Tiểu đêm nhiều khi bạn đang trong giấc ngủ khiến bạn phải thức giấc đi vệ sinh, dẫn đến gián đoạn giấc ngủ và từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe. Tiểu đêm nhiều khác với tình trạng đái dầm vào đêm ở trẻ, nguyên nhân và cách khắc phục là khác nhau. Vậy tiểu đêm nhiều là bệnh gì và khắc phục như thế nào?
08/05/2022 | Tiểu buốt tiểu rắt nguyên nhân do đâu? Điều trị như thế nào? 11/01/2022 | Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ tiểu buốt tiểu rắt 02/04/2021 | 6 nguyên nhân tiểu rắt ở nam giới điển hình, phổ biến nhất
1. Tiểu đêm nhiều là bệnh gì?
Người trưởng thành khỏe mạnh hầu như không bị tiểu đêm, nhiều người luyện tập được thói quen tốt đi tiểu trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon và ngủ một mạch tới sáng. Tuy nhiên, do nguyên nhân từ hệ bài tiết hoặc thần kinh, bạn có thể bị tiểu đêm nhiều gây thức giấc, tần suất nhiều hơn 1 lần trong 1 giấc ngủ ban đêm.
Tiểu đêm nhiều ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ
Tần suất đi tiểu đêm nhiều có thể đi kèm với triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân như: tiểu buốt, tiểu rát, thường xuyên buồn tiểu nhưng tiểu ít, tiểu ra mủ và máu,...
Tình trạng tiểu đêm nhiều thường gặp ở người cao tuổi, nguyên nhân do cơ quan hệ tiết niệu bị lão hóa và suy giảm chức năng. Ngoài ra, người cao tuổi thường có giấc ngủ ngắn, không sâu giấc dẫn đến thường bị buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần.
Chứng tiểu đêm nhiều thường gặp ở người cao tuổi
Tiểu đêm nhiều lần gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ, nếu không sớm khắc phục sẽ khiến bạn mệt mỏi thiếu ngủ kéo dài. Muốn khắc phục được chứng bệnh này, cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu đêm nhiều.
2. Những nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều
Có rất nhiều nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều, trong đó có cả nguyên nhân sinh lý và bệnh lý như sau:
2.1. Tiểu đêm nhiều do mất cân bằng dịch
Mất căng bằng dịch xảy ra khi bạn uống quá nhiều nước hoặc rượu bia, mắc bệnh đái tháo đường, tăng canxi huyết, suy thận mạn,... khiến lượng tiểu tạo ra lớn hơn 40 ml/kg/24 giờ. Lượng nước tiểu tạo ra lớn khiến bàng quang nhanh đầy, đặc biệt nếu bàng quang đầy vào ban đêm thì hệ thần kinh kích thích khiến bạn thức giấc và phải đi tiểu.
Tiểu đêm nhiều về đêm hầu hết do thói quen uống nhiều nước gần đến giờ đi ngủ, nhất là thức uống chứa cồn và cafein. Nguyên nhân này khá dễ khắc phục cải thiện, bạn hãy thử giảm lượng nước uống trước khi đi ngủ. Nếu tần suất đi tiểu vào ban đêm không giảm, bạn nên cân nhắc đi khám bác sĩ bởi nguyên nhân có thể phức tạp hơn.
Tiểu đêm nhiều thường do uống nhiều nước hoặc rượu bia trước khi đi ngủ
2.2. Tiểu đêm nhiều do nguyên nhân thần kinh
Dung tích bàng quang trung bình là từ 300 - 400ml chất lỏng, khi bàng quang đầy, hệ thần kinh bị kích thích và não bộ phát ra tín hiệu khiến bạn buồn tiểu. Tuy nhiên, một số vấn đề thần kinh có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát này, làm ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.
Một số bệnh thần kinh thường gây tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm bao gồm: hội chứng chèn ép tủy sống, bệnh đái tháo đường, Parkinson, xơ cứng rải rác từng đám,...
Ở nữ giới, bên cạnh nguyên nhân do tắc nghẽn bàng quang thì nguyên nhân thần kinh là phổ biến nhất gây tiểu đêm nhiều.
2.3. Chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ và các dạng rối loạn giấc ngủ có thể là nguyên nhân gây chứng tiểu đêm nhiều. Thực tế ghi nhận, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có tỉ lệ và tần suất tiểu đêm nhiều gấp nhiều lần bình thường, do vậy cần điều trị chứng bệnh này để cải thiện tình trạng tiểu đêm.
2.4. Tiểu đêm do rối loạn đường tiểu dưới
Trong suốt nhiều giờ ngủ vào ban đêm, cơ thể cần chức năng cô đặc nước tiểu để duy trì giấc ngủ, không bị cảm giác buồn tiểu làm phiền. Tuy nhiên, chức năng này thường kém hiệu quả hơn theo tuổi tác, ngoài ra cũng bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý như: phì đại tuyến tiền liệt, bệnh tiết niệu, viêm nhiễm, viêm bàng quang,...
Rối loạn đường tiểu giới khiến người già thường bị tiểu đêm nhiều
2.5. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Bệnh lý này còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt, rất phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi và được cho là nguyên nhân hàng đầu gây tiểu đêm nhiều. Đây là bệnh lý lành tính, có đến 50% nam giới độ tuổi 51 - 60 mắc phải, tỉ lệ này lên tới 90% ở nam giới trên 80 tuổi.
Khi tuyến tiền liệt bị phì đại, dòng chảy nước tiểu bị tắc nghẽn, ngoài ra thành bàng quang cũng dày lên khiến người bệnh khó làm trống nước tiểu hoàn toàn.
Có thể điều trị chứng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt bằng nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa, điều trị hiệu quả sẽ giúp nam giới giảm chứng tiểu đêm nhiều cùng các triệu chứng khác của bệnh.
2.6. Ảnh hưởng của thuốc điều trị
Một số loại thuốc điều trị có thể là nguyên nhân gây chứng tiểu đêm nhiều, trong đó thường gặp nhất là thuốc lợi tiểu trong điều trị tăng huyết áp hoặc điều trị phù ngoại biên ở mắt cá, bàn chân. Cụ thể bao gồm: Lithium, Phenytoin, Furosemide, Demeclocycline,...
Như vậy, tiểu đêm nhiều có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do mất cân bằng dịch hoặc do tuổi già bị mất ngủ và khả năng kiểm soát yếu. Tùy theo nguyên nhân mà bệnh nhân có thể khắc phục điều trị bằng các phương pháp khác nhau.
3. Biện pháp khắc phục tiểu đêm nhiều
Muốn khắc phục tình trạng tiểu đêm nhiều thì việc tìm ra chính xác nguyên nhân có vai trò quan trọng hàng đầu, người bệnh có thể thử cải thiện bằng các biện pháp không dùng thuốc sau:
Nên hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ
-
Hạn chế uống thức uống hoặc thực phẩm gây kích ứng bàng quang, tăng cảm giác buồn tiểu nhất là trước khi đi ngủ như: trà, đồ uống có gas, bia, cà phê, thực phẩm ngọt hoặc cay nóng,...
-
Xây dựng một lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc và đúng giờ, ít lo nghĩ, căng thẳng.
-
Phụ nữ sau sinh tập bài tập Kegel để tăng cường cơ vùng chậu, lấy lại cảm giác khi đi tiểu và cải thiện sức khỏe sinh lý.
Nếu đã áp dụng các biện pháp khắc phục trên nhưng chứng tiểu đêm nhiều không được cải thiện thì bạn nên đi khám sớm. Bác sĩ sẽ cần thăm khám, kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và chấm dứt sớm tình trạng này, đảm bảo giấc ngủ và sức khỏe lâu dài cho người bệnh.
Nếu có thắc mắc khác về tiểu đêm nhiều là bệnh gì hoặc cần thăm khám để biết chính xác nguyên nhân tiểu đêm, quý khách hàng hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.