Nám da là do sự gia tăng của sắc tố melanin hình thành nên những mảng sắc tố màu nâu trên lớp biểu bì da. Nám da thường bắt gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng khó điều trị và cần nhiều thời gian để cải thiện.
30/05/2022 | Sự khác nhau giữa nám da do nội tiết tố và nám da thông thường 11/08/2021 | Nám nội tiết là gì, có biểu hiện ra sao và đối phó bằng cách nào 05/07/2021 | Nám da là gì? Nám da có điều trị được không?
1. Nguyên nhân nào dẫn đến nám da?
Hiện tượng trên da xuất hiện những mảng màu nâu hoặc xám chính là tình trạng nám da. Trong đó, nó có thể hình thành ở những vùng da mặt như cằm, trán, môi, sống mũi,... hoặc ở những vị trí khác trên cơ thể, nhất là ở những khu vực da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như vùng cổ hoặc cánh tay.
Phụ nữ là đối tượng hay bị nám da nhất, chúng bắt đầu xuất hiện khi họ bước sang tuổi 20 - 50, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản khi người phụ nữ mang thai và sau khi sinh. So với nữ giới thì nam giới ít gặp phải tình trạng này hơn. Ngoài ra bệnh cũng liên quan tới các yếu tố khác như chủng tộc, địa lý, màu da khi phụ nữ da màu và châu Á có tỷ lệ nám da cao hơn so với phụ nữ da trắng.
Nám da có thể xuất hiện ở nhiều vị trí da mặt và ở vùng da khác trên cơ thể
Rối loạn sắc tố thứ phát là nguyên nhân dẫn đến nám da, xuất phát từ các yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh, thậm chí có những trường hợp là do cả hai tạo thành. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân nội sinh:
-
Do nội tiết tố thay đổi: phụ nữ mang thai, sản phụ sau sinh, người đang điều trị bằng các thuốc nội tiết hoặc sử dụng thuốc tránh thai, người mắc bệnh về buồng trứng hoặc bệnh nội tiết tại tuyến giáp,... là những nguyên nhân gây nám da;
-
Nhiễm độc các thành phần hóa chất chứa trong mỹ phẩm như chì, thủy ngân, corticoid,...;
-
Do làn da đã bước sang giai đoạn lão hóa;
-
Tâm trạng lo âu, căng thẳng kéo dài;
-
Do cơ địa.
Nguyên nhân ngoại sinh:
-
Bị mắc bệnh lý viêm, dị ứng da tại chỗ, nhiễm trùng, nhiễm độc,...;
-
Tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời: trong ánh nắng chứa rất nhiều các tia bức xạ như tia UVB, UVA thường kích thích các tế bào hắc tố da, nhất là trên những loại da dễ bị dị ứng do hóa chất sẽ dẫn tới rối loạn sắc tố da, đẩy nhanh tiến trình lão hóa, nám da thậm chí là ung thư da;
-
Chế độ ăn uống thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như chất xơ, vitamin C từ hoa quả tươi,...
2. Nám da có biểu hiện như thế nào?
Rối loạn sắc tố da sẽ làm các mảng da bị sẫm màu lại và chúng thường biểu hiện nhiều nhất ở vùng da mặt gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Nhiều người hay bị nhầm lẫn giữa tàn nhang và nám da:
-
Nám da: là các đốm da sậm màu theo nhiều mức độ đậm nhạt khác nhau, thường hình thành ở cằm, trán, môi trên và đối xứng hai bên má. Màu sắc của những vùng da bị nám có thể là màu thâm vàng, màu nâu sẫm và có kích thước lớn hơn tàn nhang;
-
Tàn nhang: cũng là hệ quả của sự gia tăng sắc tố da nhưng tàn nhang đa dạng hơn về màu sắc, nó có thể là màu vàng, nâu nhạt, nâu sẫm, xám, đỏ, đen. So về kích thước thì tàn nhang nhỏ hơn nám da, thường là các chấm nhỏ như đầu tăm hoặc chỉ to cỡ hạt vừng.
Sự khác nhau giữa nám và tàn nhang
3. Chẩn đoán và điều trị nám da
Để chẩn đoán tình trạng nám da bác sĩ thăm khám thực thể kết hợp với một loại thiết bị đặc biệt là đèn Wood giúp soi được những vết nám trên bề mặt da. Bên cạnh tùy từng trường hợp cụ thể, nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết tế bào da vùng nám để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Không phải lúc nào cũng cần điều trị nám da. Nếu nám da bắt nguồn từ nguyên nhân thay đổi nội tiết tố do dùng thuốc tránh thai hoặc khi đang mang thai thì những vết nám này sẽ mờ dần sau khi ngừng dùng thuốc hoặc sau khi sinh xong.
Nhiều trường hợp nám da sẽ tồn tại trong nhiều năm, có khi là theo bạn suốt cả cuộc đời. Nếu tình trạng nám da không biến mất hoặc được cải thiện theo thời gian thì bạn nên tìm tới các phương pháp trị nám. Tuy nhiên cần lưu ý rằng không phải lúc nào những biện pháp này đều đem lại hiệu quả khả quan và nám da hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại ngay cả khi đã chữa trị thành công trước đó.
Sau đây là các phương pháp điều trị nám da phổ biến nhất hiện nay:
-
Hydroquinone: đây thường là lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ khi điều trị nám da. Thuốc được bào chế theo dạng gel hoặc kem dưỡng. Người bệnh có thể áp dụng trực tiếp thuốc lên da để dần cải thiện tình trạng thâm nám và da không đều màu;
-
Corticosteroid và tretinoin: đây là 2 loại thuốc có sẵn dưới dạng gel, kem hoặc nước thơm với công dụng chính là giúp các mảng nám da trở nên sáng màu hơn;
-
Thuốc bôi ngoài da: được dùng phối hợp hoặc thay thế những loại kem khác. Các bác sĩ thường kê đơn thuốc chứa axit kojic hoặc axit azelaic giúp cải thiện sắc tố ở những vùng da tối màu;
-
Kem kết hợp: trong một số trường hợp bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng kết hợp các loại kem cùng chứa đồng thời corticosteroid, hydroquinone và tretinoin để điều trị nám da.
Nám da rất khó điều trị, việc dùng thuốc đôi khi không đem lại hiệu quả cao
-
Thay da sinh học;
-
Điều trị mài mòn da;
-
Liệu pháp ánh sáng;
-
Điều trị bằng laser.
4. Phòng ngừa tình trạng nám da
Quá trình điều trị nám da rất tốn kém và mất nhiều thời gian, ngoài ra không chắc chắn về hiệu quả sau khi kết thúc liệu trình. Do đó để bảo vệ da trước nguy cơ thâm nám và tàn nhang, bạn nên thực hiện những biện pháp sau:
-
Tránh tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với ánh nắng mặt trời, nhất là từ 10h sáng đến 15h chiều vì đây là khoảng thời gian hoạt động mạnh nhất của tia bức xạ dễ gây tổn thương da;
-
Bôi kem chống nắng ít nhất khoảng 15 - 30 phút trước khi ra ngoài. Chỉ số SPF của kem phải tối thiểu là 30, duy trì bôi kem sau 2 giờ nếu bạn đi bơi hoặc ra nhiều mồ hôi;
-
Mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành để che chắn da dưới ánh nắng;
-
Dùng các loại mỹ phẩm an toàn cho da, tránh loại mỹ phẩm làm da bị kích ứng hoặc sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ;
-
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là chất xơ và vitamin từ rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường các thực phẩm chứa vitamin A, C, E và omega-3,... giúp làm chậm quá trình lão hóa da;
Nám da mặc dù không làm tổn hại tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ và sự tự tin của người bệnh. Khi có bất kỳ vấn đề gì xuất hiện trên da bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu, không nên tự chữa trị bằng mẹo hoặc khám ở những cơ sở làm đẹp không uy tín.
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng nám da và mong muốn được các bác sĩ Chuyên khoa Da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn, hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ ngay.