Không chỉ mang tính thẩm mỹ, mi mắt còn có tác dụng bảo vệ đôi mắt khỏi các yếu tố bên ngoài. Nếu bộ phận này không thể đóng kín hoàn toàn thì hoạt động của mắt có thể bị ảnh hưởng. Vậy, bạn nên làm gì để chữa hở mi mắt? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu một cách chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và các giải pháp khắc phục tình trạng này nhé!
15/10/2021 | Phải làm sao để khắc phục tình trạng mắt nhìn mờ sau mổ mắt lác? 14/10/2021 | Lòng trắng mắt có nhiều tia máu đỏ là do bệnh gì? 15/08/2020 | Viêm kết mạc mi mắt do dị ứng có nguyên nhân do đâu?
1. Hở mi mắt là gì?
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là cơ quan tiếp nhận ánh sáng giúp con người nhìn thấy mọi vật xung quanh. Tuy nhiên, cơ quan này rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi các tác động của môi trường. Do đó, các thành phần bên trong mắt nhất là giác mạc cần được bảo vệ và che chở bởi các bộ phận khác như: lông mày, lông mi,…
Đặc biệt, mi mắt có thể tự động đóng kín nhằm ngăn chặn bụi bẩn, các vật lạ bay vào. Đồng thời thông qua phản xạ chớp mi liên tục, tuyến lệ sẽ điều tiết nước mắt và dàn đều khắp lòng đen và lòng trắng. Do đó, mắt được cung cấp đầy đủ độ ẩm nên luôn trơn ướt, không bị khô và nhìn ngắm mọi vật một cách rõ ràng.
Trong trường hợp bị hở, mi mắt sẽ không thể khép kín hoàn toàn như bình thường. Lúc này chức năng bảo vệ giảm sút, dị vật, bụi bẩn,… bên ngoài có thể xâm nhập vào mắt gây tổn thương và nhiễm trùng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Khi mi mắt không thể khép kín hoàn toàn, các dị vật, bụi bẩn,… bên ngoài sẽ dễ dàng xâm nhập vào mắt và gây ảnh hưởng đến thị lực
Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây hở mi mắt rất phức tạp, để có biện pháp khắc phục hiệu quả bạn nên tìm hiểu lý do tại sao mi mắt của mình không thể khép kín hoàn toàn.
-
Dây thần kinh vận động của mi mắt bị liệt, gây ảnh hưởng đến phản xạ đóng, mở tự nhiên.
-
Chấn thương mạnh làm tổn thương cơ mặt, cấu trúc tại vùng mắt,…
-
Rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ, mất ngủ cũng ảnh hưởng đến phản xạ khép mở mi mắt.
-
Mắc phải các bệnh về mắt như: lồi hoặc lõm mắt, có sẹo, khối u trong mắt,…
-
Thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cắt da thừa, lấy mỡ mắt nhưng gặp biến chứng ngay sau đó.
Biểu hiện:
Vậy làm sao để phát hiện mình bị hở mi mắt, dựa vào các triệu chứng dưới đây bạn sẽ nhận biết được tình trạng này.
-
Khi đang ngủ, người khác vẫn nhìn thấy mi mắt của bạn đang mở và không hề khép kín hoàn toàn.
-
Hình dạng mi mắt biến đổi, chức năng điều tiết nước mắt của tuyến lệ bị rối loạn gây hiện tượng khô, nhìn mờ và khó chịu ở mắt.
-
Bề mặt nhãn cầu bị lộ ra tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi, dị vật rơi vào làm tổn thương và nhiễm trùng mắt. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy ngứa ngáy ở mắt nên thường đưa tay lên để dụi mắt.
2. Hở mi mắt có thể dẫn đến biến chứng gì?
Mi mắt là bộ phận quan trọng thực hiện chức năng bảo vệ mắt, do đó dù bị hở với mức độ nhỏ hay lớn cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đôi mắt.
Khi bị hở mi mắt, phản xạ chớp mở sẽ không hoạt động một cách bình thường. Điều này khiến lượng nước cung cấp cho mắt bị thiếu hụt, nếu để kéo dài mắt sẽ bị khô mỏi, khó chịu và mờ đục dần.
Đồng thời, mi mắt không đóng kín sẽ tạo điều kiện cho dị vật dễ rơi vào bên trong và dẫn đến tình trạng viêm loét giác mạc, kết mạc,… từ đó làm suy giảm thị giác. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì bạn sẽ có nguy cơ bị mù lòa suốt đời. Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu của hở mi mắt bạn nên tìm gặp bác sĩ để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh những biến chứng không mong muốn.
Mi mắt không đóng kín sẽ tạo điều kiện cho dị vật dễ rơi vào bên trong và dẫn đến tình trạng viêm loét giác mạc, kết mạc,…
3. Phương pháp chữa hở mi mắt
Để chữa hở mi mắt, trước hết bạn phải xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Nếu dây thần kinh vận động ở mi mắt bị tê liệt thì bạn có thể áp dụng phương pháp châm cứu. Bằng cách dùng kim tác động vào các vị trí huyệt tương ứng, để kích thích phản xạ đóng mở trở lại bình thường.
Trong trường hợp chấn thương mạnh hoặc cấu trúc mắt bị dị tật, bạn nên tìm đến các trung tâm uy tín để chữa hở mi mắt hiệu quả. Ở mức độ hở nặng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện phẫu thuật. Đây được đánh giá là phương pháp đem lại hiệu quả cao, không tái phát và không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Sau khi phẫu thuật xong, bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn các biện pháp vệ sinh và chăm sóc mắt một cách cẩn thận.
Ngoài ra khi mắc phải những bệnh liên quan đến mắt do mi mắt hở, bạn nên tiến hành điều trị sớm, tránh tình trạng tiến triển nặng hơn.
Phẫu thuật là phương pháp chữa hở mi mắt đem lại hiệu quả cao, không tái phát và không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm
Cách chăm sóc và bảo vệ mắt:
Để mắt nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc và bảo vệ mắt dưới đây:
-
Làm vệ sinh mắt sạch sẽ hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
-
Để giữ ẩm và cung cấp đủ nước cho mắt, trước khi ngủ bạn có thể sử dụng mỡ kháng sinh hoặc các loại gel nhỏ mắt như: Corneregel, Liposic, nước mắt nhân tạo…
-
Khi ra đường bạn nên đeo kính bảo hộ, đồng thời dùng băng vải che kín mắt khi ngủ để hạn chế tình trạng dị vật bay vào mắt.
-
Không để mắt tiếp xúc với các kích thích như: nguồn ánh sáng mạnh,…
Để nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật, bạn nên làm vệ sinh mắt sạch sẽ bằng cách sử dụng nước muối sinh lý 0,9%
Mong rằng, sau khi đọc xong bài viết bạn sẽ có những hiểu biết nhất định về tình trạng hở mi mắt. Nếu phát hiện mi mắt không khép kín được, bạn nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp xử lý kịp thời. Dựa vào các cách chữa hở mi mắt mà chúng tôi chia sẻ, hy vọng bạn sẽ lựa chọn được phương pháp phù hợp. Để mắt nhanh chóng hồi phục, bạn nên có biện pháp chăm sóc và bảo vệ một cách cẩn thận.