Vào mùa mưa khi độ ẩm không khí tăng cao là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trên cả nước, bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Do đó, trang bị kiến thức về triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và cách xử lý khi nhiễm bệnh là rất quan trọng. Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu những thông tin này trong bài viết dưới đây.
21/06/2022 | Dịch vụ xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà ở Huế nhanh chóng, chính xác 20/06/2022 | Có cần xét nghiệm sốt xuất huyết không? Nên thực hiện ở bệnh viện nào? 18/06/2022 | Dịch sốt xuất huyết - tính chất nguy hiểm của bệnh, nhận diện và phòng ngừa
1. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Ở nước ta, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào khoảng tháng 7 - 10 cũng là mùa mưa khiến độ ẩm không khí tăng cao, nhiều ao tù nước đọng giúp muỗi vằn sinh sôi. Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết trực tiếp là virus Dengue, chúng tồn tại trong dịch tiết của loài muỗi vằn và xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Sốt xuất huyết thường bùng dịch vào mùa mưa
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện sau khoảng 3 - 5 ngày ủ bệnh kể từ khi nhiễm virus, tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh mà mỗi bệnh nhân có thể có triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết bao gồm:
1.1. Sốt cao
Sốt cao là triệu chứng sốt xuất huyết sớm nhất, người bệnh có thể sốt từ 39 - 40 độ C hoặc cao hơn. Sốt cao do sốt xuất huyết khác với các nguyên nhân bệnh truyền nhiễm khác là thường ít đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường. Sốt cao kéo dài sẽ gây nguy hiểm do vậy cần nhanh chóng hạ sốt cho bệnh nhân.
1.2. Đau đầu dữ dội
Giống như nhiều bệnh do virus khác, sốt xuất huyết do virus Dengue cũng gây triệu chứng nhức mỏi cơ thể, đau nhức khớp và cơ. Trong đó, bệnh nhân sẽ thấy tình trạng đau vùng trán và nhãn cầu dữ dội hơn.
Sốt xuất huyết gây đau nhức đầu dữ dội
1.3. Buồn nôn và nôn
Rối loạn tiêu hóa cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết, biểu hiện bằng tình trạng đau bụng nhiều, nôn nhiều, kém ăn uống,...
1.4. Xuất huyết
Sốt xuất huyết có thể gây xuất huyết ở nhiều vị trí và cơ quan trên cơ thể, biểu hiện bằng tình trạng: xuất hiện chấm đỏ ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,...
1.5. Triệu chứng khác
Ở thể bệnh nặng, người bệnh có nhiều dấu hiệu nguy hiểm như: cơ thể mệt mỏi, li bì, mất ý thức, chân tay lạnh, nhịp tim bất thường, nôn nhiều,... Tình trạng xuất huyết nặng, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan nội tạng hoàn toàn có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
2. Những sai lầm thường gặp khi mắc sốt xuất huyết
Hàng năm, nước ta vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó không ít trường hợp bệnh nặng, xuất hiện biến chứng mới nhập viện điều trị. Cũng có nhiều ca tử vong do biến chứng của sốt xuất huyết do can thiệp điều trị chậm trễ.
Sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nặng do điều trị chậm trễ
Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khiến bệnh sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn và có nguy cơ gây tử vong mà bạn cần tránh.
2.1. Chủ quan không đi khám bệnh khi có triệu chứng
Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá giống với sốt do các bệnh truyền nhiễm do virus thông thường, vì thế mà nhiều người chủ quan không điều trị tích cực. Từ triệu chứng bệnh nhẹ, sốt xuất huyết hoàn toàn có thể biến chuyển nặng nhanh chóng trong một vài ngày và gây biến chứng. Người bệnh không kịp thời đi khám và điều trị có thể gặp nguy hiểm do các biến chứng: xuất huyết nội tạng, tổn thương gan thận, tổn thương não,...
2.2. Cho rằng khi hết sốt là bệnh đã được kiểm soát
Sốt cao là triệu chứng điển hình và thường xuất hiện sớm khi mắc sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng khi hết sốt nghĩa là bệnh đang khỏi dần. Song các chuyên gia cho biết, sau giai đoạn sốt cao mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết.
Thông thường sau khoảng 2- 7 ngày, tình trạng sốt cao sẽ thuyên giảm, người bệnh sẽ thấy dễ chịu hơn nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Đây là thời điểm người bệnh dễ bị giảm tiểu cầu nặng và thoát huyết tương rất nguy hiểm, nhận biết bằng triệu chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu tiêu hóa,...
Nhiều người bệnh chủ quan khi hết sốt nhưng vẫn có thể gặp biến chứng sốt xuất huyết
Do vậy, cả khi hết sốt, người bệnh vẫn cần theo dõi sát sao các triệu chứng, nghỉ ngơi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.3. Cho rằng chỉ mắc sốt xuất huyết 1 lần
Nhiều bệnh nhân đã từng mắc sốt xuất huyết cho rằng bản thân đã có miễn dịch nên không thể mắc bệnh lại. Song thực tế, có đến 4 type virus Dengue gây sốt xuất huyết, người nhiễm sốt xuất huyết sẽ chỉ hình thành kháng thể với type virus đó. Nếu không may nhiễm phải các type virus Dengue còn lại, bạn vẫn mắc bệnh và gặp biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan.
2.4. Sốt xuất huyết chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương, song người lớn cũng có thể mắc sốt xuất huyết và gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Do vậy không nên chủ quan khi có dấu hiệu bệnh mà cần thăm khám và điều trị tích cực.
3. Làm gì khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết?
Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị tùy theo mức độ và giai đoạn bệnh. Các trường hợp bệnh nhẹ thường có thể điều trị tại nhà, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà song cần theo dõi sát sao
Những điều cần làm khi mắc sốt xuất huyết là:
-
Nằm nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức .
-
Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp.
-
Uống nhiều nước, ngoài nước lọc có thể uống nước trái cây hoặc dung dịch Oresol để tránh mất nước do sốt cao.
-
Uống thuốc hạ sốt được chỉ định đúng liều lượng, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt Aspirin hay Ibuprofen.
-
Theo dõi các triệu chứng bệnh, nếu triệu chứng nặng nguy cơ biến chứng cần sớm thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp điều trị.
Hi vọng với những thông tin về triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết trên đây có thể giúp bạn đọc nắm rõ và xử trí đúng cách khi mắc bệnh. Nếu cần tư vấn thêm về xét nghiệm, điều trị sốt xuất huyết, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.