Testosterone là một loại hormone nội tiết trong cơ thể người, hoạt động ở cả nam giới và nữ giới. Thiếu hụt testosterone có thể gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Nhưng việc bổ sung dư thừa cũng có thể gây ra những tác động xấu không mong muốn. Vậy phải bổ sung testosterone như thế nào mới hợp lý?
09/10/2020 | Testosterone - nội tiết tố đặc biệt quan trọng ở nam giới 02/04/2020 | Tầm quan trọng của xét nghiệm Testosterone đối với nam giới
1. Vai trò của testosterone trong cơ thể con người
Một lượng nhỏ testosterone được sản sinh tại tuyến thượng thận ở nam giới và nữ giới. Tuy nhiên ở nam giới, hầu hết lượng hormone nội tiết được tiết ra từ tinh hoàn và ở nữ giới chủ yếu là từ buồng trứng.
Hormone testosterone đều có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của nam giới lẫn nữ giới.
Testosterone có công thức hóa học là C19H28O2
Đối với nam giới
Testosterone được biết đến như là một loại hormone sinh dục nam, cho nên chức năng sinh sản của nam giới không thể thiếu vắng sự hoạt động mạnh mẽ của loại hormone này, vì chúng đảm nhiệm những chức năng quan trọng như sau:
Chức năng sinh sản: testosterone giúp thúc đẩy quá trình dậy thì (mọc râu, thay đổi giọng nói, phát triển chiều cao,…) ở nam giới, giúp các cơ quan sinh sản phát triển hoàn thiện, đảm bảo cung cấp đủ lượng tinh trùng cho tinh hoàn mỗi ngày, kích thích ham muốn tình dục và giúp quá trình sinh sản được diễn ra bình thường.
Hệ thần kinh: giúp ổn định tinh thần cũng như tăng sự quyết đoán, mạnh mẽ ở nam giới. Bên cạnh đó, còn giúp tiếp thêm năng lượng, mức độ tập trung và sự tự tin trong hoạt động sống cũng như ổn định giấc ngủ hằng ngày.
Cơ xương khớp: testosterone là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của sức mạnh và trọng lượng của các khối cơ bắp. Ngoài ra, hormone nội tiết nam còn giúp thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu, làm tăng mật độ và sự phát triển của xương khớp.
Hormone testosterone là thành phần quan trọng ảnh hưởng khối lượng cơ bắp của nam giới
Đối với nữ giới
Mặc dù testosterone chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng hormone nội tiết ở nữ giới thế nhưng nó vẫn có những vai trò nhất định. Nồng độ testosterone thường sẽ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi có cảm xúc hưng phấn, hay từng thời điểm khác nhau trong ngày. Đồng thời, nó có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sống trong cơ thể như:
-
Tác động đến quá trình sản xuất hồng cầu.
-
Quyết định sự phát triển của các khối cơ bắp, mật độ xương khớp cũng như sự phân bổ chất béo trên khắp cơ thể.
-
Đảm bảo chức năng sinh sản cũng như ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của phái nữ.
2. Các biện pháp giúp bổ sung testosterone một cách hợp lý
Ở trạng thái sức khỏe bình thường, nồng độ testosterone trong cơ thể nam giới rơi vào khoảng 270 - 1.070 mg/dL (hoặc 9 - 38 mmol/L) và ở nữ giới khoảng 15 - 70 mg/dL (hoặc 0,52 - 2,4 mmol/L).
Việc thiếu hụt hoặc dư thừa lượng testosterone trong cơ thể đều sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tác động xấu đến sức khỏe. Vì vậy, bạn nên tham khảo một số biện pháp giúp bổ sung testosterone một cách hợp lý:
Chú trọng chế độ dinh dưỡng
Việc cân bằng chế độ dinh dưỡng mỗi ngày có mối liên hệ mật thiết với nồng độ testosterone. Để giúp cơ thể được bổ sung lượng hormone cần thiết bạn có thể sử dụng một số loại thực phẩm sau:
-
Cá hồi, cá ngừ: là nguồn thực phẩm chứa nhiều chất bão hòa tốt cho tim mạch, đồng thời cũng rất giàu vitamin D giúp hỗ trợ sản xuất hormone nội tiết tố cho cơ thể.
-
Hàu: nguồn dinh dưỡng này có một lượng vitamin và khoáng chất cao, đặc biệt là kẽm, một thành phần không thể thiếu trong việc sản sinh testosterone.
-
Thịt: bạn nên sử dụng các loại thịt nạc hoặc thịt ít mỡ như thịt nai, thịt bò, ức gà,… để giúp bổ sung testosterone mà không ảnh hưởng đến cân nặng cũng như lượng mỡ máu trong cơ thể.
-
Trứng: vitamin D trong trứng giúp cơ thể thúc đẩy sản sinh testosterone. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng đối với những trường hợp đang hoặc có dấu hiệu cảnh báo về lượng cholesterol trong máu.
-
Sữa: bạn nên sử dụng sữa ít béo, váng sữa, sữa chua,… hay chế biến thành các món tráng miệng thơm ngon để vừa giúp cải thiện lượng testosterone, vừa khiến bữa ăn thêm hấp dẫn và tốt cho sức khỏe hơn.
-
Dầu oliu: bạn nên có thể lượng dầu ăn thường ngày bằng dầu oliu, vừa là một nguồn chất béo tốt cho hệ tim mạch, vừa có thể bổ sung lượng hormon cần thiết.
-
Các loại ngũ cốc (gạo lứt, yến mạch, lúa mì nguyên cám,…): là nguồn cung cấp các chất xơ và vitamin tuyệt vời, đặc biệt là lượng vitamin D giúp hỗ trợ quá trình sản xuất testosterone. Bạn có thể kết hợp chúng với sữa chua hoặc chế biến thành các loại bánh thơm ngon.
Ngũ cốc là nguồn thực phẩm vô cùng dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe
Kiểm soát cân nặng
Tình trạng thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng đến nồng độ các hormone nội tiết trong cơ thể. Vì vậy, bạn cần luôn phải quan tâm đến lượng cân nặng của mình, duy trì chế độ ăn hợp lý, vừa phải cũng như áp dụng các bài tập thể thao giúp cho cơ thể luôn trong trạng thái tốt cũng như lượng hormone được duy trì ổn định.
Nghỉ ngơi hợp lý
Một giấc ngủ chất lượng và đủ thời gian có thể giúp ích cho cơ thể trong việc sản sinh testosterone. Vì vậy, bạn nên sắp xếp công việc cũng như các hoạt động trong ngày để có được khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, khoảng 7 - 8 tiếng để giúp cơ thể khỏe mạnh và tiếp thêm năng lượng làm việc cho ngày hôm sau.
Duy trì lối sống lành mạnh
Từ bỏ thói quen hút thuốc hoặc các chất gây nghiện, sử dụng các chất kích thích như các thức uống có cồn để tránh các tác động xấu đến chức năng sinh sản nói riêng và sức khỏe của cơ thể nói chung.
Cố gắng suy nghĩ tích cực, lạc quan, hạn chế tình trạng stress, căng thẳng tâm lý có thể giúp ổn định nồng độ nội tiết tố của bạn.
Việc duy trì chế độ sống và các thói quen lành mạnh có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề về sức khỏe
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về vấn đề bổ sung testosterone cho cơ thể như thế nào cho đúng, hoặc đang gặp phải những dấu hiệu bất thường, hãy đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được kiểm tra, thăm khám kịp thời. Đường dây nóng 1900.56.56.56 luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7.