Vi chất dinh dưỡng là một thành phần không thể thiếu cho sức khỏe và quá trình phát triển toàn diện của cơ thể. Vậy vi chất dinh dưỡng là gì, có vai trò như nào và làm sao để nhận biết thừa hay thiếu vi chất?
16/12/2021 | Dấu hiệu nhận biết tình trạng thiếu hụt vi chất trong chế độ ăn thuần chay 13/09/2021 | Hướng dẫn cách bổ sung vi chất trong chế độ ăn thuần chay 16/12/2020 | Cảnh giác hậu quả thừa, thiếu vi chất ở mẹ bầu
1. Vi chất dinh dưỡng là gì, có lợi ích như thế nào với sức khỏe?
1.1. Về khái niệm vi chất dinh dưỡng
Vi chất dinh dưỡng là thuật ngữ dùng để nói về các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Chúng vai trò sản xuất năng lượng, cải thiện miễn dịch, hỗ trợ quá trình đông máu và tăng cường sức khỏe hệ xương, cần cho sự tăng trưởng của cơ thể và một số quá trình khác.
Tuy lượng vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần không lớn nhưng sự thiếu hụt nó có thể gây ra những ảnh hưởng lớn về thể chất và trí tuệ.
Vi chất dinh dưỡng bao gồm tất cả các loại vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần
1.2. Những lợi ích sức khỏe vi chất dinh dưỡng mang lại cho cơ thể
Mọi loại vi chất dinh dưỡng đều có những vai trò nhất định đối với cơ thể. Tiêu thụ chúng đúng cách chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa nguy cơ bệnh tật. Vậy với cơ thể, vai trò của vi chất dinh dưỡng là gì?
Hầu hết các loại vi chất dinh dưỡng đều tham gia vào các quá trình hoạt động của cơ thể. Đặc biệt, một số loại còn hoạt động với vai trò giống như chất chống oxy hóa để bảo vệ trước tình trạng tổn thương tế bào liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư, alzheimer,...
Các chuyên gia cho biết cung cấp đầy đủ vitamin A, C cho cơ thể qua chế độ ăn uống hàng ngày có thể giảm nguy cơ đối với một số bệnh ung thư. Bổ sung đủ một số loại vitamin cũng giúp người già phòng ngừa được nguy cơ bị alzheimer.
Ngoài ra, cũng có không ít nghiên cứu cho biết việc bổ sung đầy đủ vitamin A, E, C qua chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh alzheimer.
Có không ít khoáng chất cũng giúp phòng ngừa một số bệnh lý nguy hiểm. Đã có nghiên cứu cho thấy mối liên kết giữa nồng độ selen trong máu thấp với nguy cơ cao trước bệnh tim. Mặt khác cũng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ bị bệnh tim sẽ giảm 24% nếu tăng nồng độ selen trong máu lên được 50% và bổ sung đầy đủ canxi sẽ giảm nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có bệnh tim.
Tất cả những điều đó nói lên rằng việc tiêu thụ mọi vi chất dinh dưỡng, nhất là các chất có khả năng chống oxy hóa chính là cách để có được sức khỏe dồi dào.
Mô phỏng giúp hình dung cụ thể vai trò của vi chất dinh dưỡng là gì
2. Nhu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng theo độ tuổi
Khi đã hiểu được vai trò của vi chất dinh dưỡng là gì thì bạn cũng cần lưu tâm đến nhu cầu bổ sung các vi chất theo độ tuổi được Viện dinh dưỡng khuyến nghị như sau:
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: mỗi ngày cơ thể của trẻ cần: 300mg canxi, 375mcg vitamin A, 0.93mg sắt, 90mcg iot, 36mg magie, 2.8mg kẽm và 90mg phốt pho.
- Đối với trẻ 6 - 11 tháng tuổi: mỗi ngày cần 400mcg vitamin A, 90mcg iot, 400mg canxi, 12.4mg sắt, 4.1mg kẽm, 54mg magie và 275mg phốt pho.
- Đối với trẻ 1 - 3 tuổi: mỗi ngày cần 400mg vitamin A, 500mg canxi, 90mcg iot, 7.7mg sắt, 4.1mg kẽm, 65mg magie và 460mg phốt pho.
- Đối với trẻ 4 - 6 tuổi: mỗi ngày cần 450mcg vitamin A, 600mg canxi, 90mcg iot, 8.4mg sắt, 5.1mg kẽm, 76mg magie và 500mg phốt pho.
- Đối với trẻ 7 - 9 tuổi: mỗi ngày cần 500mcg vitamin A, 700mg canxi, 90mcg iot, 11.9mg sắt, 5.6mg kẽm, 100mg magie và 500mg phốt pho.
- Đối với phụ nữ trưởng thành: mỗi ngày cần 500mcg vitamin A, 1000mg canxi, 150mg iot, 39.2mg sắt, 4.9mg kẽm, 205mg magie và 700mg phốt pho.
Nếu bạn không biết nguồn bổ sung vi chất dinh dưỡng là gì thì hãy yên tâm rằng nó có sẵn trong tự nhiên, bao gồm cả thực phẩm từ động vật và thực vật. Vì thế, để cải thiện vi chất dinh dưỡng cho cơ thể thì có thể tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
3. Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng và cách nhận biết
3.1. Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng
Tùy vào loại vi chất dinh dưỡng mà cơ thể bị thiếu hụt mà cơ thể sẽ chịu những tác động khác nhau. Phổ biến nhất gồm:
- Thiếu vitamin A: bệnh về mắt, răng mọc chậm, trẻ chậm lớn, hay ốm vặt, đề kháng kém,...
- Thiếu vitamin D và canxi: còi xương, chậm mọc răng, loãng xương, chân vòng kiềng,...
- Thiếu sắt gây thiếu máu, mắc bệnh đường hô hấp, nhiễm khuẩn,...
- Thiếu i - ốt: bướu cổ, chậm phát triển, thiểu năng,...
- Thiếu kẽm: thấp còi, suy dinh dưỡng, vết thương lâu lành, hay ốm vặt,...
- Thiếu Omega-3, 6, 9: gặp các vấn đề về thị lực và thần kinh.
- Thiếu vitamin C: giảm đề kháng, hay bị chảy máu chân răng, mệt mỏi,...
- Thiếu vitamin B1, B2: lười ăn, sưng phù, tiêu hóa kém,...
Xét nghiệm vi chất định kỳ giúp phòng ngừa thiếu vi chất ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
3.2. Làm cách nào để nhận biết tình trạng thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng?
Sự thiếu hụt hay thừa vi chất dinh dưỡng diễn biến âm thầm bên trong cơ thể trước khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo lâm sàng. Vì thế, để phát hiện chính xác tình trạng thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng nên đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm vi chất.
Sau khi có kết quả xét nghiệm và dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ cho bạn biết về tình trạng thiếu/thừa vi chất dinh dưỡng của chính mình, thừa/thiếu bao nhiêu và có biện pháp bổ sung phù hợp.
Ngoài ra, có một số bài tập vận động có thể hỗ trợ tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng, nhờ đó mà giảm thiểu được nguy cơ bị thiếu vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Qua thăm khám và đánh giá, bạn sẽ được chuyên gia y tế hướng dẫn cụ thể bài tập này.
Để phòng ngừa thiếu/ thừa vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, cha mẹ nên cho con đi làm xét nghiệm vi chất dinh dưỡng định kỳ 6 tháng/lần. Xét nghiệm này rất cần thiết trong việc đưa ra phương án giúp trẻ có được sự phát triển toàn diện tốt nhất.
Mỗi vi chất dinh dưỡng đều có những vai trò nhất định với cơ thể, không có sự phân biệt vi chất nào quan trọng hơn. Do đó, để có sức khỏe tốt thì cách hiệu quả nhất là lên thực đơn ăn uống cân bằng, lành mạnh, đa dạng để không bị thiếu hụt vi chất dài ngày gây ra những tác động xấu cho cơ thể.