Thoát vị bẹn phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới, có thể gây đau khiến người bệnh khó chịu, sức khỏe, cuộc sống và sinh hoạt chịu nhiều ảnh hưởng. Đây là bệnh lý như thế nào, hình thành do đâu, có triệu chứng ra sao, nên khám bác sĩ khi nào,... sẽ được giải đáp ngay sau đây.
14/11/2020 | Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh và những điều cha mẹ nên biết 23/09/2020 | Thoát vị bẹn là bệnh như thế nào khi mắc có nguy hiểm không? 17/09/2020 | Bệnh thoát vị bẹn - những biến chứng không thể bỏ qua
1. Bệnh thoát vị bẹn là gì, do đâu mà có?
Thoát vị bẹn là hiện tượng xuất hiện túi phình ở vùng bẹn do một phần của ruột hoặc mỡ mạc treo đi xuyên qua một khu vực yếu của thành bụng để đến ống bẹn. Ống bẹn nối với bộ phận sinh dục, nằm hai bên bụng dưới. Khi một phần của ruột hay mỡ của mạc treo đi qua đây sẽ tạo ra một chỗ phình.
Thoát vị bẹn là tình trạng xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn
Bệnh thoát vị bẹn thường có 2 dạng:
- Thoát vị bẹn trực tiếp: hình thành theo thời gian do thành bụng bị yếu nên tạng thoát vị có cơ hội đi qua đây. Những người ho kéo dài, làm việc nặng gắng sức, táo bón thường xuyên, tiểu khó do u xơ tuyến tiền liệt,... rất dễ bị bệnh này. Nam giới trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do lão hóa hoặc cơ bụng bị căng quá mức.
- Thoát vị bẹn gián tiếp: bệnh hình thành ngay từ khi sinh ra bởi thành bụng có sự bất thường. Đây gọi là tình trạng thoát vị bẹn bẩm sinh vì bình thường ống phúc tinh mạc bị bít lại sau khi sinh nhưng trong trường hợp này thì tạng thoát vị đi qua ống phúc tinh mạc từ trước khi sinh.
1.2. Nguyên nhân gây thoát vị bẹn
Nguyên nhân chính gây ra thoát vị bẹn là do thành bụng bị yếu. Những yếu tố được xem là nguy cơ gây ra tình trạng này gồm:
- Ngành nghề: những công việc cần đứng trong thời gian dài hoặc lao động nặng rất dễ bị thoát vị bẹn.
- Giới tính: nguy cơ thoát vị bẹn ở nam giới cao hơn so với nữ giới.
- Tiền sử gia đình: nếu gia đình có người thân từng bị bệnh lý này thì bạn cũng có nguy cơ rất cao.
- Mắc một số bệnh: khả năng thoát vị bẹn cao ở những người mắc bệnh mạn tính như táo bón, ho,...
- Mang thai: quá trình mang thai có thể khiến cho cơ bụng bị suy yếu và làm tăng áp lực trong ổ bụng từ đó gây ra thoát vị bẹn.
2. Triệu chứng và biến chứng của bệnh thoát vị bẹn
2.1. Triệu chứng
Thường thì các trường hợp bị thoát vị bẹn đều không có triệu chứng rõ ràng nhưng khi đã có thì sẽ khởi phát với cảm giác đau hoặc tức vùng bẹn. Bệnh càng kéo dài thì càng phát sinh thêm triệu chứng khác như:
- Một hoặc hai bên háng bị phình to nhưng hiện tượng này sẽ giảm hoặc mất khi nằm xuống.
- Bìu của nam giới bị giãn lớn.
- Cơ vùng chậu yếu, phải chịu áp lực như có gì đó đè nén.
Tại chỗ bị phình ở bẹn, người bệnh thường cảm thấy đau rát
- Tại chỗ phình có tiếng sôi ruột, rát, đau.
- Khi ho, vặn mình, nâng vật nặng hoặc tập thể dục có cảm giác khó chịu, đau nhói ở chỗ háng bị phình lên.
2.2. Biến chứng
Do sự xuất hiện của thoát vị bẹn mà một phần của ruột bị mắc kẹt lại trong thành bụng và khiến cho lưu lượng máu đến phần này của ruột giảm xuống. Nếu không hồi phục nhanh chóng lượng máu cung cấp cho ruột thì nguy cơ hoại tử phần ruột thoát vị là rất cao.
Bệnh thoát vị bẹn khi không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến thoát vị nghẹt tức là ruột hoặc mạc nối lớn bị mắc kẹt trong túi thoát vị, khối thoát vị không thể đẩy lên được nên người bệnh rất đau đớn. Không những thế, thoát vị bẹn còn có thể là yếu tố thuận lợi gây teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh, hoại tử tinh hoàn,... khiến nam giới bị vô sinh.
Đối với nữ giới, thoát vị bẹn tuy không ảnh hưởng tới khả năng thụ thai, nhưng mắc bệnh trong quá trình mang thai thì những áp lực của ổ bụng sẽ khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nếu can thiệp y tế trong thời kỳ này sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định đến cả mẹ và bé. Do đó, phụ nữ bị thoát vị bẹn cần được điều trị khỏi bệnh trước khi mang thai.
3. Thăm khám và xử trí
Chính vì những biến chứng khôn lường như đã nói đến ở trên nên các chuyên gia y tế khuyên rằng, hãy chủ động đi khám bác sĩ nếu:
- Kích thước của khối phình bên háng gia tăng.
- Cảm thấy đau nhói, nặng nề thường xuyên ở vùng chậu.
- Thoát vị ở trẻ em.
- Sốt, buồn nôn kéo dài.
Người bệnh cần quan sát, ghi nhớ và miêu tả đầy đủ các triệu chứng mà mình đang gặp phải với bác sĩ thăm khám. Đặc biệt trong số đó, cần cung cấp các thông tin: khối phình đã xuất hiện được bao lâu, có gây đau không, có thay đổi về kích thước không.
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến trong điều trị thoát vị bẹn
Thường thì khi thăm khám, bác sĩ sẽ tạm thời đẩy thoát vị trở lại vị trí ban đầu. Nếu thấy cần chẩn đoán phân biệt bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, chụp CT bụng chậu để kiểm tra thoát vị và loại trừ các tình trạng khác.
Bệnh thoát vị bẹn không thể tự khỏi nhưng không có nghĩa là mọi trường hợp mắc bệnh đều cần phải phẫu thuật. Nếu có thể xoa bóp và đẩy thoát vị bẹn trở lại vị trí ban đầu thì không cần áp dụng phẫu thuật nhưng khi nó tăng về kích thước, gây ra triệu chứng, mắc kẹt bên ngoài thành bụng, thoát vị nghẹt ruột thì sẽ phải phẫu thuật ngay. Mặt khác, cũng có trường hợp bệnh nhân phải dùng đến lưới chống thoát vị như một giải pháp lâu dài.
Tình trạng bệnh lý của mỗi bệnh nhân không giống nhau. Vì thế, hãy chủ động trao đổi với bác sĩ về triệu chứng của mình để được thăm khám và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Nếu điều trị từ sớm, thoát vị bẹn vẫn có thể được chữa khỏi một cách dễ dàng. Sau khi phẫu thuật người bệnh có khả năng hồi phục hoàn toàn rất cao. Để tránh nguy cơ tái phát, người bệnh cần tránh lao động nặng, thể dục gắng sức.
Bạn có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để thăm khám và điều trị thoát vị bẹn bởi đội ngũ bác sĩ đầu ngành với phương pháp trị liệu tiên tiến nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để chia sẻ triệu chứng mà mình đang mắc phải, chuyên viên y tế của bệnh viện sẽ gửi tới bạn những lời khuyên cần thiết và xác đáng.