, có thể được hòa tan và dễ dàng hấp thu qua niêm mạc trực tràng. Các loại viên đặt dạng này thường kết hợp giữa dầu hoặc kem với thuốc.
Khi đặt vào trong trực tràng, dưới tác động của thân nhiệt, các hoạt chất trong viên đặt trĩ sẽ được phóng thích vào cơ thể để đem lại những công dụng kể trên. Việc dùng thuốc có thể cải thiện rõ rệt các triệu chứng của bệnh trĩ.
Tuy nhiên, hiệu quả mà viên đặt trĩ mang lại hầu như chỉ có được với các trường hợp bị trĩ cấp độ nhẹ, có tổn thương chưa nặng nề. Một số loại viên đặt trĩ có tác dụng giảm nóng rát và sưng viêm ở niêm mạc; một số loại khác lại làm giảm triệu chứng táo bón nhờ đó mà bệnh trĩ cũng thuyên giảm.
Hầu hết các viên đặt trĩ có công dụng giảm triệu chứng bệnh và ngăn ngừa búi trĩ tiến triển
Có một số viên đặt trĩ thảo dược được làm từ dầu dừa, cây phỉ cũng hỗ trợ điều trị bệnh trĩ nhưng lại không chứa thành phần của thuốc điều trị đau, sưng, viêm búi trĩ. Tùy vào mức độ bệnh của từng bệnh nhân mà hiệu quả của việc dùng viên đặt trĩ sẽ có sự khác nhau.
2.2. Hướng dẫn cách sử dụng viên đặt trĩ
Để dùng viên đặt trĩ bạn cần thực hiện theo các bước:
- Bước 1: dùng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn làm sạch tay và dùng nước muối sinh lý hay nước muối ấm pha loãng để vệ sinh sạch sẽ hậu môn rồi lau khô tay và hậu môn bằng khăn bông sạch.
- Bước 2: đưa người nằm nghiêng sang một bên, một chân duỗi thẳng còn chân còn lại co về phía bụng. Tư thế này giúp cho việc đặt thuốc trở nên dễ dàng.
- Bước 3: dùng tay bóc bỏ viên đặt trĩ để lấy viên đạn bên trong.
- Bước 4: nhẹ nhàng cầm viên thuốc, đưa phần đầu nhọn vào sâu bên trong hậu môn bằng thao tác đẩy thật dứt khoát. Cần chú ý đặt viên thuốc vào trong sao cho vừa với chiều dài của viên thuốc chứ không nên ấn quá sâu.
- Bước 5: đưa chân co về vị trí thẳng rồi nằm thư giãn 10 - 15 phút chờ thuốc tan và phóng thích vào cơ thể. Đây cũng là cách tránh cho thuốc không bị tuột ra ngoài.
Thực hiện đúng quy trình đặt viên thuốc chữa trĩ trên đây sẽ giúp thuốc phát huy tối đa công dụng. Những lần đầu dùng viên đặt trĩ có thể bạn sẽ cảm thấy đau nên sợ đặt thuốc nhưng làm đều đặn hàng ngày bạn sẽ quen thao tác và không còn cảm giác này nữa.
Hướng dẫn cách đặt thuốc trĩ vào trong hậu môn
3. Một số lưu ý khi dùng viên đặt trĩ
Nếu được chỉ định dùng viên đặt trĩ thì bạn cũng cần lưu ý:
- Trong thời gian đặt thuốc tuyệt đối không quan hệ tình dục bằng đường hậu môn.
- Tuân thủ đúng liều lượng dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý thay loại thuốc hay liều dùng.
- Nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần ngưng dùng thuốc để trao đổi lại với bác sĩ.
- Thiết lập chế độ ăn khoa học, giàu chất xơ, tăng thực phẩm nhuận tràng để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ đạt kết quả tốt hơn.
- Không dùng đồ uống có ga, chất kích thích, bia rượu,... để hạn chế nguy cơ trĩ tái phát.
- Luôn giữ vệ sinh hậu môn sạch sẽ, nhất là sau mỗi lần đại tiện.
- Kết hợp giữa chế độ ăn uống với luyện tập thể thao đều đặn để cải thiện bệnh trĩ nhanh hơn.
Hiện trên thị trường có bán rất nhiều loại viên đặt trĩ khác nhau trong khi tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân và hiệu quả của các loại thuốc không giống nhau. Đó là chưa kể đến việc tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến nhờn thuốc, kháng thuốc, gặp tác dụng phụ.
Vì thế, người bị bệnh trĩ nếu muốn dùng viên đặt trĩ thì trước tiên cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, đánh giá đúng tình trạng bệnh của mình. Cũng nhờ việc làm này mà người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, được kê đơn thuốc hiệu quả và an toàn.
Qua nội dung được chia sẻ trên đây, hy vọng quý khách có thể hiểu rõ hơn về công dụng và cách dùng viên đặt trĩ..
MEDLATEC có sự tham gia làm việc của BSCKII Nguyễn Văn Thưởng - Uỷ viên Ban chấp hành, Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam; Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực hậu môn - trực tràng trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại đã điều trị thành công và hiệu quả cho nhiều ca bệnh trĩ.
Quý khách hàng có dấu hiệu mắc bệnh lý này có thể đến trực tiếp Chuyên khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thăm khám hoặc đặt trước lịch khám qua hotline 1900 56 56 56.