Bệnh nước ăn chân tay xảy ra vào thời điểm mưa nhiều, ẩm ướt kết hợp với việc tay chân không được giữ khô ráo. Những triệu chứng của bệnh lý về da này trở thành rào cản sinh hoạt hàng ngày, gây khó chịu cho người bệnh. Vậy bệnh nước ăn chân tay là gì và nên xử trí thế nào để sớm khỏi?
05/12/2022 | Nấm bàn chân - Bệnh lý da liễu thường gặp và cách xử lý 05/11/2022 | Xử lý khi bị nước ăn chân tay như thế nào hiệu quả nhất? 04/10/2022 | Biểu hiện của nấm bàn chân và hướng dẫn cách điều trị hiệu quả
1. Bệnh nước ăn chân tay là gì?
Nước ăn chân tay là tên gọi khác của bệnh nấm da chân (sâu nước ăn chân tay), thường xuất hiện vào mùa mưa lũ, nhiều nhất ở vùng nước trũng. Điều kiện ngập úng kéo dài tạo cơ hội cho vi trùng, vi nấm sinh sôi, bám vào da và gây lở loét. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở chân nhưng có thể lan đến tay và bẹn nếu thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Khi bị vi nấm, vi trùng tấn công, vùng da kẽ chân kẽ tay sẽ bị bong thành từng mảng, nổi mụn nước và đôi khi có dịch.
Da bong tróc, sưng tấy vì bị bệnh nước ăn chân tay
2. Nguyên nhân gây ra và triệu chứng của bệnh nước ăn chân tay
2.1. Nguyên nhân gây bệnh nước ăn chân tay là gì?
Vậy nguyên nhân gây ra bệnh nước ăn chân tay là gì? Các loại nấm candida albicans, microsporum và trichophyton là tác nhân chính gây nên bệnh lý này. Đây là các loại nấm có sẵn trong nguồn nước bẩn và nhanh chóng sinh sôi khi gặp môi trường ẩm ướt và sẽ làm xuất hiện triệu chứng nấm da.
Ngoài ra, một số yếu tố xúc tác sau góp phần làm cho các triệu chứng của bệnh nước ăn chân tay trở nên nghiêm trọng hơn:
- Thường xuyên đi tất/giày ẩm ướt và chật chội.
- Tiếp xúc với mầm bệnh một cách gián tiếp qua việc dùng chung vật dụng với người bệnh hoặc trực tiếp qua da.
- Nhiễm trùng da tạo cơ hội cho vi nấm xâm nhập.
- Chân bị ngâm trong nước bẩn một thời gian dài do tính chất công việc, môi trường sinh sống,...
2.2. Triệu chứng cho thấy bị nước ăn chân tay như thế nào?
Cách để nhận biết bệnh nước ăn chân tay là gì? Bạn có thể căn cứ vào một số triệu chứng điển hình của bệnh như:
- Da bàn chân, nhất là vùng gót chân có hiện tượng mủn trắng.
- Ở các kẽ ngón chân, ngón tay bị nứt để lộ ra vùng da đỏ ướt, đau, chảy máu hoặc kèm theo dịch.
- Kẽ ngón tay, ngón chân có mụn nước li ti.
- Bị ngứa khó chịu ở vùng da bị nấm tấn công, gãi nhiều sẽ bị chảy máu.
- Vùng da quanh khu vực bị bệnh nước ăn chân tay có màu đỏ hoặc hồng khác với màu da bình thường.
3. Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh nước ăn chân tay
3.1. Điều trị bệnh nước ăn chân tay
Về cơ bản, nước ăn chân tay là kết quả của tình trạng nhiễm nấm ở kẽ tay, kẽ chân chứ không đơn thuần là phản ứng của việc ngâm tay chân quá lâu trong nước hay để da chân tay trong điều kiện độ ẩm cao kéo dài. Vì thế, phương pháp điều trị triệt để nước ăn chân tay là gì? Đó chính là cần tiêu diệt vi nấm gây bệnh.
Khám bác sĩ da liễu là giải pháp để biết cách điều trị nước ăn chân tay là gì
Điều trị bệnh nước ăn chân tay bằng Tây y hiện đang sử dụng một số biện pháp như:
- Dùng thuốc bôi tại chỗ
Sử dụng thuốc bôi trị nấm tại các vùng da chịu tổn thương sẽ giúp chữa khỏi hầu hết các trường hợp mắc bệnh nước ăn chân tay. Chỉ khi các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng, phạm vi tổn thương lan rộng và gặp biến chứng thì mới dùng đến thuốc trị nấm toàn thân đường uống.
Các loại thuốc bôi trị nấm kẽ chân tay phổ biến gồm: thuốc nhóm allylamine; thuốc nhóm azole như clotrimazole, ketoconazole, miconazole,... Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng có thể được dùng phối hợp để tăng khả năng hồi phục cho da như: thuốc kháng histamin, thuốc kháng sinh,...
Việc điều trị bệnh nước ăn chân tay bằng thuốc bôi tại chỗ có thể tiến hành ngay tại nhà khi có đơn của bác sĩ chuyên khoa sau quá trình thăm khám và chẩn đoán. Tuy nhiên, khi bôi thuốc cần lưu ý:
+ Đảm bảo giữ da tay chân luôn sạch, khô và hạn chế tiếp xúc nước nhiều nhất có thể.
+ Trước khi bôi thuốc cần vệ sinh da sạch sẽ sau đó dùng bông hoặc gạc đã được diệt khuẩn để bôi thuốc lên vùng da bị tổn thương.
+ Trong vòng 60 phút kể từ thời điểm bôi thuốc không nên để tay chân tiếp xúc với nước vì điều này dễ làm cho thuốc bị trôi.
+ Chỉ bôi với một lượng vừa đủ, không bôi quá nhiều vào tổn thương để tránh làm nóng rát da.
+ Trong thời gian điều trị cần tránh đi tất hoặc dùng găng tay ẩm ướt để tránh làm giảm hiệu quả điều trị.
+ Sau khi đi mưa hay ngâm chân tay dưới nước một thời gian nên rửa lại bằng nước sạch và hong khô da.
- Dùng thuốc trị nấm dạng uống
Đây là phương pháp điều trị dành cho những trường hợp bị nước ăn chân tay đã dùng thuốc bôi nhưng không cải thiện hoặc triệu chứng ngày càng lan rộng. Nhóm thuốc hay được dùng gồm: griseofulvin và azole. Các loại thuốc này cần được kê đơn, hướng dẫn dùng và theo dõi từ bác sĩ chuyên khoa để kịp thời điều chỉnh phù hợp đối với những trường hợp cần thiết.
Người bị nước ăn chân tay cần đi tất làm từ chất liệu thấm hút tốt để tránh tái phát bệnh
3.2. Phòng ngừa bệnh nước ăn chân tay
Bệnh nước ăn chân tay có thể được phòng ngừa bằng việc thực hiện các cách sau:
- Đảm bảo chân tay được vệ sinh sạch mỗi ngày.
- Dùng tất có chất liệu thấm hút tốt và nếu nhận thấy dấu hiệu tất bị ẩm ướt thì cần thay ngay.
- Giữ cho tay chân luôn được khô ráo, sạch sẽ, nhất là ở các kẽ ngón.
- Không đi giày nguyên ngày.
- Không mang chung giày dép, găng tay với người khác.
- Không đi giày hay găng tay quá chật.
- Khi giặt tất nên dùng nước nóng để tiêu diệt các tác nhân gây hại cho da.
Bản thân bệnh nước ăn chân tay không hề khó điều trị nếu được tiến hành từ sớm kết hợp với chăm sóc da đúng cách. Điều đáng nói là bệnh lý này rất dễ tái phát nên việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần được tuân thủ một cách nghiêm túc.
Nếu quý khách vẫn còn băn khoăn bệnh nước ăn chân tay là gì, có nhu cầu tư vấn hoặc thăm khám để được chẩn đoán đúng các triệu chứng đang nghi ngờ, hãy gọi ngay đến hotline 1900 56 56 56 đặt lịch khám cùng chuyên gia, bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.