Tiền sản giật là một trong những tai biến sản khoa mà rất nhiều thai phụ lo sợ. Nếu không được xử trí kịp thời, hội chứng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Do đó, nhận biết sớm những triệu chứng tiền sản giật là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
28/09/2020 | Tiền sản giật là gì? Cách chẩn đoán tiền sản giật 29/07/2020 | Các xét nghiệm tiền sản giật bao gồm những gì và những ai nên thực hiện?
1. Những triệu chứng tiền sản giật không thể bỏ qua
Tiền sản giật là hội chứng bệnh lý thai nghén xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Thường xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiền sản giật như mang thai quá sớm(dưới 18 tuổi) hoặc mang thai quá muộn (trên 35 tuổi), mang đa thai, thai phụ bị đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp, mẹ bầu có thói quen hút thuốc lá, tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật,…
Đau nhức đầu cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật
Triệu chứng của bệnh ở mỗi người là khác nhau. Ở một số thai phụ, bệnh âm thầm phát triển mà không hề có dấu hiệu rõ ràng. Một biểu hiện phổ biến nhất là tăng huyết áp thai kỳ. Cũng chính vì lý do này mà tất cả thai phụ cần được thường xuyên theo dõi huyết áp trong suốt quá trình mang thai. Nếu chỉ số huyết áp lớn hơn 140/90mmHg và được xác định trong hai lần, cách nhau khoảng 4 giờ được cho là dấu hiệu bất thường và cần đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh đó, còn có một số dấu hiệu tiền sản giật đáng lưu ý dưới đây:
Protein niệu: Là khi lượng protein trong nước tiểu dư thừa.
Đau nhức đầu có thể đau nhẹ hoặc đau dữ dội.
Thị lực kém, tầm nhìn bất ngờ giảm hoặc trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Thai phụ bị đau bụng trên, ở phía bên phải dưới xương sườn.
Buồn nôn và nôn.
Lượng nước tiểu giảm.
Lượng tiểu cầu trong máu giảm.
Suy giảm chức năng gan.
Xuất hiện tình trạng khó thở, thở dốc do có chất lỏng tích tụ trong phổi.
Tăng cân đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
Phù mặt và tay, chân. Tình trạng phù từ sáng và dù kê cao chân lên vẫn không hết phù.
Một biểu hiện phổ biến của tiền sản giật là tăng huyết áp thai kỳ
Trên đây là những triệu chứng tiền sản giật phổ biến mà chị em cần đặc biệt lưu ý. Chuyên gia sản khoa khuyến cáo, dù chỉ là một dấu hiệu bất thường thoáng qua, bạn cũng không nên chủ quan bỏ qua mà hãy tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và chẩn đoán bệnh để kịp thời xử lý.
2. Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật
Để biết, mẹ bầu có đang mắc tiền sản giật trong khi mang thai hay không, các bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp dưới đây:
Đo huyết áp: Huyết áp tăng cao bất thường chính là biểu hiện của bệnh vì thế việc theo dõi, kiểm tra huyết áp là một bước thăm khám không thể bỏ qua đối với bất kỳ mẹ bầu nào. Huyết áp có thể thay đổi vì thế, cần đo huyết áp vào nhiều thời điểm trong ngày để cho ra được kết quả chính xác nhất.
Kiểm tra lượng Protein trong nước tiểu: Đây là xét nghiệm để biết chính xác thai phụ có đang bị dư thừa protein trong nước tiểu hay không.
Xét nghiệm máu: Đây là loại hình xét nghiệm mà các mẹ bầu thường xuyên phải thực hiện trong suốt quá trình thai kỳ. Trong đó, xét nghiệm máu có thể là một cách sàng lọc hội chứng HELLP - một biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh tiền sản giật.
Phù mặt và tay, chân có thể là triệu chứng tiền sản giật
Bên cạnh đó là các xét nghiệm để kiểm tra thai nhi có đang phát triển tốt trong bụng mẹ hay không.
Sau khi, làm các xét nghiệm và có được những kết quả cụ thể các bác sĩ sẽ chẩn đoán nguy cơ bị tiền sản giật của mẹ và tiếp tục theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Trường hợp mẹ bầu mắc tiền sản giật thì tùy vào mức độ, các bác sĩ sẽ đưa ra những cách xử lý phù hợp để tránh tối đa biến chứng:
Nếu là tiền sản giật nhẹ: Bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú, được theo dõi huyết áp thường xuyên, uống nước đầy đủ nghỉ ngơi hợp lý và nên nằm nghiêng sang bên trái, nếu có dấu hiệu nặng hơn phải nhập viện càng sớm càng tốt, nếu thai đã đủ tháng cần chấm dứt thai kỳ ở tuyến chuyên khoa.
Nếu bệnh nhân bị tiền sản giật nặng thì cần phải nhập viện để điều trị tích cực càng sớm càng tốt. Ngoài việc thường xuyên theo dõi huyết áp, lượng protein trong nước tiểu,… mẹ bầu có thể được kê một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp khi bị huyết áp cao, các loại thuốc lợi tiểu, thuốc làm giãn tiểu động mạch làm tăng lưu lượng máu đến nhau thai,…
Tùy vào mỗi trường hợp, bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Trong trường hợp, bệnh không thuyên giảm sau điều trị, bác sĩ có thể chỉ định chấm dứt thai kỳ ở mọi tuổi thai.
Tiền sản giật nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như sau:
Đối với mẹ: Tiền sản giật có thể khiến mẹ bầu gặp phải những biến chứng như phù não, phù võng mạc, suy thận, suy gan, suy tim, giảm tiểu cầu, tăng huyết áp mạn,…
Đối với thai nhi: Nếu không điều trị tiền sản giật kịp thời, thai có thể phát triển chậm hoặc sinh non, hay chết lưu trong tử cung.
Biến chứng nguy hiểm nhất của tiền sản giật là hội chứng HELLP hay còn gọi là hội chứng tan huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu, có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé.
Có thể nói rằng, tiền sản giật là biến chứng nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ. Mẹ bầu nên đặc biệt lưu ý đến sức khỏe của mình và thông báo đến bác sĩ điều trị ngay khi có những bất thường xảy ra để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.
Phụ nữ mang đa thai có nguy cơ tiền sản giật cao
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn mong muốn được đồng hành cùng mẹ trong suốt thai kỳ với những gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ và thai nhi. Mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm với đội ngũ bác sĩ sản khoa đầu ngành và hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại nhất.
Để đăng ký khám và tư vấn sức khỏe thai sản, tư vấn về triệu chứng tiền sản giật tại MEDLATEC, bạn có thể liên hệ tới đường dây nóng 1900 56 56 56 của chúng tôi, các chuyên gia luôn sẵn lòng phục vụ cho bạn.