Troponin T là một thành phần của bộ máy hoạt động của cơ vân. Cơ vân được cấu tạo bởi hai loại sợi cơ: một sợi dày chứa myosin và một sợi mỏng chứa các protein actin, tropomyosin và troponin.
Troponin là một protein có tác dụng điều hòa sự co cơ, gồm ba tiểu đơn vị (subunits) có cấu trúc và chức năng khác nhau là Troponin T (TnT), Troponin I (TnI) và Troponin C (TnC). Troponin T ở cơ tim và cơ xương có những khác nhau nhỏ nhưng rõ rệt về thành phần amino acid và điều này có thể phân biệt bằng phương pháp miễn dịch. Khi cơ tim bị tổn thương, TnT đặc hiệu tim (cardiac TnT: cTnT) được giải phóng khỏi tế bào cơ tim, tăng lên trong huyết tương nên việc định lượng cTnT huyết tương có thể phát hiện tổn thương cơ tim [1, 3].
Hiện nay, hs-cTnT (có tài liệu viết là Troponin T hs) được định lượng bằng phương pháp miễn dịch điện hóa phát quang ECLIA (electrochemiluminescence immunoassay) với 2 kháng thể đơn dòng đặc hiệu cao (monoclonal antibodies) với cTnT người, trên máy phân tích miễn dịch Cobas e của Roche, tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC số 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
1. Chỉ định xét nghiệm Troponin T
Troponin T tim (cardiac TnT-cTnT) với thời gian bán hủy (half-life) khoảng 2 giờ, có thể tăng lên trong huyết tương 3-4 giờ đầu tiên sau nhồi máu cơ tim cấp và tăng đến 2 tuần, nên có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:
1.1. Chỉ định để chẩn đoán và theo dõi diễn biến hội chứng mạch vành cấp (acute coronary syndrome-ACS) với nhồi máu cơ tim cấp (acute myocardial infarction-AMI) có hoặc không có sự kéo dài đoạn ST trên điện tâm đồ và cơn đau thắt ngực không ổn định (unstable angina) [2, 4, 6].
1.2. Chỉ định để dự đoán hậu quả gần, trung bình hoặc lâu dài của bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp .
1.3. Chỉ định để đánh giá hiệu quả của liệu pháp làm tan cục máu (anti-thrombotic therapy) .
1.4. Mức độ tăng của hs-cTnT tỷ lệ thuận với độ nặng của bệnh mạch vành tim (coronary artery disease) nên xét nghiệm này có thể chỉ định để đánh giá mức độ nặng của bệnh này.
1.5. hs-cTnT còn được chỉ định để dự đoán các bệnh lý cơ tim như khả năng xuất hiện hoặc tái phát của rung nhĩ (atrial fibrillation).
Xét nghiệm đánh giá tổn thương cơ tim là bước quan trọng trong chẩn đoán bệnh tim.
2. Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm Troponin T
Ở người bình thường: dưới 50 tuổi, nồng độ hs-cTnT trong huyết tương <14 ng/L; giá trị hs-cTnT tăng theo tuổi, ở người từ 50-75 tuổi là < 16 ng/L và ở người > 75 tuổi là < 70,6 ng/L [5].
Trong nhồi máu cơ tim, sự thiếu oxy gây nên tổn thương màng tế bào. Kết quả là các protein trong tế bào khuếch tán vào mô rồi tràn vào máu. Mức độ tăng của TnT phụ thuộc vào độ lớn của mô bị tổn thương. Mức độ TnT tim sẽ tăng lên trong những giờ đầu sau khi có sự tưới máu lại.
Trong khi các xét nghiệm định lượng cTnT trước đây chỉ phát hiện được những lượng tương đối lớn cTnT (với giá trị cắt là 0,1 μg/L) được giải phóng trong quá trình thiểu máu cục bộ cơ tim (ischaemia) trong hội chứng mạch vành cấp (ACS) thì xét nghiệm TnT hs với giá trị cắt 14 ng/L còn có thể phát hiện được tất cả các dạng tổn thương cơ tim nhẹ hơn xảy ra trong các điều kiện mạn tính như suy tim do tắc nghẽn (congestive cardiac failure), loạn nhịp tim (cardiac arrhythmias) và nghẽn tắc phổi (pulmonary embolus). hs-cTnT cũng tăng trong suy thận mạn và giai đoạn cấp của bệnh phổi mạn tính có tổn thương tim.
Mô tả hình ảnh tim tổn thương.
Trong thực tế lâm sàng, hs-cTnT có thể được chỉ định ở các bệnh nhân có nguy cơ hội chứng mạch vành tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim thấp; còn những bệnh nhân có nguy cơ hội chứng mạch vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp cần lập tức được đưa vào bệnh viện để cấp cứu, rồi tiến hành xét nghiệm sau.
Ở các khoa Hồi sức cấp cứu, hs-cTnT cần được chỉ định ngay khi bệnh nhân vừa được tiếp nhận. TnT hs có nhạy và đặc hiệu cao hơn các xét nghiệm định lượng cTnT khác nên có thể giúp phát hiện tổn thương cơ tim sớm và loại trừ nhồi máu cơ tim chỉ khoảng 3 giờ (thậm chí chỉ 2 giờ) sau tiếp nhận vào khoa Hồi sức cấp cứu [2].
Các trường hợp có thể xảy ra khi xét nghiệm hs-cTnT ở bệnh nhân nghi ngờ tổn thương cơ tim:
- Nếu mức độ hs-cTnT là bình thường (< 14 ng/L), cần phải thử lại sau đó 3-6 giờ. Nếu kết quả vẫn < 14ng/L, không có nhồi máu cơ tim; nếu mức độ hs- cTnT tăng trên 50% giá trị ban đầu là nhồi máu cơ tim cấp.
- Nếu mức độ hs-cTnT ban đầu tăng vừa phải (14 – 53 ng/L), cần phải thử lại sau đó 3-6 giờ, nếu mức độ hs-cTnT tăng trên 50% giá trị ban đầu là nhồi máu cơ tim cấp.
- Nếu mức độ hs-cTnT ban đầu tăng > 53 ng/L, rất có khả năng có sự tổn thương cơ tim, tuy nhiên, vẫn cần thử lại sau đó 3-6 giờ, nếu mức độ hs-cTnT tăng trên 30% giá trị ban đầu, có thể khẳng định là nhồi máu cơ tim cấp. Mức độ hs-cTnT 86,8 ng/L là giá trị cắt hiệu quả nhất để chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp (AMI) ở người già [5].
KẾT LUẬN
1. TnT hs giúp phát hiện hội chứng mạch vành cấp, gồm nhồi máu cơ tim có hoặc không kéo dài đoạn ST và cơn đau thắt ngực không ổn định.
2. Giúp đánh giá dự đoán hậu quả gần, trung bình hoặc lâu dài của hội chứng mạch vành cấp.
3. Giúp đánh giá hiệu quả của liệu pháp làm tan cục máu.
4. Giúp đánh giá mức độ nặng của bệnh mạch vành tim.
5. TnT hs còn giúp dự đoán bệnh lý cơ tim như khả năng xuất hiện hoặc tái phát rung nhĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alpert JS, Thygesen K, Jaffe A, White HD. The universal definition of myocardial infarction: a consensus document: ischaemic heart disease. Heart 2008; 94: 1335-1341.
2. Giannitsis E, Becker M, Kurz K, Hess G, Zdunek D, Katus HA. High-sensitivity cardiac troponin T for early prediction of evolving non-ST-segment elevation myocardial infarction in patients with suspected acute coronary syndrome and negative troponin results on admission. Clin Chem 2010; 56 (4): 642-650.
3. Lindahl B, Diderholm E, Lagerqvist B, Venge P,Wallentin L, nand the FRISC II, investigators. Mechanisms behind the prognostic value of troponin T in unstable coronary artery disease: a FRISC II substudy. J Am Coll Card 2001; 38: 979-986.
4. Melki D, Lind S, Agewall S, and Jernberg T. High sensitive troponin T rules out myocardial infarction 2 hours from admission in chest pain patients. J Am Coll Cardiol 2010; 55: A 118.
5.
Olivieri F,
Galeazzi R,
Giavarina D,
Testa R,
Abbatecola AM,
Ceka A,
Tamburrini P,
Busco F,
Lazzarini R,
Monti D,
Franceschi C,
Procopio AD,
Antonicelli R. Aged-related increase of high sensitive Troponin T and its implication in acute myocardial infarction diagnosis of elderly patients.
Mech Ageing Dev 2012 Mar 16. [Epub ahead of print].
6. Schneider HG. How low can we go: high-sensitivity troponin T in patients presenting with chest pain. Ann Clin Biochem 2011; 48:198 -199.