Trong thời đại ngày nay, giáo dục giới tính cho con trẻ đang là vấn đề mà không ít bậc phụ huynh quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu, nhất là với những người có con trong độ tuổi vị thành niên. Khi hoạt động này được đảm bảo, có thể khiến cho tâm lý và cuộc sống của bé trở nên tốt hơn.
18/10/2022 | Sự thật ít biết về người liên giới tính 03/06/2022 | Bạn đã thực sự hiểu biết về giới tính và chuyển giới? 26/10/2021 | Nắm bắt những phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ và áp dụng kịp thời
1. Khái niệm giáo dục giới tính được hiểu như thế nào?
Khái niệm này có phạm vi rất rộng, có thể được hiểu trên nhiều khía cạnh, bao gồm: giáo dục về sức khỏe sinh sản, quan hệ tình cảm hoặc các mặt thuộc thái độ tình dục của con người cụ thể là: cấu tạo, hoạt động của các cơ quan sinh sản, hoạt động, đời sống, cảm xúc tình dục, hình ảnh thân thể cá nhân, bệnh lây lan qua đường tình dục, các biện pháp kiểm soát việc sinh sản,...
Các nội dung này không chỉ được thực hiện tại cơ sở giáo dục, mà còn có thể qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, qua cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ, qua việc trò chuyện hoặc trên các phương tiện truyền thông.
Hoạt động này có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức
Mục đích của chúng là mang tới những kiến thức cơ bản để ứng xử đúng đắn trong các mối quan hệ xã hội cũng như nhận thức để bảo vệ bản thân.
Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, điều này đã được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, hiệu quả. Song, ở Việt Nam, cho tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là vấn đề khó nói với không ít người, trong đó có các bậc cha mẹ.
2. Giáo dục giới tính có vai trò quan trọng thế nào đối với trẻ em?
Theo sự phát triển tâm sinh lý bình thường của con người, trẻ em ở khoảng 2 tuổi đã bắt đầu có những nhận thức cơ bản về bản thân, các bộ phận trên cơ thể bao gồm cả cơ quan sinh sản.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện nội dung này cho trẻ cần có sự phù hợp với từng lứa tuổi khác nhau. Điều này có thể mang lại nhiều tác dụng.
-
Với trẻ nhỏ, khi nhận biết và gọi đúng tên các bộ phận trên cơ thể không chỉ giúp ích trong việc truyền đạt cho cha mẹ nếu gặp vấn đề liên quan tới sức khỏe mà còn phòng, tránh được nguy cơ bị xâm hại hoặc lạm dụng.
-
Với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn, đặc biệt là thời kỳ dậy thì, điều này còn giúp cho con có những thông tin đúng đắn, chuẩn bị tốt cho những thay đổi trong cơ thể để không sợ hãi, bỡ ngỡ.
-
Giúp trẻ không bị rơi vào những hoàn cảnh không mong muốn, chẳng hạn như tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại.
-
Giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và cuộc sống lành mạnh hơn: việc hiểu biết về sức khỏe sinh sản, những rung động, tình yêu, tình dục, cơ chế mang thai, sinh con,... giúp cho trẻ tránh được nguy cơ quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn hoặc bị bệnh lây qua quan hệ tình dục,...
-
Bên cạnh đó, trẻ sẽ biết chăm sóc bản thân đúng cách, đảm bảo sức khỏe và một cuộc sống lành mạnh, an toàn.
Sự khỏe mạnh được đo bằng cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ
3. Nội dung giáo dục giới tính nên được thực hiện như thế nào theo các thời kỳ phát triển của con?
Có thể nói, đây là hoạt động nên được thực hiện thường xuyên trong một khoảng thời gian dài cùng quá trình lớn lên của con và các nội dung có sự lựa chọn để phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ. Cụ thể là:
-
Giai đoạn từ 13 tới 24 tháng; có thể dạy cho trẻ cách gọi tên các bộ phận trên cơ thể một cách chính xác. Trẻ 2 tuổi có thể nhận biết được sự khác nhau giữa cơ thể bạn nam và bạn nữ.
-
Giai đoạn 2 tới 5 tuổi: Có thể cho trẻ biết một cách đơn giản về sự hình thành và ra đời của một em bé. Đồng thời, trẻ cần nhận biết một số khu vực riêng tư trên cơ thể mỗi người và hiểu rằng không ai được quyền đụng chạm.
-
Từ 6 - 8 tuổi: giai đoạn đi học, nên dạy trẻ cách sử dụng thiết bị điện tử một cách an toàn, một số trẻ có thể dậy thì trong giai đoạn này. Chính vì vậy, việc giải thích các nội dung thuộc vấn đề này là cần thiết để trẻ tự nhận thức những thay đổi của bản thân và tôn trọng sự thay đổi ở bạn bè xung quanh.
-
Giai đoạn 9 tới 12 tuổi: trẻ cần có ý thức sâu sắc hơn về cơ thể mình và các vấn đề tuổi dậy thì, quan hệ với bạn bè, đặc biệt là bạn khác giới. Trẻ cũng có thể nhận thức được về các biện pháp tránh thai an toàn hay bệnh tình dục.
-
Giai đoạn 13 tới 18 tuổi: Là thời kỳ không còn là trẻ con song chưa phải người lớn với nhiều biến động về tâm lý, tính cách và suy nghĩ. Bởi vậy, việc giáo dục càng trở nên quan trọng. Trẻ nên được hiểu về hầu hết các nội dung của sức khỏe sinh sản, giới tính, chẳng hạn như tình yêu, tình dục, mang thai, tránh thai, bệnh lây truyền,...
4. Giáo dục giới tính cho con thế nào để đảm bảo hiệu quả?
Đây là hoạt động rất cần thiết đối với mỗi đứa trẻ, cần thực hiện đúng mới đạt được hiệu quả cao.
Dạy con từ sớm song không vội vã
Từ khi trẻ 2 tuổi là có thể bắt đầu được biết các thông tin đơn giản, chẳng hạn như lúc tắm, có thể chỉ dạy về các bộ phận riêng tư cần bảo vệ và không cho người khác được nhìn hay chạm vào.
Trao đổi một cách thẳng thắn, không né tránh
Cha mẹ hãy coi đây cũng là một nội dung giáo dục thông thường, không nên vì ngại ngùng mà khiến con không hiểu đúng. Đồng thời, thái độ né tránh của cha mẹ có thể dẫn tới hiện tượng khi con gặp vấn đề sẽ không thoải mái để tâm sự.
Thái độ của cha mẹ có thể ảnh hưởng tới hiệu quả việc truyền đạt
Luôn đồng hành, lắng nghe con
Để việc giáo dục nội dung này đạt được hiệu quả, cha mẹ nên trở thành một người bạn gần gũi, thân thiết của con. Nếu bắt đầu từ việc chia sẻ những khó khăn hay các vấn đề trong cuộc sống, khi tạo thành thói quen, việc giáo dục giới tính cho con sẽ dễ dàng hơn.
Cùng với đó, luôn quan tâm tới mọi sự thay đổi hay bất thường ở con để có sự điều chỉnh và định hướng một cách đúng đắn.
Bạn hãy hỏi chuyên gia nếu còn lúng túng trong giáo dục về giới tính cho con
Giáo dục giới tính ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với quá trình phát triển và cuộc sống của trẻ. Để thực hiện tốt điều này, trước hết từ chính cha mẹ, những người lớn xung quanh cần tự trang bị cho mình những kiến thức về giới tính, đồng thời lắng nghe, chia sẻ và giúp con có nhận thức đúng đắn. Để được tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch khám tại MEDLATEC, quý vị hãy gọi tới số 1900 56 56 56.