Tình trạng rách võng mạc xảy ra nếu không được điều trị hoặc trì hoãn điều trị có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ làm người gặp phải bị mất thị lực vĩnh viễn. Bài viết sau được MEDLATEC chia sẻ đến độc giả để cùng tìm hiểu các thông tin sơ bộ về tình trạng này.
08/03/2022 | Top các loại thực phẩm giảm nguy cơ mắc bệnh về mắt 18/05/2021 | Triệu chứng viêm kết mạc herpes và những bệnh về mắt thường gặp ở trẻ 28/08/2020 | Các bệnh về mắt bạn không nên chủ quan nếu chẳng may mắc phải
1. Tình trạng rách võng mạc là như thế nào?
Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng có vị trí nằm ở phía trong cùng của mắt. Nó nhạy cảm với ánh sáng và tương tự như phim trong máy chụp ảnh, giúp ghi lại các hình ảnh bên ngoài, rồi truyền lên não. Nhờ chức năng của võng mạc, con người chúng ta có thể nhận biết được về thế giới và không gian xung quanh mình.
Tình trạng rách võng mạc là để chỉ việc xuất hiện vết rách ở lớp mô thần kinh võng mạc đồng thời có thể bị bong ra khỏi vị trí ở bên trong mắt vốn dĩ như lúc bình thường.
Lúc này, dịch trong mắt tràn xuống dưới võng mạc, làm lớp võng mạc dần bị tách ra khỏi vị trí ban đầu và không được nuôi dưỡng. Hệ quả là làm bệnh nhân có thể bị nhìn mờ hoặc thậm chí mù vĩnh viễn nếu không được kịp thời chẩn đoán và điều trị trong khoảng thời gian từ 24 đến 72 giờ.
Bạn cũng cần lưu ý đến cả những vết rách nhỏ ở võng mạc khi chúng có thể dẫn đến bong võng mạc và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Rách võng mạc có thể gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh
2. Nguyên nhân nào gây rách võng mạc?
Rách võng mạc xảy ra có thể do các nguyên nhân chính sau đây:
- Do có sự xuất hiện của vết rách hoặc lỗ ở lớp thần kinh cảm thụ.
- Do ảnh hưởng từ việc mắc phải bệnh lý khác như bệnh lý của màng bồ đào, võng mạc, hay dịch kính, các rối loạn gây viêm.
- Do chấn thương hoặc sau phẫu thuật mắt như cắt dịch kính, thay đục thủy tinh thể.
Tình trạng này thường gặp hơn ở đối tượng là những người có độ tuổi trên 40, nhưng cũng có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác. Đồng thời, cũng ảnh hưởng tới nam giới nhiều hơn là với phái yếu.
Song song với đó, có một số đối tượng tiềm ẩn nguy cơ cao gặp phải tình trạng này, đó là những người:
- Bị cận thị nặng.
- Đã từng bị tình trạng này hoặc có người thân trong gia đình từng gặp phải tình trạng rách hoặc bong võng mạc.
- Trước đó đã từng trải qua phẫu thuật mắt.
- Có bệnh lý liên quan đến mắt như thoái hóa võng mạc chu biên, võng mạc đái tháo đường, viêm màng bồ đào,...
- Có tiền sử chấn thương ở mắt, bị chấn thương mắt do có vết xước xuyên nhãn cầu hoặc do đụng dập.
- Bị bệnh tiểu đường hoặc có yếu tố tuổi tác.
- Ở trẻ em, phần lớn do bị các tật bẩm của dịch kính, hay cận thị nặng bẩm sinh.
Người bị cận thị nặng có nguy cơ cao gặp tình trạng rách võng mạc
3. Triệu chứng của rách võng mạc là gì?
Về triệu chứng, người bị rách võng mạc có thể xuất hiện các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
-
Nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy (chớp sáng) ở góc mắt.
-
Thấy xuất hiện dấu chấm đen bay luẩn quẩn trước mắt hoặc có một màng đen bao phủ phía trước mắt.
-
Mắt nhìn bị nhòe và mờ đi đáng kể.
-
Bị loá mắt ở một hoặc cả hai bên mắt.
Mặc dù vậy, có một số trường hợp, tình trạng rách võng mạc lại không xuất hiện bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào.
Mắt ở người bị rách võng mạc có thể nhìn bị nhòe và mờ đi đáng kể
4. Rách võng mạc điều trị bằng các phương pháp nào?
Liên quan đến vấn đề điều trị, một số phương pháp được áp dụng cho tình trạng rách võng mạc, đó có thể là các phương pháp sau:
4.1. Bằng laser quang đông võng mạc
Đây là phương pháp sử dụng tia laser để tạo mô sẹo xung quanh các cạnh của vết rách, giúp vùng võng mạc bị rách gắn lại vào đáy mắt và sau vài ngày thì lành lại. Bằng cách đảm bảo dịch kính không chảy qua chỗ rách, nó giúp ngăn ngừa tình trạng bong võng mạc xảy ra trong tương lai.
4.2. Thủ thuật làm lạnh cường độ cao (cryotherapy)
Thủ thuật làm lạnh cường độ cao cryotherapy sử dụng một dụng cụ y tế cực lạnh để làm đông lạnh mô. Mục tiêu của phương pháp này tương tự như phương pháp điều trị bằng laser quang đông võng mạc, đó là tạo ra một vết sẹo xung quanh vết rách võng mạc để bịt kín vết rách, và ngăn không cho bất kỳ chất lỏng nào lọt vào sau vết rách, làm bong võng mạc.
Hai phương pháp này khá an toàn và có hiệu quả. Tất cả các vết rách võng mạc không phải đều cần được điều trị. Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện việc được điều trị, người bệnh vẫn có khả năng phát triển thêm các vết rách võng mạc khác về sau.
Vì lý do đó, việc tiếp tục theo dõi, lên lịch khám mắt thường xuyên cũng như lưu ý đến bất kỳ triệu chứng nào trong tương lai có thể gặp phải là rất quan trọng.
5. Làm thế nào để phòng ngừa rách võng mạc?
Vậy làm thế nào để phòng ngừa rách võng mạc? Dưới đây là một vài cách được gợi ý để bạn có thể tham khảo. Chúng là:
-
Đi khám mắt hàng năm, đặc biệt khi bạn là đối tượng có yếu tố nguy cơ cao có khả năng bị rách võng mạc.
-
Nên khám mắt định kỳ sáu tháng một lần nếu bị cận thị.
-
Khi tham gia vào các hoạt động thể thao, sử dụng các dụng cụ hoặc phải làm các công việc đặc thù, cần nên đeo thêm kính bảo hộ.
-
Nếu bị tiểu đường, cần đến gặp bác sĩ và biết cách kiểm soát lượng đường trong máu.
-
Trong trường hợp có bất cứ triệu chứng bất thường nào xuất hiện ở mắt, cần nhanh chóng đi khám ngay.
-
Chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý.
Thường xuyên đi khám mắt, nhất là khi có nguy cơ cao bị rách võng mạc
Hy vọng các thông tin về tình trạng rách võng mạc được cung cấp đã giúp bạn giải đáp được mối quan tâm của bản thân. Nếu đang gặp các vấn đề như mắt nhìn mờ, nổi cộm khó chịu,... khách hàng có thể đến khám tại chuyên khoa Mắt của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
Tổng đài chăm sóc khách hàng và đặt lịch khám nhanh chóng, hiệu quả tại MEDLATEC: 1900 56 56 56.