Phần lớn các loại rối loạn sắc tố da đều lành tính nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ, khiến bệnh nhân mất tự tin và ngại giao tiếp. Cùng tìm hiểu về bệnh và cách điều trị hiệu quả trong bài viết sau.
02/02/2023 | Có nên dưỡng ẩm cho da dầu mụn không? Dưỡng ẩm thế nào cho đúng? 13/01/2023 | Viêm da mủ hoại thư và cách điều trị hiệu quả 12/01/2023 | Tẩy da chết body và một số điều nên biết khi thực hiện tại nhà
1. Một số rối loạn sắc tố da thường gặp
Ở một người khỏe mạnh, làn da của họ sẽ hoàn toàn bình thường. Rối loạn sắc tố da là khi màu da của người bệnh tối hơn hoặc sáng hơn bất thường. Tình trạng này còn được coi là tăng hay giảm sắc tố da.
1.1. Tăng sắc tố da
Đây là hiện tượng da bị sạm đen hơn bình thường. Trong một số trường hợp, tăng sắc tố da không gây hại đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, nếu đây là triệu chứng của một loại bệnh lý nào đó thì nó có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe.
Nám da do tăng sắc tố da
Một số loại tăng sắc tố da có thể kể đến như:
- Nám: Xảy ra do nội tiết tố thay đổi. Đây chính là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai và phụ nữ tiền mãn kinh. Nám thường gặp ở vùng da mặt và da bụng nhưng cũng có thể xuất hiện ở nhiều vùng da khác trên cơ thể.
- Sạm nắng: Nếu thường xuyên phải ra ngoài nắng nhưng lại không có biện pháp bảo vệ da hiệu quả, bạn sẽ có nguy cơ cao bị sạm nắng. Cụ thể là những vùng da phải tiếp xúc trực tiếp với nắng sẽ xuất hiện những vết đốm, rất dễ nhận biết.
- Thâm mụn: Da bị tổn thương do mụn có thể dẫn đến tăng sắc tố da hay chính là tình trạng thâm da.
Tình trạng tăng sắc tố da có thể do một số nguyên nhân như tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết tố, do di truyền,… Một số bệnh lý như xơ gan ứ mật, hemochromatosis,… cũng có thể khiến làn da của bạn trở nên đậm màu bất thường.
Ngoài ra, một số loại thuốc và hóa chất tác động lên da bằng đường uống, đường tiêm cũng có thể gây rối loạn sắc tố da, khiến da bạn đậm màu hơn. Có những trường hợp tình trạng tăng sắc tố sẽ giảm dần khi ngừng dùng thuốc nhưng cũng có những trường hợp chứng tăng sắc tố da sẽ tồn tại vĩnh viễn.
1.2. Giảm sắc tố da
Giảm sắc tố da hay mất sắc tố da là một trong những loại rối loạn sắc tố da cũng rất thường gặp, khiến người bệnh khó chịu và mất tự tin khi giao tiếp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự sụt giảm đáng kể lượng melanin trong cơ thể. Cụ thể là:
- Bệnh bạch biến: Căn bệnh tự miễn này gây tổn thương cho các tế bào sản xuất sắc tố da và khiến trên da của người bệnh xuất hiện những mảng trắng khác biệt và dễ dàng nhận biết, gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.
Bệnh bạch biến gây giảm sắc tố da
- Bạch tạng: Ở bệnh nhân bị bạch tạng, một enzyme sản xuất melanin bị mất đi khiến cơ thể không thể sản sinh đầy đủ sắc tố da như bình thường. Người da trắng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Khi bị bệnh, người bệnh không chỉ có làn da trắng bất thường mà còn có biểu hiện tóc trắng, mắt trắng,…
- Ngoài ra, một số loại rối loạn sắc tố da thường gặp khác có thể kể đến như lang ben, vảy nến, viêm da cơ địa dị ứng,… Khi mắc những căn bệnh này, người bệnh cần nhiều thời gian để điều trị và phục hồi da.
2. Điều trị rối loạn sắc tố da bằng phương pháp nào?
Tùy vào từng trường hợp rối loạn sắc tố da và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp:
2.1. Các phương pháp điều trị tăng sắc tố da phổ biến
- Cân bằng nội tiết tố: Nếu sự thay đổi nội tiết tố khiến làn da của bạn sạm màu hơn bình thường thì bạn cần điều chỉnh và cân bằng nội tiết tố. Đây chính là cách điều trị bệnh tận gốc và mang lại hiệu quả lâu dài. Có thể điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học và phù hợp, đặc biệt nên bổ sung thực phẩm có chứa nhiều chất béo omega 3, các loại rau và trái cây vào thực đơn. Bên cạnh đó, có thể bổ sung viên uống nội tiết theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dùng kem bôi đặc trị theo hướng dẫn của bác sĩ
- Sử dụng sản phẩm bôi đặc trị có tác dụng ức chế một số loại enzyme để hạn chế sự sản sinh sắc tố da quá mức. Tuy nhiên, cần lựa chọn sản phẩm dựa theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh sử dụng sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng và không phù hợp với làn da của bạn.
- Dùng thuốc uống để ức chế sản sinh quá mức sắc tố da nhưng chỉ sử dụng loại thuốc đã được bác sĩ kê đơn. Không nên tự ý mua thuốc để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.
- Điều trị tăng sắc tố với laser: Những chùm tia laser đơn sắc có thể phá hủy sắc tố da. Tuy nhiên, lưu ý nếu không thực hiện đúng cách có thể gây tổn thương da. Do đó, nên thực hiện tại những cơ sở y tế uy tín.
- Liệu pháp ánh sáng điều trị tăng sắc tố melanin: Đây là phương pháp dùng ánh sáng có cường độ mạnh để chiếu vào da để cân bằng sắc tố da.
2.2. Điều trị giảm sắc tố da
Các trường hợp giảm sắc tố da do bệnh bạch biến hay bạch tạng đều chưa có thuốc điều trị. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề về thẩm mỹ, bệnh nhân có thể dùng mỹ phẩm để che đi khuyết điểm trên da, dùng thuốc có chứa corticosteroid hoặc liệu pháp ánh sáng để kiểm soát bệnh hiệu quả.
3. Phương pháp phòng ngừa rối loạn sắc tố da
Để phòng ngừa rối loạn sắc tố da, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thoa kem chống nắng và che chắn da mỗi khi ra ngoài để bảo vệ làn da của bạn.
- Khi sử dụng mỹ phẩm cần cẩn trọng lựa chọn những sản phẩm chất lượng và phù hợp với làn da của mình.
Bôi kem chống nắng để bảo vệ da
- Nếu có ý định sử dụng các loại thuốc tăng hoặc giảm sắc tố melanin cần nhờ đến sự tư vấn từ các chuyên gia.
- Nếu đang dùng thuốc điều trị mà thấy xuất hiện tình trạng tăng hay giảm sắc tố da thì cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí.
- Tránh căng thẳng kéo dài để hạn chế nguy cơ tăng sắc tố da quá mức.
Để tìm hiểu thêm về rối loạn sắc tố da và có nhu cầu thăm khám các bệnh về da, mời quý khách hàng liên hệ đến Chuyên khoa Da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.