Bệnh cúm gia cầm lây sang người có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp từ mức nhẹ đến mức nghiêm trọng. Bệnh tiến triển nhanh và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cho người, vì thế chủ động phòng cúm gia cầm luôn là vấn đề cần thiết, nhất là khi Việt Nam vừa ghi nhận một ca mắc mới sau 8 năm.
14/11/2022 | Bác sĩ chỉ cách nhận biết bệnh cúm gia cầm H5N1 31/07/2013 | Vi rút cúm gia cầm H7N9 có khả năng lây truyền trong không khí
1. Bệnh cúm gia cầm lây truyền qua đường nào?
Một số loại cúm gia cầm có thể kể đến như A/H5N1, A/H7N9 hay A/H9N2,... Trong đó cúm A H5N1 là một trong những chủng cúm A phổ biến nhất.
H5N1 là một trong những chủng cúm A phổ biến nhất
Những trường hợp mắc cúm gia cầm thường có liên quan tới việc tiếp xúc với gia cầm sống hay gia cầm bị nhiễm bệnh chết. Hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về việc virus có thể lây nhiễm từ người sang người.
Cụ thể, bệnh có thể lây nhiễm từ gia cầm bị bệnh sang người qua những con đường sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh chẳng hạn như giết mổ, mua bán, vận chuyển, sờ hoặc cầm vào gia cầm nhiễm bệnh.
- Lây gián tiếp qua đường ăn, uống:
+ Vô tình ăn phải thịt của gia cầm đã nhiễm bệnh.
+ Ăn các món ăn chế biến từ gia cầm chưa được nấu chín kỹ như tiết canh, trứng chưa luộc chín kỹ,...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, việc kiểm soát bệnh cúm gia cầm là vô cùng quan trọng để có thể hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus từ gia cầm sang người.
2. Người nhiễm cúm gia cầm có triệu chứng như thế nào?
Khi nhiễm cúm gia cầm, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
+ Sốt.
+ Cơ thể mệt mỏi, thường xuyên đau nhức người.
+ Ho và đau họng.
+ Tùy theo mức độ nhiễm trùng đường hô hấp, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng viêm phổi, khó thở, sốc,...
Sốt là biểu hiện thường gặp của bệnh
+ Bên cạnh đó, tùy vào từng chủng của virus cúm, người bệnh cũng có thể xuất hiện một số bất thường đường tiêu hóa hoặc tình trạng viêm não ở nhiều mức độ khác nhau.
+ Nhiều trường hợp bệnh diễn biến rất nhanh và nguy cơ tử vong cao.
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nên có rất nhiều thay đổi. Sự thay đổi thất thường này chính là một điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển thuận lợi trong môi trường sống. Do đó, trường hợp nhiễm cảm lạnh và cảm cúm ngày càng gia tăng. Chuyên gia chỉ cách phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm như sau:
- Người bị cúm và người bị cảm lạnh thường có một số triệu chứng khá tương đồng như ho, sổ mũi và hắt hơi. Tuy nhiên điểm khác nhau là:
+ Người bệnh cảm lạnh có thể không sốt, chỉ đau người nhẹ, triệu chứng sẽ được cải thiện nhanh chóng, thường chỉ trong vòng một tuần.
+ Những trường hợp mắc cúm: Bệnh nhân thường bị sốt, thậm chí sốt cao, cơ thể mệt mỏi và đau nhức nhiều hơn,... Ngoài những biểu hiện giống như bệnh cúm thông thường, những người mắc cúm gia cầm còn có những dấu hiệu suy hô hấp như thở nhanh, thở khò khè, môi tái,.... Bệnh diễn biến rất nhanh, có thể gây suy hô hấp cấp và tử vong.
3. Cách ngăn ngừa lây nhiễm cúm gia cầm sang người
Tết Nguyên đán và mùa lễ hội sắp đến, nhu cầu tiêu thụ gia cầm có thể gia tăng và đồng thời các các hoạt động buôn bán gia cầm cũng sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường cũng là cơ hội để virus cúm gia cầm phát triển mạnh.
Cần mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với gia cầm
Đáng lo ngại hơn khi dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành. Do đó, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Nên áp dụng những phương pháp sau để phòng ngừa cúm gia cầm:
- Không tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh.
- Không giết mổ gia cầm bị ốm, đã chết mà cần thông báo đến các cơ quan chức năng của địa phương. Trong trường hợp giết mổ thì cần chuẩn bị những trang bị phòng hộ như găng tay, khẩu trang. Đặc biệt lưu ý không tiếp xúc với lông, chất thải hoặc máu của gia cầm.
- Không mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Không nên sờ hay chạm vào gia cầm. Trong trường hợp đã sờ, chạm vào gia cầm thì nên rửa tay bằng xà phòng ngay sau đó, dù chưa biết gia cầm có bệnh hay không.
- Đeo khẩu trang trong lúc dọn dẹp chuồng trại hoặc chăm sóc gia cầm.
- Không nên tiêu thụ các loại thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Khi đã biết rõ nguồn gốc xuất xứ của gia cầm vẫn nên đảm bảo ăn chín uống sôi. Sau khi chế biến, cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chế biến.
- Không nên tiếp xúc với người nhiễm bệnh cúm gia cầm. Cần đeo khẩu trang và rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh. Lưu ý không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
4. Phải làm sao nếu bị bệnh cúm gia cầm?
Trong trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Người bệnh nên áp dụng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý như sau:
+ Nghỉ ngơi trong phòng thoáng đãng và sạch sẽ, không quá nóng và không quá lạnh. Tuy nhiên, bệnh nhân lưu ý không nên nằm điều hòa để tránh tình trạng bệnh càng thêm nghiêm trọng.
Bệnh nhân nên ăn cháo súp và một số món ăn dạng lỏng khác
+ Nên ăn những loại đồ ăn dạng lỏng như cháo hoặc súp, nước ép trái cây và nước điện giải. Cần uống nhiều nước hơn.
- Đối với bệnh nhân được phát hiện sớm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, với những trường hợp phát hiện bệnh muộn hơn thì thuốc này không hiệu quả, bác sĩ có thể thay thế bằng một số loại thuốc khác. Người bệnh cần lưu ý, cần tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Trên đây là một số thông tin về bệnh cúm gia cầm. Nếu còn thắc mắc hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được các tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn.