Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn dưới da. Đây là bệnh lý không thể chủ quan, cần điều trị ngay từ đầu để ngăn chặn mọi biến chứng trong đó nguy hiểm nhất là tính mạng bị đe dọa. Nếu bạn chưa biết về bệnh lý này thì những thông tin được tổng hợp dưới đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để bạn biết cách nhận diện và xử trí có dấu hiệu viêm mô tế bào.
12/01/2022 | Viêm mô tế bào: dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị 01/07/2021 | Những biến chứng thường gặp của bệnh viêm mô tế bào
1. Viêm mô tế bào - nguyên nhân và dấu hiệu
1.1. Viêm mô tế bào là bệnh gì?
Viêm mô tế bào là dạng bệnh nhiễm trùng sâu dưới da do vi khuẩn gây nên. Bệnh có thể khởi phát đột ngột và cần được điều trị ngay để tránh biến chứng đe dọa sự sống. Có rất nhiều dạng viêm mô tế bào trong đó thường gặp nhất ở các vị trí quanh mắt, hai bên má, mũi, vú, hậu môn,...
Tổn thương ở bệnh viêm mô tế bào có tính chất sưng đỏ lan rộng
1.2. Nguyên nhân gây viêm mô tế bào
Tác nhân chính gây ra viêm mô tế bào là vi khuẩn (thường gặp nhất là staphylococcus và streptococcus). Chúng thâm nhập vào da qua vết rách hoặc vết nứt. Có một số loại côn trùng hay khi bị nhện cắn cũng có thể là tác nhân truyền vi khuẩn và dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, các vùng da sưng hoặc khô cũng có thể bị vi khuẩn xâm nhập.
1.3. Dấu hiệu viêm mô tế bào
Các dấu hiệu của bệnh viêm mô tế bào thường ở một bên của cơ thể:
- Da đỏ với xu hướng lan rộng.
- Sưng, ấn vào thấy đau và mềm.
- Cảm thấy nóng, ấm ở vùng da bị bệnh.
- Có đốm đỏ trên da.
- Phồng rộp da, sốt.
- Tổn thương tạo thành vết lõm hình thù như vỏ cam.
Bệnh viêm mô tế bào tiến triển nặng có thể làm xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, yếu, chóng mặt. Đặc biệt, nếu người bệnh lạnh run, đổ mồ hôi lạnh, đau nhức cơ bắp thì đây chính là lúc cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để không bị hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng.
2. Biến chứng viêm mô tế bào cần thận trọng
Nếu viêm mô tế bào không được điều trị sớm có thể khiến người bệnh phải đứng trước nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng:
Không điều trị sớm viêm mô tế bào có thể biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng
- Sưng vĩnh viễn ở vùng da bị tổn thương.
- Nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng vì vi khuẩn đã xâm nhập vào máu. Lúc này người bệnh sẽ có dấu hiệu thở nhanh, tim đập nhanh, sốt, tụt huyết áp, lượng nước tiểu ít đi, chóng mặt, lạnh, da xanh xao và đổ mồ hôi.
- Nhiễm trùng các vùng khác của cơ thể như: van tim, xương, cơ.
Những biến chứng này có thể được ngăn chặn khi người bệnh được điều trị hiệu quả ngay từ đầu.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm mô tế bào
3.1. Chẩn đoán viêm mô tế bào
Để chẩn đoán bệnh viêm mô tế bào cho bệnh nhân, bên cạnh việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh:
- Xét nghiệm máu: dành cho trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng máu.
- Chụp X-quang: khi bệnh nhân có dấu hiệu lạ ở xương hoặc da.
- Sinh thiết: dùng kim lấy chất dịch ở khu vực bị ảnh hưởng để đưa đến phòng thí nghiệm.
3.2. Điều trị bệnh viêm mô tế bào
- Dùng thuốc
Đơn thuốc kháng sinh đường uống thường được bác sĩ áp dụng với các trường hợp bị viêm mô tế bào mức độ nhẹ. Với những trường hợp nặng được bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng máu, viêm gân cơ, viêm khớp sẽ cần nhập viện để điều trị kháng sinh bằng đường tĩnh mạch. Nếu bị viêm tắc tĩnh mạch bác sĩ sẽ cân nhắc về việc dùng thuốc chống đông.
Thời gian dùng thuốc điều trị viêm mô tế bào có thể trong 1 tuần hoặc hơn tùy theo mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân. Trong thời gian điều trị theo đơn của bác sĩ người bệnh không được tự ý đắp hay bôi bất cứ loại thuốc nào khác. Mọi hướng dẫn chăm sóc vết thương từ bác sĩ cần được thực hiện đúng.
Khám bác sĩ da liễu ngay khi nghi ngờ dấu hiệu viêm mô tế bào để được điều trị hiệu quả
- Phẫu thuật
Với những bệnh nhân bị viêm mô tế bào nặng, đã điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng không có tác dụng, bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn phần mô hoại tử.
3.3. Đôi điều bệnh nhân viêm mô tế bào cần lưu ý
- Một số biện pháp sau có thể giúp người bệnh giảm được cảm giác khó chịu do các triệu chứng viêm mô tế bào gây ra:
+ Kê vùng da bị tổn thương vì nhiễm trùng cao hơn so với cơ thể trong khi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ để giảm đau và cải thiện sưng tấy.
+ Mỗi ngày cần sát khuẩn vết thương bằng dung dịch sát khuẩn có nguồn gốc rõ ràng để tránh bị nhiễm trùng. Nếu tổn thương dễ bị chà xát nên dùng băng gạc mỏng để băng lại.
+ Hạn chế mặc quần áo chật hay đi tất bó để tránh tạo ra sự chà xát vào tổn thương cho đến khi được điều trị lành hẳn. Điều này sẽ giúp hạn chế được nguy cơ bị lở loét và nhiễm trùng.
- Có thể phòng tránh tái phát viêm mô tế bào bằng cách:
+ Ngay khi phát hiện có vết trầy xước ở da cần vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ.
+ Cố gắng không cào gãi làm lở loét da khi bị ngứa vì côn trùng đốt.
+ Không đi chân trần ở những nơi dễ làm tổn thương da.
+ Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, khi phát hiện ổ nhiễm trùng cần điều trị ngay.
+ Luôn giữ cho ga trải giường, quần áo sạch sẽ.
+ Đảm bảo sự thoáng mát ở môi trường sinh hoạt và làm việc.
Chú ý theo dõi để phát hiện sớm và điều trị ngay khi mới bắt đầu có dấu hiệu viêm mô tế bào là cách tốt nhất để ngăn chặn biến chứng mà bệnh lý này có thể gây ra.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào hay cần được trợ giúp y tế để điều trị bệnh, hãy liên hệ hotline 1900 56 56 56, đặt khám cùng bác sĩ da liễu đầu ngành của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Toàn bộ quá trình thăm khám và điều trị bệnh của bạn sẽ được thực hiện bởi bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm với trình độ chuyên môn giỏi, hỗ trợ bởi hệ thống trang thiết bị y khoa tiên tiến nhất nên sẽ đảm bảo được hiệu quả tối ưu trong việc chấm dứt bệnh lý này.