Viêm mạch máu là tình trạng thành mạch máu bị thay đổi hoặc tổn thương dẫn đến sưng viêm, làm hạn chế lưu lượng máu hoặc dịch viêm lẫn vào máu ảnh hưởng đến các mô và nội tạng. Viêm mạch máu có nhiều thể bệnh với triệu chứng và mức độ nguy hiểm khác nhau. Nhiều trường hợp viêm mạch máu sẽ tự cải thiện không cần điều trị nhưng cũng có thể kéo dài gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
26/01/2022 | Mono trong xét nghiệm máu là gì? Ý nghĩa của chỉ số Mono 24/01/2022 | Hỏi đáp: Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu thì phải làm sao? 29/12/2021 | Hé lộ nguyên nhân gây vỡ mạch máu não thường gặp
1. Nguyên nhân dẫn đến viêm mạch máu
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra viêm mạch máu, có nhiều ý kiến cho rằng bệnh lý này có liên quan đến gen di truyền hoặc sự bất thường của hệ thống miễn dịch.
Viêm mạch máu ảnh hưởng đến sự lưu thông máu trong lòng mạch
Vì nguyên nhân nào đó, hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tế bào mạch máu dẫn đến viêm, những tác nhân có thể gây ra phản ứng này bao gồm:
-
Nhiễm trùng có liên quan đến mạch máu, nhất là viêm gan B, viêm gan C.
-
Ung thư máu.
-
Phản ứng kháng hoặc dị ứng với một số thuốc.
-
Bệnh rối loạn hệ miễn dịch như: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì,…
Mạch máu bị viêm dẫn đến tình trạng chảy máu, sưng phồng mạch máu và làm hẹp lòng mạch. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng thuộc độ tuổi hay giới tính nào. Những người có thói quen hút thuốc, mắc bệnh viêm gan virus hoặc rối loạn miễn dịch là những đối tượng nguy cơ cao, cần lưu ý đi khám khi có triệu chứng bệnh xuất hiện.
Chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm mạch máu
Khi chẩn đoán viêm mạch máu, bác sĩ sẽ tập trung chẩn đoán tình trạng viêm cùng những ảnh hưởng của bệnh, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân.
2. Các thể bệnh viêm mạch máu và triệu chứng
Cơ thể người gồm rất nhiều mạch máu với kích thước và nhiệm vụ vận chuyển máu đi - về giữa các cơ quan khác nhau. Hệ thống mạch máu này vô cùng phức tạp với số lượng lớn song đều có vai trò quan trọng với từng cơ quan hay khu vực của cơ thể.
Dù được bảo vệ bởi lớp thành mạch dai, bền cùng nằm sâu trong các lớp mô, cơ song mạch máu cũng có thể bị tổn thương do chấn thương, tác nhân vi sinh vật gây hại hoặc hóa chất trong cơ thể. Viêm mạch máu khiến mạch máu sưng lên, thu hẹp lại làm giảm lưu lượng máu, thậm chí gây hoại tử mô hoặc tổn thương nội tạng.
Có rất nhiều thể bệnh viêm mạch máu với nguyên nhân và triệu chứng khác nhau. Dưới đây là một số thể viêm mạch máu điển hình:
-
Thể bệnh Buerger.
-
Thể bệnh Behcet.
-
Thể viêm động mạch tế bào khổng lồ.
-
Thể bệnh u hạt với viêm đa mạch.
-
Thể bệnh Cryoglobulinemia.
-
Thể ban xuất huyết Henoch - Schonlein.
-
Thể viêm động mạch Takayasu.
-
Thể bệnh Kawasaki.
Viêm mạch máu làm giảm lưu lượng máu đi nuôi các cơ quan
Tùy từng thể viêm mạch máu cùng vị trí mạch máu bị tổn thương mà triệu chứng người bệnh gặp phải cũng khác nhau, song hầu hết đều liên quan đến tình trạng giảm lưu lượng máu đi trong lòng mạch đến các cơ quan trong cơ thể.
Cụ thể, những dấu hiệu viêm mạch máu thường gặp bao gồm: cơ thể mệt mỏi, đau đầu, sốt, giảm cân, đau nhức toàn thân, phát ban, đổ mồ hôi đêm, các vấn đề về thần kinh,… Nếu viêm mạch máu nhẹ và chưa ảnh hưởng nhiều, hầu hết người bệnh không phát hiện do không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên khi mạch máu bị viêm nặng, kéo dài, biến chứng nguy hiểm có thể đột ngột xuất hiện và thường nguy hiểm.
Biến chứng do viêm mạch máu có thể gặp bao gồm:
-
Tổn thương nội tạng khi mạch máu nuôi nội tạng bị viêm khiến cơ quan này không được nhận đủ máu giàu dinh dưỡng
-
Mù lòa, mất hoặc giảm thị lực, đây thường là biến chứng do viêm động mạch tế bào khổng lồ khiến tế bào não không nhận đủ máu giàu oxy trong thời gian dài.
-
Xuất hiện cục máu đông gây bít tắc lòng mạch, phình mạch máu khiến mạch máu suy yếu, phình ra hoặc đột quỵ, suy tim nếu mạch máu đến não hoặc nuôi tim gặp vấn đề.
Viêm mạch máu nuôi tim có thể gây suy tim, nhồi máu cơ tim
-
Nhiễm trùng: Biến chứng nhiễm trùng do viêm mạch máu thường nghiêm trọng, cần điều trị tích cực và thậm chí gây đe dọa tính mạng của người bệnh, điển hình như nhiễm trùng máu, viêm phổi.
Phát hiện và điều trị sớm viêm mạch máu sẽ giúp người bệnh phòng ngừa biến chứng xảy ra cũng như những ảnh hưởng của biến chứng.
3. Điều trị viêm mạch máu như thế nào?
Viêm mạch máu làm suy yếu mạch máu, gây tắc hẹp lòng mạch lưu thông máu nên cần kiểm soát tình trạng viêm, thông tắc mạch máu. Phương pháp điều trị để khắc phục và ngăn ngừa viêm mạch máu bao gồm:
3.1. Điều trị bằng thuốc
Thuốc uống kê đơn theo toa corticosteroid thường được chỉ định trong điều trị viêm mạch máu, có tác dụng kiểm soát viêm tốt, phổ biến như: Medrol hay prednison. Tuy nhiên, thuốc này thường gây tác dụng phụ thường xuyên.
Ngoài Corticosteroid, thuốc được dùng kết hợp nhằm tăng kiểm soát tình trạng viêm gồm: azathioprine, methotrexate hay cyclophosphamide. Các liệu pháp sinh học như tocilizumab hay rituximab cũng có thể được chỉ định điều trị tùy vào loại viêm mạch máu.
3.2. Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật không thường được chỉ định điều trị, khắc phục viêm mạch máu thông thường chưa gây biến chứng nặng do đây là phẫu thuật phức tạp. Nếu viêm mạch máu khiến mạch máu phồng to giống như bong bóng trong thành mạch, phẫu thuật can thiệp là cần thiết để khắc phục, ngăn ngừa khối phồng vỡ ra gây xuất huyết máu, tụ máu não,…
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể vẫn cần điều trị viêm mạch máu theo thuốc đơn kê toa nhằm ngăn ngừa viêm tái phát cũng như tiến triển nghiêm trọng của bệnh. Người bệnh cần thường xuyên thăm khám kiểm tra tình trạng mạch máu và can thiệp khi bệnh tiến triển nặng.
Hầu hết bệnh nhân viêm mạch máu điều trị bằng thuốc
Dù không thường gặp song viêm mạch máu tiến triển nặng nếu không được điều trị có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của bạn. Do vậy, nếu có triệu chứng nghi ngờ viêm mạch máu, hãy đến cơ sở y tế thăm khám, xác định tình trạng bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.