Trẻ hay khóc đêm là vấn đề không hiếm gặp. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến sức khỏe và sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng, bên cạnh đó cũng khiến bố mẹ vô cùng lo lắng và vất vả khi chăm con. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này, có phải là bé khóc vì đã mắc phải bệnh nào đó hay không? Mời bạn cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
01/07/2020 | Trẻ hay khóc đêm và lời khuyên dành cho phụ huynh
1. Chưa hình thành chu kỳ ngủ
Đối với trẻ sơ sinh, cơ thể của trẻ thường chưa có một chu kỳ ngủ ổn định. Các bé ngủ khoảng 8 tiếng vào ban ngày và 8 tiếng vào ban đêm, tuy nhiên, các giấc không được liền mạch, bé hay bị tỉnh dậy và quấy khóc. Khoảng 3 tháng tuổi, các bé sẽ có những giấc ngủ sâu và liền mạch hơn, từ đó cũng giảm tình trạng khóc đêm.
Nhiều nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc vào ban đêm
2. Trẻ khóc vì đói
Dạ dày của bé rất nhỏ, vì thế, bé sẽ nhanh no, nhanh đói hơn người lớn. Các bữa của bé sẽ phải chia nhỏ thay vì 3 bữa như người lớn. Trẻ sơ sinh nên được cho ăn sau vài giờ. Đa số các bé nhỏ hơn 2 tháng tuổi đều thức dậy 2 lần mỗi đêm để bú mẹ. Khi bé lớn hơn (khoảng từ 2 tháng đến 4 tháng) thì bé chỉ cần bú cứ một lần vào giữa đêm.
Nếu không được cho bú đúng giờ, bé sẽ bị đói. Lúc này, khóc chính là một tín hiệu đòi ăn của các bé mà cha mẹ rất dễ nhận biết. Sau 4 tháng tuổi, thì sau khi bú mẹ, trẻ có thể ngủ liền giấc, không phải tỉnh dậy để bú đêm.
3. Tiêu hóa không tốt
Một lý do khiến trẻ hay khóc đêm chính là tiêu hóa không tốt. Các bé khóc có thể là do đang bị đầy hơi, khó tiêu do bú quá sức hoặc do các bé đang phải điều trị thuốc làm giảm khả năng tiêu hóa.
Ở thời điểm này, mẹ nên chú ý đặc biệt tới con. Nếu thấy bé có hiện tượng chướng bụng, bé “xì hơi” nhiều nhưng không đi đại tiện được thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ.
4. Do tiểu dầm
Tiểu nhiều trong đêm mà không được thay kịp thời sẽ khiến tã lót của trẻ bị ướt sũng, trẻ dễ khóc vì khó chịu. Bé có thể cựa quậy và lăn qua lăn lại để “báo tín hiệu” cho mẹ.
Chính vì thế, bạn cần phải chú ý, không nên cho trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ và nên nắm rõ chu kỳ tiểu của trẻ để chủ động thay tã trước khi bé phải quá khó chịu. Điều này sẽ giúp bé có một giấc ngủ ngon và sẽ không quấy khóc, làm phiền giấc ngủ trong đêm của cha mẹ.
5. Dị ứng
Nếu bé khóc dai dẳng mà không phải do đói hay do tã ướt sũng thì rất có thể là do dị ứng. Một số bé bị dị ứng với protein sữa bò vì thế mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để xem bé khóc có phải vì nguyên nhân này hay không?
Dị ứng phấn rôm khiến trẻ khó chịu, quấy khóc
Bên cạnh đó, một số yếu tố như khói thuốc lá, mùi hương, mùi nước sơn, hay phấn rôm cũng khiến trẻ bị dị ứng và dẫn đến tình trạng khóc đêm. Tốt nhất, cha mẹ cần đảm bảo phòng của bé luôn được sạch sẽ, thông thoáng và hạn chế những tác nhân có thể gây kích ứng đường hô hấp của trẻ.
6. Do bị bệnh
Những bất thường về sức khỏe cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay khóc đêm. Cụ thể, các bé có thể gặp phải những vấn đề về nghẹt mũi khiến bé phải thở bằng miệng. Cũng chính vì thế miệng bé sẽ bị khô và khiến bé vô cùng khó chịu, quấy khóc. Cách tốt nhất là mẹ cần phải chú ý vệ sinh xoang mũi cho bé để bé hít thở dễ dàng và có những giấc ngủ ngon.
Trong trường hợp bé có những vấn đề về đường hô hấp nghiêm trọng, mẹ nên cho trẻ đi khám kịp thời. Đặc biệt không để trẻ bị sốt quá cao mới đưa đi khám vì có thể gây co giật và nguy hiểm cho trẻ.
Côn trùng đốt khiến trẻ quấy khóc
7. Tiếng ồn và nhiệt độ
Những âm thanh to và bất ngờ có thể khiến trẻ giật mình, quấy khóc. Vì thế phòng ngủ của bé cần phải được đảm bảo yếu tố yên tĩnh để trẻ có được giấc ngủ sâu hơn. Cha mẹ cũng cần lưu ý đến nhiệt độ trong phòng. Có thể sử dụng nhiệt kế phòng để theo dõi nhiệt độ trong phòng, không nên để nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc quá nóng và lưu ý không mặc quá nhiều quần áo cho trẻ.
8. Hoạt động quá mức
Cơ thể trẻ còn non nớt nên khả năng ức chế còn kém, mẹ không nên cho bé vui chơi quá mức. Điều này chính là nguyên nhân khiến bé hay giật mình quấy khóc khi đang ngủ do não bộ vẫn đang trong trạng thái hưng phấn.
9. Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, tình trạng trẻ hay khóc đêm cũng có thể do một số nguyên nhân dưới đây:
Bé phải rời mẹ một cách đột ngột: Khi mẹ phải xa nhà, bắt buộc phải để người thân hoặc bảo mẫu chăm bé. Bé sẽ bị lạ hơi người khác và có cảm giác bất an nên sẽ quấy khóc. Vỗ về một cách nhẹ nhàng chính là cách giúp bé thích nghi với hoàn cảnh mới.
Do tâm trạng của người lớn: Nếu tâm trạng của người lớn không tốt như lo lắng, tức giận,…cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bé, khiến bé hay quấy khóc. Thậm chí, mức độ nghiêm trọng còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý sau này của trẻ.
Côn trùng đốt: Khi bị côn trùng đốt, bé sẽ quấy khóc vì ngứa ngáy và khó chịu. Mẹ nên chú ý giữ vệ sinh cho bé để bé tránh bị các loại côn trùng như muỗi, kiến, bọ xít,…đốt.
Mọc răng cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc. Gò má và nướu, cằm sưng đỏ, sốt,…chính là một trong những dấu hiệu mọc răng của trẻ mà mẹ cần chú ý. Mẹ có thể giúp bé chườm lạnh để bé đỡ bớt khó chịu.
Cho trẻ đi khám kịp thời nếu có biểu hiện nghiêm trọng
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ hay khóc đêm không thể tìm được nguyên nhân chính xác. Mẹ nên vỗ về, nói chuyện nhẹ nhàng với bé,… hoặc bế bé ở tư thế đứng, để bé áp vai vào ngực mẹ. Nếu bé vẫn liên tục quấy khóc, mẹ nên đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân rõ ràng và khắc phục sớm.
Để đăng ký khám cho trẻ, bạn hãy gọi tới đường dây nóng 1900 56 56 56 để được các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết.