Cơ thể chúng ta cần một lượng muối nhất định để duy trì một số hoạt động quan trọng trong cơ thể. Nhưng hiện nay, nhiều người có xu hướng ăn quá mặn, ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn,… khiến lượng muối trong cơ thể tăng cao và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Dưới đây là những phương pháp giúp bạn cân bằng lượng muối trong cơ thể.
18/09/2021 | Nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ dậy thì sớm như thế nào? 16/09/2021 | Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì khác biệt so với gạo trắng? 19/04/2021 | Hướng dẫn sử dụng nước muối sinh lý cho bé đúng cách
1. Những nguy cơ sức khỏe khi cơ thể bị thừa muối
Khi phải dung nạp quá nhiều muối, cơ thể chúng ta có nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như sau:
Ảnh hưởng đến sức khỏe xương, tăng nguy cơ loãng xương
Trong muối có chứa nhiều natri và khi ăn nhiều muối nghĩa là cơ thể đang phải hấp thụ quá nhiều natri. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng cơ thể phải bài tiết một lượng lớn canxi, chính vì thế, xương khớp xảy ra tình trạng suy yếu và lâu dài dẫn đến loãng xương.
Thừa muối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Chế độ ăn có những ảnh hưởng quan trọng và trực tiếp đến sức khỏe dạ dày của bạn. Nếu ăn quá mặn, dạ dày của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày so với người ăn muối vừa phải. Nếu kết hợp thêm với thói quen ăn chua cay, hay lạm dụng rượu, bia thì nguy cơ ung thư dạ dày sẽ càng tăng cao.
Rối loạn cấu trúc ADN
Khi bạn ăn quá mặn trong suốt một thời gian dài, lượng muối ăn trong cơ thể sẽ ngày càng tăng và nó có thể phá vỡ cấu trúc chuỗi ADN. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều, thậm chí làm gián đoạn đến quá trình phục hồi của các tế bào trong cơ thể.
Gây sỏi thận
Rất nhiều con số thống kê cho thấy rằng, phần lớn bệnh nhân mắc sỏi thận đều có thói quen ăn mặn. Thành phần natri trong muối sẽ có thể giữ nước trong cơ thể và như vậy quá trình bài tiết độc tố ra khỏi cơ thể sẽ bị gián đoạn, đồng thời những chất cặn bã có xu hướng lắng đọng lại trong cơ thể, tạo sỏi và làm tăng nguy cơ gây bệnh sỏi thận.
Thừa muối có nguy cơ bị tăng huyết áp
Tăng nguy cơ bị tăng huyết áp
Nếu ăn quá mặn, bạn có nguy cơ phải đối mặt với bệnh tăng huyết áp. Vì khi ăn quá nhiều muối nghĩa là cơ thể đang dung nạp nhiều natri và natri sẽ có khả năng hút nước từ thành của động mạch vào mạch máu. Cơ chế này sẽ khiến động mạch của người bệnh bị thu hẹp, trong khi lượng nước và áp suất tăng. Từ đó dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp. Tăng huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không được kiểm soát tốt nó có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch, đặc biệt nguy hiểm là những cơn đột quỵ.
Tăng nguy cơ bị căng thẳng
Khi bạn ăn quá nhiều muối, đồng thời lượng natri trong cơ thể cũng tăng và tế bào não nhận hormone norepinephrine sẽ tăng lên khiến bạn dễ bị lo lắng thái quá, cáu gắt vô cớ,... Trong đó, norepinephrine là một loại hormon đảm nhiệm vai trò truyền các tín hiệu thần kinh từ não đến tim, đến hệ tiêu hóa và đến các mạch máu.
2. Những phương pháp giúp cân bằng muối trong cơ thể
Mỗi ngày chúng ta chỉ nên tiêu thụ từ 3 đến 6g muối. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn cắt giảm muối để cân bằng muối trong cơ thể để bảo vệ sức khỏe:
Luôn lựa chọn những thực phẩm tươi sạch: Những loại rau, củ, quả tươi sạch chính là nhóm thực phẩm mà bạn nên bổ sung trong thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó, khi có nhu cầu về các loại thịt động vật, bạn cũng nên lưu ý lựa chọn loại thịt tươi, sạch chưa trải qua khâu ướp dung dịch chứa natri.
Nên ăn nhiều rau củ quả để cân bằng muối trong cơ thể
Nên hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn: Nhóm thực phẩm chế biến sẵn được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ vì sự thuận tiện của nó. Tuy nhiên, đây lại là nhóm có chứa nhiều muối, dầu mỡ và nhiều chất phụ gia mà bạn nên tránh nếu muốn có một cơ thể khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt nguội, thịt xông khói, pizza, bánh mì,…
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn để giảm tiêu thụ muối
Hạn chế lượng muối cần sử dụng mỗi khi chế biến thức ăn: Khi bạn chế biến thức ăn, đặc biệt là một số món như món xào, món hầm, món nấu,… bạn hãy hạn chế lượng muối khi nêm nếm, tạo thói quen cho mình và những người thân trong gia đình ăn nhạt hơn. Đồng thời hạn chế sử dụng các loại nước tương, nước sốt, nước chấm đóng chai, hộp.
Thay vì những bữa ăn xào nấu, bạn hãy luộc thực phẩm để chúng có thể giữ được chất dinh dưỡng nhiều nhất có thể và giúp giảm dung nạp muối vào cơ thể.
Khi ăn cơm, cần loại bỏ thói quen rưới mắm hay nước sốt lên cơm.
Nếu bạn đi ăn các món bún phở ngoài hàng quán, tốt nhất, bạn không nên cố uống hết bát nước canh để hạn chế tối đa lượng muối đi vào cơ thể.
Nếu việc ăn nhạt quá khó khăn, khiến bạn chưa thể quen ngay được, bạn có thể chế biến những công thức từ một số loại gia vị khác như chanh, ớt, tiêu,... để món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
Trước khi ăn bạn nên kiểm tra lượng muối in trên bao bì của sản phẩm để biết chính xác lượng muối mình có thể sẽ dung nạp vào cơ thể là bao nhiêu và cân nhắc khi sử dụng.
Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể của bạn đang có nguy cơ bị thừa muối: Thường xuyên cảm thấy khát nước, đau nhức đầu, đau nhức xương, cơ thể có hiện tượng sưng, phù nề, đi tiểu nhiều, nước tiểu có màu đậm,… Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể khá mơ hồ và dễ nhầm lẫn với những tình trạng bệnh lý khác. Bởi vậy, điều tốt nhất là bạn hãy tự cân đối và điều chỉnh lượng muối vào cơ thể.
Nếu có những dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám sớm đề được bác sĩ chẩn đoán về tình trạng sức khỏe và đưa ra lời khuyên hợp lý. Để được tư vấn thêm về các phương pháp cân bằng muối trong cơ thể và các vấn đề sức khỏe khác, bạn có thể gọi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 với cước gọi hoàn toàn miễn phí.