Không chỉ những trẻ thấp còi mà ngay cả những trẻ thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân béo phì mà vẫn suy dinh dưỡng ở trẻ thường là do cha mẹ chưa cân đối các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn mỗi ngày của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, đồng thời là những hướng dẫn giúp các bậc phụ huynh có thể chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tốt hơn, giúp trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh.
09/09/2021 | Chuyên gia chia sẻ cách khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ 16/06/2020 | Đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng với xét nghiệm Prealbumin 11/11/2014 | 80% bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nằm viện
1. Nguyên nhân béo phì mà vẫn suy dinh dưỡng ở trẻ
1.1. Nguyên nhân béo phì mà vẫn suy dinh dưỡng ở trẻ
Rất nhiều trẻ có thể trạng béo tốt nhưng bên trong lại bị thiếu máu, thiếu vitamin D, thiếu canxi, còi xương,… Đây còn được gọi là tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì. Một số nguyên nhân béo phì mà vẫn suy dinh dưỡng ở trẻ là:
- Vì mẹ không đủ sữa hoặc vì một vài lý do khác khiến cho trẻ phải uống sữa công thức mà không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Điều này khiến cho bé không nhận được nhiều chất dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ, đặc biệt là lượng canxi trong sữa mẹ.
Mẹ cho con ăn quá nhiều thức ăn nhanh cũng chính là nguyên nhân béo phì mà vẫn suy dinh dưỡng ở trẻ
- Một số các bậc phụ huynh có tâm lý lo lắng thái quá nên kiêng cữ quá mức cho trẻ khiến trẻ không được thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để hấp thụ vitamin D và dẫn tới thiếu vitamin D. Khi thiếu vitamin D thì khả năng hấp thụ canxi của trẻ cũng kém hơn rất nhiều.
- Những trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi) sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa và không thể hấp thụ canxi một cách tốt nhất, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cả hệ thống xương và có nguy cơ bị còi xương.
- Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng là do cha mẹ áp dụng cho con một chế độ ăn không cân đối. Mẹ cho con ăn quá nhiều chất đạm, tinh bột và chất béo, chẳng hạn như cơm, bánh mì, đồ ăn nhanh, nước ngọt,… nhưng lại quên bổ sung các loại thực phẩm có chứa vitamin D và canxi cho con. Hoặc cũng có thể do mẹ lựa chọn những loại sữa không phù hợp với trẻ.
Khi bé được bổ sung quá nhiều chất đạm, chất béo có thể dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng và cơ thể sẽ có xu hướng tích trữ mỡ nhiều hơn, cuối cùng dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
1.2. Những triệu chứng trẻ béo phì bị suy dinh dưỡng
Thông thường, rất khó để phát hiện trẻ béo phì bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc con, nếu thấy trẻ thừa cân béo phì kèm theo những triệu chứng dưới đây, mẹ nên đưa con đi khám sớm để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bé một cách tốt nhất:
- Trẻ thường xuyên quấy khóc.
- Trẻ ngủ không sâu giấc, hay bị giật mình trong khi ngủ.
- Trẻ thường xuyên bị ra mồ hôi trộm.
- Trẻ chậm mọc răng, chậm nói và chậm đi.
- Thóp của trẻ mềm và chậm liền.
Trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì không được điều trị sớm có thể gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ béo phì có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp, bệnh còi xương, loãng xương,… Trong tương lai, trẻ béo phì bị suy dinh dưỡng có thể gặp phải tình trạng biến dạng lồng ngực, vẹo cột sống, chân đi vòng kiềng,… Đây là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ về lâu dài.
2. Phải làm sao để con phát triển cân đối?
Để con phát triển cân đối, mẹ cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng ngay từ giai đoạn thai kỳ cho đến những năm tháng đầu đời của trẻ. Cụ thể như sau:
- Trong suốt giai đoạn mang thai, mẹ cần bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của thai nhi.
- Sau sinh, trẻ cần được bú mẹ càng sớm càng tốt để nhận được nguồn sữa non với nhiều chất dinh dưỡng quý giá.
- Sau đó, trẻ nên được bú sữa mẹ trong 12 tháng đầu đời để nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ. Đồng thời bú sữa mẹ cũng giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
Mẹ nên khuyến khích con ăn nhiều trái cây và rau củ
- Mẹ nên lựa chọn thời điểm ăn dặm phù hợp cho con. Thông thường, độ tuổi ăn dặm tiêu chuẩn ở mỗi trẻ là 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể quan sát một số biểu hiện của trẻ để quyết định thời điểm ăn dặm phù hợp, chẳng hạn như cân nặng của trẻ tăng gấp đôi sau sinh, trẻ có thể giữ thẳng đầu và ngồi vào ghế ăn dặm, trẻ biết đưa môi dưới để nhận thức ăn, trẻ không còn phản xạ đẩy lưỡi khi thấy vật lạ, trẻ hào hứng với thức ăn,… Mẹ không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm để phòng tránh nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì.
- Khi trẻ bước sang giai đoạn ăn dặm mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con.
- Đối với những trẻ dưới 3 tuổi, mẹ cần cho con ăn cân đối những thực phẩm có chứa nhiều đạm, canxi, sắt, chất béo,…
- Trong trường hợp trẻ bị thừa cân, béo phì, cha mẹ nên xem lại chế độ ăn của trẻ. Nên điều chỉnh cho trẻ có một chế độ ăn cân đối hơn. Mẹ bổ sung nhiều rau xanh, trái cây trong mỗi bữa ăn của trẻ, đồng thời chỉ cho con ăn vừa phải các chất đạm, tinh bột và chất béo.
Khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn để tránh nguy cơ béo phì
- Mẹ nên khuyến khích con vận động thể chất: Thường xuyên tập luyện không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn có thể duy trì một vóc dáng cân đối, phòng ngừa nguy cơ thừa cân, béo phì. Mẹ có thể cho con tham gia một số môn thể thao như đạp xe, bơi, chạy bộ,…
- Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, bim bim, nước ngọt có gas,… là nhiều món khoái khẩu của các bé. Nhưng mẹ không nên chiều theo sở thích này của trẻ vì đây là những thực phẩm nhiều chất béo nhưng lại nghèo dưỡng chất và làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ.
- Mẹ nên cho trẻ tắm nắng sớm hàng ngày để hấp thụ vitamin D tự nhiên từ ánh nắng ánh mặt trời.
Với những thông tin trên, mẹ đã hiểu hơn về nguyên nhân béo phì mà vẫn suy dinh dưỡng ở trẻ để có thể chăm sóc con một cách tốt hơn. Mẹ có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, để các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề dinh dưỡng cho trẻ.