Với điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, nền nhiệt cao, Việt Nam là một vùng đất thuận lợi cho sự sinh sôi của loài muỗi, đặc biệt là muỗi vằn - nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết trên thế giới. Hàng năm, cứ vào mùa hè từ tháng 7, 8, 9 các bệnh viện lại ghi nhận những ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Vậy làm thế nào để phòng chống sốt xuất huyết?
1. Định nghĩa sốt xuất huyết
Vật chủ trung gian lây truyền virus Dengue - nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết - là loài muỗi vằn có tên khoa học là muỗi Aedes aegypti. Chúng sinh sôi mạnh mẽ nhất là vào mùa mưa, phát triển nhiều ở những nơi ẩm thấp, tù đọng và cây cối um tùm. Bệnh này có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người lành do bị muỗi đốt nên Tổ chức Y tế thế giới WHO đã luôn đề cao cảnh báo cần phải phòng chống sốt xuất huyết thường xuyên.
Hình ảnh virus Dengue dưới kính hiển vi
2. Tại sao phải phòng chống sốt xuất huyết?
-
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có thể lây từ người sang người thông qua vết muỗi cắn mang mầm bệnh. Bệnh đã xuất hiện từ thế kỷ XIII nhưng đến nay vẫn chưa nghiên cứu ra được vắc xin phòng bệnh.
-
Ai cũng có thể bị mắc và tử vong vì sốt xuất huyết.
-
Trẻ em từ 4 - 7 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh này nhiều nhất.
-
Vì là bệnh mang tính truyền nhiễm nên sốt xuất huyết có khả năng bùng phát thành đại dịch.
3. Các con đường lây nhiễm
3.1. Do muỗi đốt
Virus Dengue được muỗi vằn hay còn gọi là muỗi Aedes cưu mang sau khi đốt người bệnh mang virus và sau đó đốt người khoẻ mạnh không mang bệnh. Lúc này virus sẽ thông qua vòi muỗi đi vào cơ thể người.
Muỗi Aedes đóng vai trò là “shipper” trung chuyển virus Dengue lây bệnh cho con người
Đặc điểm nhận dạng muỗi Aedes:
-
Muỗi Aedes có hai loại là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti là loại gây bệnh sốt xuất huyết và thông thường chỉ có con cái mới hút máu người. Thời điểm hoạt động chủ yếu của nó là vào ban ngày và những nơi có ánh sáng.
-
Thân của nó có màu đen và kẻ trắng đan xen, trên chân có những đốm trắng nên nó còn được biết đến với cái tên tiếng Việt là muỗi vằn.
-
Muỗi vằn ưa thích sinh sống ở những nơi ẩm thấp, tối tăm, ao tù nước đọng như chum nước, lốp bánh xe đọng nước, cây cối rậm rạp,...
-
Tập quán đẻ trứng của loài muỗi này là nó thường tìm đến các chum nước, đồ vật có khả năng đọng nước để đẻ ven miệng những dụng cụ đó. Khi nước dềnh lên trứng sẽ nở và muỗi con có thể đi hút máu sau từ 2 - 3 ngày.
-
Nhiệt độ và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho mùa sinh sản của muỗi vằn, đặc biệt là vào mùa mưa, nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20 độ C.
-
Cơ chế hoạt động của virus trong cơ thể muỗi: Khi muỗi đốt người bệnh mang virus Dengue, virus sẽ theo vòi hút máu trú ngụ trong cơ thể muỗi với thời gian từ 8 - 11 ngày, sau đó virus ở lại tuyến nước bọt của muỗi cho đến khi muỗi chết đi. Muỗi cái Aedes rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, chỉ cần một cử động nhẹ hoặc phản ứng của con người là nó sẽ lập tức bay đi. Sau đó lại tiếp tục quay lại hút máu. Chính thói quen này có thể giúp muỗi vằn truyền bệnh cho nhiều người cùng một lúc. Thậm chí khi mới chỉ cắm vòi vào da người virus cũng đã có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta mà không cần đợi đến khi muỗi hút máu.
-
Con đường lây nhiễm sốt xuất huyết qua việc bị muỗi đốt là phổ biến nhất nên diệt trừ muỗi là biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả.
3.2 Sốt xuất huyết có thể bị lây qua đường máu, dùng chung bơm kim tiêm không được khử trùng sạch sẽ
-
Máu truyền cho người lành bị nhiễm virus Dengue của người mang bệnh.
-
Lây truyền từ mẹ sang thai nhi: Khi người mẹ mang mầm bệnh do nhiễm virus sốt xuất huyết, thai nhi cũng rất dễ bị nhiễm bệnh đặc biệt là trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi sinh. Những trẻ sơ sinh khi mới chào đời sẽ có biểu hiện bệnh sốt xuất huyết.
Dùng chung bơm kim tiêm với người mang virus cũng là nguyên nhân lây bệnh sốt xuất huyết
-
Khi dùng chung bơm kim tiêm không có biện pháp khử trùng, đặc biệt đối với những người tiêm chích ma túy tập thể.
-
Lây truyền tại bệnh viện: Virus Dengue có thể tồn tại trong rác thải y tế, chế phẩm máu, kim tiêm,...
4. Các cách phòng chống sốt xuất huyết
4.1. Làm gì để tránh bị mắc sốt xuất huyết?
Số liệu trong báo cáo của Cục Y tế dự phòng năm 2019 cho thấy: Trên cả nước có tổng cộng 87.806 người mắc sốt xuất huyết trong đó có 06 ca tử vong, lần lượt tại các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Nha Trang - Khánh Hoà và TP. Hồ Chí Minh. Cùng thời điểm trong năm 2018, số trường hợp mắc sốt xuất huyết là 28.039, số ca tử vong là 08. Như vậy số bệnh nhân sốt xuất huyết năm 2019 tăng gấp 3,1 lần so với năm 2018.
Nhằm phòng chống sốt xuất huyết đang lây lan với tốc độ chóng mặt, Bộ Y tế đã cho thực hiện, triển khai các công tác ngăn chặn dịch bệnh này: Yêu cầu các địa phương phát động các biện pháp đẩy lùi sốt xuất huyết hiệu quả:
-
Thường xuyên dọn dẹp, cọ rửa và đậy kín những dụng cụ là nơi ở ưa thích của loài muỗi như: chum, vại, bể nước, xô, chậu, đồ vật có thể đọng nước khi để ngoài trời như lốp xe, dụng cụ nông nghiệp,...
Dọn dẹp và đậy kín những nơi tù nước đọng để hạn chế tối đa môi trường sống của muỗi vằn
-
Nuôi cá trong các bể chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy (vốn là hình thái phát triển của muỗi sau khi trứng nở). Phát quang bụi cây rậm rạp, dọn sạch những vũng nước, ao hồ tù đọng, những nơi chứa rác để hạn chế tối đa khu vực sinh sống của muỗi. Bên cạnh đó là phối hợp với các đơn vị y tế để phun thuốc khử muỗi định kỳ để hạn chế tối đa những khu vực sinh sống của muỗi.
-
Ngoài ra phải tự bảo vệ bản thân trước sự tấn công của muỗi vằn bằng cách mắc màn khi đi ngủ, mặc quần áo dài để không bị muỗi đốt, sử dụng kem chống muỗi dạng xịt/bôi lên da để đuổi muỗi,...
-
Khi có biểu hiện sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để được xét nghiệm và chẩn đoán bệnh. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà khi không có chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
4.2 Các xét nghiệm cần thực hiện khi bị nghi nhiễm sốt xuất huyết:
-
Xét nghiệm NS1: bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm này từ 1 - 3 ngày phát hiện bệnh để xác định kháng nguyên của virus.
-
Xét nghiệm kháng thể IgM: Có thể tiến hành từ ngày thứ 6 biểu hiện bệnh, việc này giúp xác định kháng thể chống lại virus tồn tại trong cơ thể người bệnh.
-
Xét nghiệm kháng thể IgG: giúp phát hiện kháng thể của cơ thể người bệnh bảo vệ lâu dài.
Trên đây là những chia sẻ về các con đường lây truyền sốt xuất huyết, từ đó giúp mọi người biết được các cách phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả để bảo vệ bản thân và gia đình. Nhằm tối đa hoá khả năng phòng chống dịch bệnh, mọi người cũng cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để xét nghiệm và thăm khám khi có biểu hiện sốt hoặc các triệu chứng mắc sốt xuất huyết.
MEDLATEC tự hào là một cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, với 24 năm kinh nghiệm hoạt động, dịch vụ xét nghiệm nhanh chóng, chính xác, đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp và tay nghề cao sẽ giúp người bệnh yên tâm thăm khám và sử dụng dịch vụ. Hãy liên hệ ngay tới tổng đài 1900565656 của bệnh viện MEDLATEC để được tư vấn miễn phí và trong trường hợp bệnh nhân không sắp xếp được lịch khám trực tiếp tại bệnh viện thì có thể sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nhà để tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo được chất lượng điều trị.