Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tiêm ngừa vắc xin COVID-19 là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng về các tác dụng phụ không mong muốn sau tiêm vắc xin. Để giúp Quý khách hàng có thêm những thông tin hữu ích, hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây qua sự giải đáp của bác sĩ chuyên khoa BVĐK MEDLATEC.
27/08/2021 | Giải đáp nỗi lo: tiêm vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không? 27/08/2021 | Hỏi đáp: Sau tiêm có kháng thể Covid-19 thấp có phải tiêm vắc xin lại không? 26/08/2021 | Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 25/08/2021 | Khuyến cáo: Những điều cần chú ý khi tiêm vắc xin phòng COVID-19
Tác dụng phụ nhẹ sau tiêm là điều bình thường
Theo BSCKI Bùi Văn Hải - Trưởng khoa Nội, BVĐK MEDLATEC chia sẻ: Phản ứng sau tiêm chủng hay tác dụng phụ sau tiêm vắc xin được định nghĩa là hiện tượng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện tại chỗ tiêm và toàn thân.
Phản ứng sau tiêm chủng chủng vắc xin COVID-19
Cũng như các loại vắc xin khác, sau tiêm vắc xin COVID-19, người được tiêm có thể gặp phải phản ứng nhẹ sau tiêm là hoàn toàn bình thường bởi điều này chứng tỏ vắc xin đang hoạt động hiệu quả kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch.
Giải thích rõ hơn về cơ chế tạo ra miễn dịch của vắc xin, bác sĩ Hải cho biết Giải thích tại sao tác dụng phụ nhẹ sau tiêm vắc xin là điều bình thường, bác sĩ Hải cho biết: Cơ thể có một cơ chế tự bảo vệ, khi gặp kháng nguyên lạ sẽ kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có cấu trúc gồm 4 protein trong đó có protein S trên bề mặt virus. Sau khi tiêm, vắc xin “dạy” tế bào của chúng ta tạo ra các bản sao của protein S từ đó kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể nhận diện mục tiêu và chống lại virus giúp cơ thể không bị nhiễm bệnh nếu sau này tiếp xúc với chúng.
Bác sĩ Hải cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19, ngoài việc tự theo dõi tại nhà, người dân nên thăm khám sức khỏe trước và sau tiêm. Cụ thể:
- Trước tiêm nên tầm soát các bệnh lý về máu, rối loạn đông cầm máu, tiểu đường, mỡ máu, chức năng gan, thận, viêm, các bệnh dị ứng, hô hấp;
- Sau tiêm, có thể gặp một số biến chứng phản vệ, rối loạn đông máu, viêm cơ tim vì vậy nên kiểm tra đánh giá chức năng gan, thận, đông máu, tim mạch để loại trừ các biến chứng sau tiêm.
Khám sàng lọc trước và sau tiêm vắc xin COVID-19 là điều quan trọng nhằm phát hiện bất thường, đảm bảo người tiêm chủng hạn chế tối đa những phản ứng sau tiêm.
Ngoài ra, để đánh giá hiệu quả sau tiêm chủng để biết cơ thể có sinh ra kháng thể chống lại virus, người dân nên thực hiện xét nghiệm kháng thể IgG sau 3-4 tuần tiêm vắc xin COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vắc xin COVID-19 an toàn, các biến chứng nghiêm trọng cực kỳ hiếm gặp và lợi ích của việc tiêm vắc xin là rất lớn giúp cơ thể hạn chế mắc bệnh COVID-19 và giảm tỷ lệ tử vong. Để được đưa vào sử dụng, tất cả các loại vắc xin COVID-19 trên thế giới đều phải nghiên cứu để đảm bảo tính an toàn và hiệu lực, cũng như trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt trước khi tiêm rộng rãi trong cộng đồng.
Hiện nay đã có 6 loại vắc xin COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm: AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna (Tên khác là Spikevax), Janssen, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Các tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19
Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ sau tiêm vắc xin COVID-19 đều ở mức độ nhẹ đến trung bình và sẽ tự hết trong vòng vài ngày
- Trên cánh tay nơi được tiêm: Đau, mẩn đỏ, sưng tấy
Tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19: Đau, mẩn đỏ, sưng tấy tại chỗ tiêm
- Các phần khác của cơ thể: Mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, chóng mặt, nhịp tim nhanh.
Phản ứng phản vệ sau tiêm rất hiếm gặp như: Khó thở, tức ngực, nôn, tụt huyết áp hoặc ngất, rối loạn ý thức. Khi rơi vào tình trạng này cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Lưu ý: Nếu có phản ứng dị ứng ngay lập tức hoặc nghiêm trọng sau tiêm mũi đầu tiên thì không nên tiêm liều thứ 2
Tùy theo thể trạng của từng người mà vắc xin có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Do đó, việc theo dõi phản ứng phụ sau tiêm phòng Covid-19 tối thiểu 30 phút tại các cơ sở tiêm chủng và 48h sau đó tại nhà là hết sức quan trọng để được xử lý kịp thời.
Những đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng
Những người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin.
Nhóm cần thận trọng tiêm chủng
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai >=13 tuần
- Người có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
+ Nhiệt độ < 35,5 độ C và > 37,5 độ C
+Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút
+Huyết áp: Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế)
+ Nhịp thở > 25 lần/phút
Nhóm trì hoãn tiêm chủng
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng;
- Đang mắc bệnh cấp tính;
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Nhóm chống chỉ định
- Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước)
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Theo dõi sau tiêm
Sau tiêm chủng, người dân nên tự theo dõi tại nhà trong vòng 28 ngày, đặc biệt 7 ngày đầu
Khi thấy 01 trong các dấu hiệu sau cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất:
1) Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
2) Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
3) Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
4) Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
5) Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
6) Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
7) Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
8) Toàn thân:
- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường
- Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt cần đến ngay bệnh viên hoặc gọi cấp cứu
Những điều cần lưu ý sau tiêm
1) Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
2) Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.
3) Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.
4) Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
5) Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:
- Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
- Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Trên đây là các thông tin quan trọng về tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Hy vọng rằng với những thông tin bác sĩ chuyên khoa chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn có thể yên tâm hơn về các phản ứng nhẹ sau tiêm cũng như biết cách theo dõi sức khỏe sau tiêm.
Cùng nhau thực hiện “5K + vắc xin” để đẩy lùi COVID-19 bạn nhé.