Gan nhiễm mỡ là một trong những tình trạng bệnh lý của gan ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của con người. Việc hiểu biết về bệnh gan bị nhiễm mỡ sẽ giúp người bệnh có thể kiểm soát tình trạng bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn. Bài viết dưới đây MEDLATEC sẽ cung cấp thông tin cơ bản về căn bệnh này cho những ai quan tâm.
16/12/2019 | Bật mí: Gan nhiễm mỡ nên uống nước gì trong quá trình điều trị 05/12/2019 | Tư vấn: Gan nhiễm mỡ kiêng ăn gì để bệnh mau thuyên giảm 12/11/2019 | Giải đáp từ chuyên gia: Gan nhiễm mỡ độ 3 nên ăn gì?
1. Tìm hiểu chung về bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là gì và mức độ nghiêm trọng của nó:
Gan nhiễm mỡ là tình trạng lá gan bị nhiễm mỡ, lượng mỡ trong gan lúc này là trên 5% khối lượng của gan. Ngày nay, chế độ ăn uống và sinh hoạt của con người thay đổi theo chiều hướng xấu, do đó căn bệnh này cũng tăng lên và có hiện tượng trẻ hóa. Đây là một vấn đề nan giải và gây sức ép lớn cho ngành y khoa.
Hình ảnh lá gan bị nhiễm mỡ
Giai đoạn đầu của bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và dễ dàng điều trị. Khi đã bước sang giai đoạn nặng thì chức năng gan sẽ bị suy giảm, có nhiều biến chứng xảy ra:
-
Giảm quá trình chuyển hóa của cơ thể, mỡ càng tích nhiều ở gan hơn trong khi thiếu ở các cơ quan bộ phận khác.
-
Ảnh hưởng đến các chức năng khác của gan: sản sinh kháng thể cho hệ miễn dịch, chức năng tạo máu, tiết men tiêu hóa,…
-
Có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Những nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ:
Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do lượng chất béo có hại tích lũy trong gan quá nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống, dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày:
Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều dầu mỡ khiến gan bị nhiễm mỡ
-
Uống nhiều rượu, hút thuốc lá gây ảnh hưởng chức năng chuyển hóa mỡ của gan gây tích lũy mỡ tại gan quá nhiều.
-
Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, đạm động vật, tinh bột đường, đặc biệt là chất béo không no làm cho cơ thể không chuyển hóa và sử dụng hết, tích lũy ở các mô và ở gan.
-
Chế độ dinh dưỡng bị thiếu vitamin cũng gây nên bệnh gan bị nhiễm mỡ.
-
Người béo phì là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị gan bị nhiễm mỡ.
-
Người bị viêm gan do virus (viêm gan B, C) cũng có thể dẫn đến xơ gan, gan bị nhiễm mỡ.
-
Trong nhiều trường hợp, gan bị nhiễm mỡ là biến chứng của bệnh tiểu đường, bướu cổ, thiếu máu nặng,…
Các triệu chứng của bệnh:
Cũng như các dạng bệnh gan khác, bệnh gan nhiễm mỡ trong giai đoạn đầu rất khó phát hiện hoặc bị người bệnh bỏ qua bởi vì những triệu chứng mơ hồ và không đặc thù. Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn nặng thì bệnh có một số biểu hiện cụ thể như:
-
Mệt mỏi, không muốn vận động.
-
Chán ăn, chướng bụng, vùng bụng phình to ra ở vị trí gan.
-
Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
-
Tiêu hóa kém do giảm hoặc mất khả năng tiết dịch mật để tiêu hóa lipid.
-
Có thể sốt nhẹ, sút cân nhẹ
-
Một số trường hợp nặng gây vàng da, vàng niêm mạc.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh: Ngoài các nguyên nhân gây bệnh đã nêu ở trên thì bệnh này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: tuổi tác (người già dễ mắc bệnh hơn người trẻ), người nghiện rượu bia, thuốc lá, người lười vận động thể dục, người ăn uống không hợp lý (nhịn ăn sáng, hay ăn đồ ăn vặt, thức uống nhiều đường,...).
2. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Để phát hiện bệnh sớm, tốt nhất bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám khi thấy cơ thể có những bất thường dù là nhỏ nhất. Có các phương pháp chẩn đoán bệnh gan bị nhiễm mỡ sau:
-
Khám lâm sàng, kết hợp hỏi bệnh và thăm khám.
-
Siêu âm vùng bụng.
-
Sinh thiết tế bào gan.
-
Xét nghiệm máu kiểm tra hàm lượng mỡ có trong huyết thanh.
-
Kỹ thuật chụp CT gan và MRI.
Kỹ thuật sinh thiết gan
3. Các câu hỏi thường gặp về bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ có lây không?
Khi biết kết quả siêu âm gan nhiễm mỡ thì bạn không nên lo lắng quá. Đây là một bệnh không có khả năng lây từ người này sang người khác. Khác với bệnh viêm gan do virus B, C thì 2 bệnh này là hai bệnh nguy hiểm về gan và có khả năng lây lan dễ dàng qua nhiều con đường. Vì thế, bạn có thể hoàn toàn yên tâm nếu người xung quanh bạn mắc bệnh gan bị nhiễm mỡ, tuy nhiên đối với bệnh viêm gan B, viêm gan C thì nên lưu ý nhé.
Gan nhiễm mỡ có mấy giai đoạn?
Bệnh này gồm 3 giai đoạn chính:
-
Giai đoạn 1: nhiễm mỡ nhẹ. Hàm lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 5 - 10%.
-
Giai đoạn 2: Nhiễm mỡ trung bình. Hàm lượng mỡ chiếm 10 - 25%.
-
Giai đoạn 3: nhiễm mỡ nặng. Hàm lượng mỡ chiếm trên 25% trọng lượng gan.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh này sẽ chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3 và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh này có xảy ra ở trẻ em không?
Ngày nay, số trẻ em bị béo phì, thừa cân càng tăng. Phụ huynh luôn có quan niệm trẻ phải béo mới khỏe được. Tuy nhiên không hẳn là thế. Khi trẻ bị thừa cân quá mức sẽ có thể dẫn đến nhiều bệnh về gan trong đó có bệnh gan bị nhiễm mỡ, trẻ sẽ chậm chạp hơn. Tuy nhiên bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em cũng không quá nguy hiểm nếu bố mẹ biết cách điều trị và chế độ chăm sóc nuôi dạy hợp lý.
Vì thế, nếu bạn đang có con nhỏ thì hãy nuôi dưỡng một cách khoa học: cho ăn uống đủ chất, cung cấp đầy đủ để trẻ có thể phát triển tối đa, tập cho trẻ thói rèn luyện bản thân, tập thể dục để kiểm soát cân nặng của mình.
Nên ăn gì giảm gan nhiễm mỡ nếu mắc bệnh?
Với những ai đang thắc mắc ăn gì giảm gan nhiễm mỡ thì đừng bỏ qua danh sách các thực phẩm được khuyên dùng nếu bị gan nhiễm mỡ và một số bệnh về gan dưới đây:
-
Ăn nhiều trái cây để cung cấp đầy đủ vitamin.
-
Ăn nhiều rau xanh cũng cung cấp vitamin và các dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
-
Ăn nấm và các loại củ quả cũng giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể.
-
Nên uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước có hoạt chất giúp giải độc gan, mát gan, thanh lọc cơ thể như: rau má, râu ngô, trà gừng, trà hoa cúc,…
-
Ngoài ra bạn có thể sử dụng một số thực phẩm chức năng hoặc thuốc để hỗ trợ điều trị bệnh gan bị nhiễm mỡ.
Ăn gì giảm gan nhiễm mỡ - đừng bỏ qua rau củ quả trong thực đơn hàng ngày
Trên đây là những thông tin cung cấp về bệnh gan nhiễm mỡ. Như vậy, nếu kết quả gan nhiễm mỡ thì người bệnh không nên lo lắng quá. Hãy chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày và thăm khám định kỳ để có phương hướng điều trị bệnh hiệu quả. Nếu bạn có thắc mắc gì thêm, vui lòng liên hệ với MEDLATEC chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và giải đáp miễn phí.