Khớp gối rất quan trọng và là khớp vận động nhiều nhất, vì thế khớp này có nguy cơ thoái hóa cao hơn các khớp khác. Khi bị thoái hóa khớp gối, việc tập luyện có thể giúp bệnh được cải thiện tích cực nhưng nếu tập không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Vậy, bị thoái hóa khớp gối nên tập gì và tập như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
20/10/2020 | Những triệu chứng “cảnh báo” thoái hóa khớp và phương pháp điều trị bệnh 20/10/2020 | Triệu chứng thoái hóa khớp vai và phương pháp điều trị hiệu quả 05/02/2020 | Nội soi rửa khớp gối điều trị thoái hóa khớp và những điều cần biết
1. Những điều cần biết về thoái hóa khớp gối
thoái hóa khớp gối là do tình trạng thoái hóa loạn dưỡng của khớp gối gây ra. Khớp gối của người bệnh bị hao mòn và sụn khớp mất dần, cuối cùng dẫn tới biến dạng khớp, hỏng khớp khiến người bệnh đau nhức và đi lại khó khăn, hạn chế khả năng vận động. Bệnh thoái hóa khớp gối thường gặp ở những người già và phụ nữ sau quá trình mang thai, sinh nở và suy giảm nội tiết tố.
Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người cao tuổi bởi vậy nhóm đối tượng này nên đi khám sức khỏe định kỳ
Chúng ta cần biết rằng, khớp gối có sự liên hệ mật thiết với các loại khớp khác và khi khớp gối có vấn đề chẳng hạn như bị thoái hóa thì những khớp khác cũng bị ảnh hưởng theo. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Đó là tình trạng đau nhức thường xuyên, đi lại vận động vô cùng khó khăn, đầu gối bị biến dạng, tình trạng thoái hóa, liệt hay teo cơ.
1.1. Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp gối
Phần lớn những trường hợp bị thoái hóa ở khớp gối đều là do tuổi tác, do quy trình lão hóa tự nhiên. Những người làm công việc lao động chân tay, bê vác nặng hay thường xuyên phải đứng cũng có nguy cơ bị bệnh nhiều hơn.
Thừa cân, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến bạn bị thoái hóa khớp. Khi một trọng lượng lớn đè ép lên khớp sẽ khiến khớp chịu áp lực rất nhiều và dần dần bị tổn thương, thoái hóa.
Một số trường hợp bị chấn thương khớp chẳng hạn như đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi xương chày hay vỡ xương bánh chè,… cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp
1.2. Những biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp gối
Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh:
Tình trạng đau nhức khớp: Biểu hiện đầu tiên của bệnh thoái hóa khớp chính là tình trạng đau nhức, có thể đau quanh khớp gối nhưng cũng có thể chỉ đau ở một vài điểm. Thời gian đầu bị bệnh, những cơn đau chỉ rất nhẹ, đau âm ỉ nhưng càng về sau mức độ đau sẽ được tăng dần, đau hơn khi vận động, đặc biệt là khi bước lên hay bước xuống cầu thang. Cơn đau giảm khi người bệnh được nghỉ ngơi.
Ở giai đoạn sau, khi khớp gối bị viêm hoặc tràn dịch khớp dẫn tới viêm sưng thì tình trạng đau càng rõ ràng, mức độ đau tăng dần. Người bệnh có thể được hút dịch để giảm đau nhưng sau đó cơn đau lại có thể tái phát. Bên cạnh đó là biểu hiện khớp bị co cứng vào sáng sớm hay khi vừa ngủ dậy.
2. Tác dụng của tập luyện và các bài tập phù hợp với bệnh nhân thoái hóa khớp
Để điều trị bệnh, thông thường bệnh nhân sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Cụ thể:
-
Người bệnh cần được nghỉ ngơi, tập luyện đúng cách.
-
Áp dụng chế độ ăn cân bằng dưỡng chất.
-
Trong trường hợp bị thừa cân béo phì thì cần giảm cân và sau đó duy trì trọng lượng vừa phải.
-
Vật lý trị liệu, châm cứu, điện châm, thủy châm,...
-
Trong trường hợp nặng có thể phẫu thuật thay khớp gối.
2.1. Tác dụng của việc tập luyện
Trước hết, bạn cần hiểu rằng, khi khớp gối của chúng ta vận động thì dịch khớp sẽ được hút vào đẩy ra. Điều này sẽ giúp cho sụn khớp được cung cấp dinh dưỡng đồng thời có tác dụng bôi trơn các khớp.
Cần nghỉ ngơi và tập luyện đúng cách
Vì thế, nếu khớp không vận động có nghĩa là quá trình này không diễn ra và dịch khớp không được cung cấp chất dinh dưỡng và dần dẫn đến thoái hóa. Những bài tập vận động nhẹ nhàng chính là một trong những cách để điều trị bệnh hiệu quả nhất.
2.2. Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì?
Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Việc tập luyện là rất tốt và có thể mang lại hiệu quả cao khi điều trị nhưng ngược lại nếu tập sai cách thì có thể gây phản tác dụng, khiến bệnh càng nặng thêm.
Đạp xe là cách tập luyện phù hợp để cải thiện bệnh thoái hóa khớp gối
Theo các chuyên gia, nếu bị thoái hóa khớp gối nghiêm trọng thì bạn không nên đi lại quá nhiều. Vậy thoái hóa khớp gối có nên đạp xe không? Câu trả lời là “có”. Bạn có thể lựa chọn một số môn thể thao phù hợp như đạp xe hoặc tập dưỡng sinh. Tránh các động tác như cúi người, bẻ lưng, xoay người hay nhảy tại chỗ. Những động tác này rất có hại cho những khớp đã bị thoái hóa và khiến cho bệnh nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh nhân cũng thắc mắc đi bộ hay tập yoga có phù hợp với những người bị thoái hóa khớp gối không. Câu trả lời là có nhưng với điều kiện là phải tập luyện đúng cách. Hai môn tập này đều rất tốt, nó giúp cho cơ thể của bạn dẻo dai hơn và hỗ trợ điều trị bệnh tích cực.
Đối với môn đi bộ, người bệnh nên rút ngắn khoảng cách đi bộ và trước khi đi bộ, cần đặc biệt chú ý khởi động khớp gối, xoa bóp gối nhẹ nhàng. Sau khi kết thúc bài tập bạn cùng cần phải vận động đầu gối một cách nhẹ nhàng rồi mới nghỉ ngơi. Không nên đi bộ quá lâu, chỉ khoảng 30 phút và lựa chọn quãng đường ngắn. Nếu đi nhiều, đi dài sẽ khiến tăng áp lực lên khớp gối và khiến tình trạng bệnh của bạn nghiêm trọng hơn.
Tập yoga đúng cách để điều trị bệnh hiệu quả
Đối với yoga, bộ môn này rất tốt và đem lại nhiều tác dụng cho cơ thể và đặc biệt là các bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, bạn cần phải tập đúng cách và tốt nhất hay tập cùng với huấn luyện viên hoặc chuyên gia trị liệu.
Lưu ý khi tập bất cứ bài tập nào, nếu thấy có dấu hiệu đau, bạn phải ngừng lại ngay, không được gắng sức. Tập luyện kiên trì mới thấy rõ hiệu quả. Kết hợp tập luyện với các phương pháp khác như chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt khoa học.
Mọi thắc mắc, hãy gọi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được các bác sĩ giải đáp chi tiết hơn.