Các triệu chứng như đau đầu, đau bụng và những thay đổi về tâm trạng, cảm xúc,... xuất hiện trước ngày kinh nguyệt được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt(PMS). Đa số nữ giới đều phải trải qua những triệu chứng này nhưng ở mức độ khác nhau. Trong các trường hợp nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công việc của chị em. Dưới đây là gợi ý về một số cách khắc phục hiệu quả.
04/10/2022 | Thấy kinh nguyệt không đều, người phụ nữ đi khám phát hiện mình mắc bệnh ở tình trạng đáng báo động 27/08/2022 | Hỏi đáp: Uống thuốc giảm cân có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không? 16/08/2022 | Gần tới ngày kinh nguyệt quan hệ có sao không? Liệu có khả năng mang thai? 15/08/2022 | “Tự sướng” có ảnh hưởng đến kinh nguyệt ở nữ giới hay không?
1. Một số biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là một số thay đổi của cơ thể về sức khỏe thể chất và tinh thần có thể kể đến như:
Đau bụng kinh là dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt khá phổ biến
- Một số thay đổi về sức khỏe thể chất:
+ Chị em có thay đổi về khẩu vị và thèm ăn hơn bình thường.
+ Vùng ngực có biểu hiện căng tức.
+ Có thể tăng cân nhẹ.
+ Đau: Đau đầu, đau lưng và đau bụng hoặc cũng có nhiều trường hợp có cảm giác đau nhức toàn thân.
+ Chướng bụng.
+ Toàn thân mệt mỏi và uể oải.
+ Một số thay đổi về da, chẳng hạn như tình trạng mụn, trứng cá,...
+ Một số vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,...
- Những thay đổi về tinh thần:
+ Đây là thời điểm mà chị em nhạy cảm hơn, hay bị lo lắng quá mức, có cảm giác bị xa lánh, dễ cáu gắt và nổi giận vô cớ, thậm chí một số ít trường hợp còn xảy ra tình trạng trầm cảm nhẹ trước kỳ kinh.
+ Hay nhầm lẫn, hay quên, thiếu tập trung.
+ Mất ngủ về đêm nhưng lại thích ngủ ngày hơn và thường có những giấc ngủ ngắn trong ngày.
+ Thay đổi ham muốn tình dục
Mất ngủ trước ngày “đèn đỏ” là dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt
Thời gian xảy ra các triệu chứng này thường là vào khoảng 1 đến 2 tuần trước “ngày đèn đỏ”. Sau khi ngày kinh nguyệt kết thúc, những biểu hiện này cũng tự biến mất.
Đôi khi các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất nhẹ và khó cảm nhận rõ ràng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các triệu chứng này lại có thể nghiêm trọng hơn. Nếu bạn gặp nhiều phiền toái với hội chứng này, thậm chí bị ảnh hưởng đến chất lượng sống và năng suất lao động, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn và lên phác đồ điều trị hợp lý.
2. Những ai có nguy cơ gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt?
Gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt, chỉ khác nhau về mức độ triệu chứng. Tuy nhiên, những trường hợp sau sẽ có nguy cơ cao hơn:
Phụ nữ đã từng trầm cảm sẽ có nguy cơ cao với PMS
- Phụ nữ 20 đến 40 tuổi.
- Chị em đã từng mang thai.
- Trường hợp phụ nữ đã từng bị trầm cảm hay một số vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
Lưu ý: Một số trường hợp mắc phải các bệnh về tuyến giáp, trầm cảm, hội chứng ruột kích thích,... cũng có thể nhầm lẫn với hội chứng tiền kinh nguyệt vì những triệu chứng bệnh khá giống nhau. Do đó, bạn nên theo dõi để phân biệt, nếu triệu chứng lặp đi lặp lại hàng tháng thì rất có thể đó là biểu hiện của PMS.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn tới những sự thay đổi về sức khỏe thể chất và tinh thần của chị em mỗi khi đến tháng. Tuy nhiên, sự thay đổi nội tiết tố estrogen và progesterone trong kỳ kinh được cho là yếu tố có liên quan mật thiết đến những triệu chứng này.
Bên cạnh đó, một số thay đổi về serotonin trong não và sự thiếu hụt vitamin cũng như một số dưỡng chất khác cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biểu hiện bất thường trước ngày “đèn đỏ”. Nếu ăn đồ ăn cay nóng, sử dụng chất kích thích,... trong thời gian này thì mức độ triệu chứng sẽ có thể nghiêm trọng hơn.
3. Các phương pháp giúp khắc phục hội chứng tiền kinh nguyệt
Nếu những biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt không quá nghiêm trọng, chị em có thể điều trị bằng những cách đơn giản, bao gồm thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học.
Ngược lại, nếu những triệu chứng bệnh gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và công việc, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc dựa vào từng triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc hoặc tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để hạn chế gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
Tập luyện chính là cách hiệu quả để đẩy lùi các triệu chứng trước ngày kinh nguyệt
- Thường xuyên vận động thể chất: Đây là một thói quen tốt, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, phòng chống bệnh tật. Tập thể dục cũng giúp chị em cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn, ngăn chặn nguy cơ trầm cảm,... Chỉ cần đều đặn tập luyện 30 phút mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được sự cải thiện rõ rệt về các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
- Duy trì chế độ ăn khoa học, lành mạnh: Nên ăn carbohydrate phức hợp để cải thiện triệu chứng thèm ăn, tăng cường ăn những thực phẩm giàu canxi, bổ sung thêm vitamin B. Bên cạnh đó, chị em cũng nên chia nhỏ bữa ăn và hạn chế các loại đồ uống như bia rượu, cà phê, trà đặc,... đồng thời giảm lượng chất béo, đường, muối,...
- Loại bỏ căng thẳng bằng một số biện pháp như mát xa, tập yoga, tập thiền, nghe nhạc, xem phim, đọc sách,... Bên cạnh đó, chị em cũng cần lưu ý ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ, đồng thời hãy duy trì thói quen dậy sớm. Ngoài ra, gặp gỡ bạn bè cũng là cách giúp bạn giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như Aspirin, Ibuprofen,... để cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng.
Hi vọng những giải pháp khắc phục hội chứng tiền kinh nguyệt trên đây hữu ích với bạn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan vì các triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh phụ khoa và các bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, chị em nên khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để bảo vệ bản thân.
Để được tư vấn thêm về các vấn đề chăm sóc sức khỏe và có nhu cầu thăm khám phụ khoa, chị em có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.