Ung thư túi mật không phải là bệnh dễ gặp nhưng cũng như nhiều dạng ung thư khác, nó đặc biệt nguy hiểm cho tính mạng khi đã di căn. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể được chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện và điều trị từ sớm.
28/01/2021 | Sỏi túi mật - những thông tin không thể bỏ qua 28/01/2021 | Những bệnh lý túi mật thường gặp và dấu hiệu nhận biết 23/10/2020 | Cảnh báo nguy hiểm trước tình trạng viêm túi mật hoại tử
1. Ung thư túi mật - phân loại và nguyên nhân gây bệnh
1.1. Phân loại ung thư túi mật
Túi mật nằm dưới gan, có nhiệm vụ lưu trữ mật - dịch lỏng do gan tiết ra nhằm tiêu hóa chất béo. Trong quá trình thức ăn đi vào dạ dày và ruột, túi mật sẽ tiết ra dịch mật qua ống mật chủ. Ung thư túi mật là sự phân chia một cách vô tổ chức của các tế bào niêm mạc tại thành túi mật.
Vị trí của túi mật trong cơ thể
Có khoảng 90% trường hợp ung thư túi mật bệnh bắt nguồn từ sự tăng sinh quá mức tế bào tuyến trong niêm mạc túi mật, 10% còn lại xuất phát từ các tế bào khác nhau.
Ung thư túi mật gồm những loại sau:
- Ung thư tuyến
Đây là loại thường gặp nhất, bắt đầu từ trong các tế bào giống như tuyến nằm ở bề mặt của cơ thể trong đó có hệ thống tiêu hóa.
- Ung thư nhú hoặc biểu mô tuyến nhú
Đây là trường hợp hiếm gặp, các tế bào ung thư được sắp xếp hình chiếu như ngón tay. Thể ung thư này ít có khả năng lây lan vào gan hoặc hạch bạch huyết lân cận nên tiên lượng tốt.
- Các loại khác
Một số loại khác của ung thư túi mật nhưng ít xuất hiện.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư túi mật
- Quá trình viêm túi mật gây ra những thay đổi nhất định trong ADN của tế bào thành túi mật, khiến cho quá trình phân chia của chúng bị biến đổi, tế bào mới tiếp tục sinh ra còn tế bào cũ không chết đi tạo điều kiện hình thành ung thư túi mật.
Sỏi túi mật có nguy cơ cao gây ra ung thư túi mật
- Cấu trúc của ngã ba mật tụy bất thường gây ra hiện tượng trào ngược dịch tụy vào đường mật và túi mật gây viêm và tăng nguy cơ ung thư túi mật.
- Sỏi mật và viêm túi mật cũng được xem là những yếu tố nguy cơ phổ biến gây ung thư túi mật.
- Di truyền đột biến ADN từ bố mẹ. Đây là trường hợp hiếm gặp và sự đột biến ADN gây ung thư thường xuất hiện sau sinh.
2. Tính chất nguy hiểm của bệnh ung thư túi mật
Túi mật có ba lớp sát nhau gồm: lớp biểu bì mặt trong, lớp cơ trơn bên ngoài và lớp thanh mạc ngoài cùng. Thành túi mật rất mỏng nên khối u thường tiến triển nhanh và dễ phát triển ra lớp cơ và ngoài thanh mạc cũng như di căn sang các cơ quan lân cận.
Bệnh ung thư túi mật khi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm thì chỉ cần cắt túi mật là có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu để bệnh bước sang giai đoạn khối u xâm lấn đến lớp cơ thì tỷ lệ điều trị khỏi và sống sau 5 năm khoảng 70 - 85% còn khi khối u xâm lấn lớp thanh mạc bên ngoài thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn dưới 5%. Từ đó có thể thấy chỉ cần bước sang giai đoạn 2 của bệnh là xác suất tử vong đã rất cao rồi.
3. Triệu chứng và giai đoạn phát triển của ung thư túi mật
3.1. Triệu chứng bệnh
- Các triệu chứng điển hình của bệnh ung thư mật thường là:
+ Đau bụng, nhất là phần trên bên phải bụng.
+ Đầy hơi.
+ Thường xuyên ngứa ngáy không rõ nguyên nhân.
+ Chán ăn, ăn kém.
+ Sút cân.
+ Buồn nôn.
+ Sốt cao.
+ Vàng da, vàng mắt.
- Khi ung thư mật sang giai đoạn di căn thường xuất hiện các triệu chứng:
+ Mắt và da có màu vàng đậm hơn nhiều.
Cơn đau do ung thư túi mật ngày càng gia tăng khi bệnh trở nặng
+ Bụng bên phải đau một cách rõ rệt.
+ Gan to, mềm.
+ Rối loạn tiêu hóa với hiện tượng chướng bụng, phân bạc màu, thiếu nước,...
+ Cân nặng giảm bất thường.
+ Sốt cao không rõ nguyên nhân.
3.2. Các giai đoạn phát triển
Ung thư mật được chia thành 4 giai đoạn phát triển như sau:
- Giai đoạn 1: tế bào ung thư mới bắt đầu hình thành và tồn tại ở lớp niêm mạc phía trong túi mật.
- Giai đoạn 2: tế bào ung thư phát triển nhiều hơn và xâm lấn một phần ra lớp bên ngoài túi mật.
- Giai đoạn 3: tế bào ung thư phát triển nhanh và mạnh mẽ, bắt đầu xâm nhập một phần hoặc gần hết các cơ quan lân cận và có thể đã lan lên đến các hạch bạch huyết ở gần.
- Giai đoạn 4: tế bào ung thư bắt đầu di căn đến các vùng khác của cơ thể.
4. Phương pháp chẩn đoán xác định ung thư túi mật
Trước khi thực hiện một số biện pháp kiểm tra, xét nghiệm nhằm chẩn đoán và đánh giá chính xác ung thư túi mật bác sĩ sẽ sàng lọc yếu tố di truyền liên quan đến gia đình, thăm khám lâm sàng vùng bụng xem có tích tụ dịch, đau hay có u cục hay không, kiểm tra màu da và mắt có bất thường không và khám hạch bạch huyết để biết có hiện tượng di căn hay không.
Các xét nghiệm, kiểm tra có thể được thực hiện sau đó gồm:
- Xét nghiệm máu: thường thì trong máu người bệnh ung thư túi mật thường có sự xuất hiện nồng độ cao của các chất chỉ điểm khối u như CA 19-9, CEA.
- Siêu âm: tái hiện hình ảnh cơ quan nội tạng nhằm phát hiện ung thư túi mật. Để tăng độ chính xác, có thể kết hợp siêu âm với nội soi ổ bụng.
- Chụp cắt lớp (CT): xác định khối u bên trong túi mật cũng như tình trạng di căn của nó.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): phát hiện khối u khi nó mới chỉ phát triển trong túi mật hoặc ngay cả khi nó đã xâm nhập vào gan.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): đặt ống nội qua cổ họng, xuống thực quản, dạ dày và ngược lên ống mật chủ. Nhờ có chất cản quang được tiêm vào đây mà biết được đường đi của ống dẫn mật và phát hiện tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn ống mật. Đây cũng là cách lấy mẫu tế bào hoặc dịch trong người bệnh nhân.
- Sinh thiết: được áp dụng khi những kiểm tra hoặc xét nghiệm trên không có đủ căn cứ để khẳng định ung thư túi mật.
Những thông tin về ung thư túi mật được chia sẻ trên đây hy vọng sẽ hữu ích đối với bạn đọc trong quá trình tìm hiểu về bệnh lý này. Nếu còn băn khoăn nào khác các bạn có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chi tiết và miễn phí.