Bệnh Glocom là hiện tượng bị tăng nhãn áp khiến hệ thần kinh thị giác bị tổn thương. Bệnh không chỉ khiển người bệnh cảm thấy khó chịu, mắt mờ dần, nếu không được chữa trị lâu ngày còn có thể dẫn tới mù lòa.
Đến khám với lý do đau nhức mắt và nhìn mờ, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh "Glocom thể mi"
Bệnh nhân N.H.N, nam, 33 tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với lý do mắt trái đau nhức, nhìn mờ nhẹ kèm theo đau đầu. Sau khi kiểm tra thị lực phát hiện:
- Mắt phải (MP): 20/20, mắt trái (MT): 20/25.
- Nhãn áp MP: 19 mmHg, MT: 27 mmHg.
Khám mắt thấy: MP: Yên, MT: kết mạc cương tụ, giác mạc phù phát hiện 3-4 tủa ở sau giác mạc, kích thước 3-5 mm, màu trong, ít sắc tố, đồng tử tròn, giãn 4 mm, thể thủy tinh bình thường, tỷ lệ C/D=0,3.
Bệnh nhân được chẩn đoán: MP: Bình thường, MT: Glocom thể mi hay Hội chứng Posner Schlossman và được điều trị nội khoa theo phác đồ: hạ nhãn áp (ưu tiên nhóm beta blocker), giảm viêm corticosteroid, non-steroid ưu tiên nhóm thấm sâu nội nhãn, tăng cường dinh dưỡng.
Bệnh nhân N.H.N nằm trong những trường hợp khá phổ biến mắc chứng Glocom trên thế giới hiện nay. Hội chứng này cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa không hồi phục. Bệnh đặc trưng bởi sự chết dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến mất thị trường và mù lòa không hồi phục.
Hình ảnh minh họa mắt bị bệnh glocom
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, glocom được chia thành 2 thể là glocom nguyên phát và thứ phát. Trong đó, glocom thể mi là một hình thái rất hiếm gặp trong glocom thứ phát. Tỷ lệ mắc là 1,9/100.000.
Đôi nét về hội chứng Glocom thể mi (Posner-Schlossman)
Hội chứng Posner-Schlossman hay Glocom góc mở thứ phát do viêm thể mi cấp, được phát hiện vào năm 1948 bởi hai nhà khoa học là Posner & Schlossman. Bệnh lý này thường gặp ở người trưởng thành ở độ tuổi từ 20-50 tuổi. Bệnh thường ở một mắt nhưng cũng có khi ở hai mắt.
Nguyên nhân của bệnh hiện tại chưa rõ ràng, tuy nhiên một số tác giả trên thế giới đã đưa ra vài giả thuyết như: H.Pylori, HSV/VZV, CMV, yếu tố tự miễn.
Dấu hiệu nhận biết:
- Cơn tăng nhãn áp cấp tái diễn thành từng đợt, có thể gây ra phù giác mạc và bệnh nhân có cảm giác đau tức nhẹ, nhìn mờ nhẹ, nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ. Các cơn cấp thường tự hết sau vài ngày.
Tăng nhãn áp là một trong những dấu hiệu cảnh báo có thể bị bệnh glocom thể mi
- Kèm theo những dấu hiệu viêm nhẹ ở trong mắt.
- Khám kính hiển vi thấy tủa ở sau giác mạc, thường chỉ 1-2 tủa kích thước 3-5 mm, màu trong, ít sắc tố.
- Một số bệnh nhân: thị trường giảm, xuất hiện glôcôm góc mở mạn tính.
Một số tài liệu tham khảo:
1. Paivonsalo-Hietanen T, Tuominen J, Vaahtoranta-Lehtonen H, et al. Incidence and prevalence of different uveitis entities in Finland. Acta Ophthalmol Scand. Feb 1997;75(1):76-81.
2. Posner A, Schlossman A. Syndrome of unilateral recurrent attacks of glaucoma with cyclitic symptoms. Arch Ophthalmol. 1948 Apr;39(4):517-35
3.Harrington JR. Posner-Schlossman syndrome: a case report. J Am Optom Assoc 1999 Nov;70(11):715-23.
4. Otasevic L, Walduck A, Meyer TF, Aebischer T, Hartmann C, Orlic N, Pleyer U. Helicobacter pylori infection in anterior uveitis. Infection. 2005 Apr;33(2):82-5.
5. Takusagawa HL, Liu Y, Wiggs JL. Infectious theories of Posner-Schlossman syndrome. Int Ophthalmol Clin. Fall 2011;51(4):105-15.
6. Paivonsalo-Hietanen T, Tuominen J, Vaahtoranta-Lehtonen H, et al. Incidence and prevalence of different uveitis entities in Finland. Acta Ophthalmol Scand. Feb 1997;75(1):76-81.