Nấm bẹn là bệnh ở vùng kín không quá nguy hiểm và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị sớm, đúng cách. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân bị nấm bẹn e ngại đi khám và điều trị do bệnh xảy ra ở vùng nhạy cảm. Vậy nguyên nhân chính xác dẫn đến nấm bẹn là gì và điều trị bệnh như thế nào hiệu quả?
13/01/2022 | Phương pháp điều trị nấm da bẹn và cách phòng ngừa bệnh tái nhiễm 14/11/2021 | Cẩm nang bỏ túi từ a đến z về bệnh nấm da đầu 10/11/2021 | Nguyên nhân, triệu chứng và cách trị nấm da đầu triệt để
1. Nguyên nhân nào gây ra nấm bẹn?
Nấm bẹn là bệnh về da do nấm gây ra, có thể gặp ở cả nam và nữ giới mọi lứa tuổi song nam giới chiếm tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Dấu hiệu điển hình của bệnh là vùng da bẹn có dấu hiệu tổn thương, nổi mẩn đỏ, đau rát da khó chịu.
Nấm bẹn là bệnh da liễu dễ gặp ở nam giới
Tác nhân chính gây nấm bẹn là loại vi nấm cạn, cụ thể là nhóm vi nấm Dermatophytes thường gặp là: Trichophyton và Epidermophyton. Nấm dễ phát triển và gây bệnh ở môi trường ẩm ướt do đặc điểm công việc và môi trường hoặc ở người vệ sinh kém, ra nhiều mồ hôi, bơi lội ở vùng nước không đảm bảo vệ sinh,...
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố thúc đẩy khiến bệnh nấm bẹn phổ biến ở Việt Nam, bao gồm:
-
Do môi trường nhiệt đới ẩm gió mùa, độ ẩm cao nên vi nấm gây nấm bẹn dễ phát triển và gây bệnh.
-
Thói quen mặc quần áo, đặc biệt là quần áo nhỏ khi còn ẩm ướt, không lau khô người sau khi tắm hoặc mặc quần áo quá bó sát, không thấm hút mồ hôi tốt.
-
Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, thường xuyên hoặc vệ sinh sai cách khiến vùng bẹn và vùng kín là môi trường thuận lợi để vi nấm phát triển gây bệnh.
-
Nguồn nước, nguồn không khí nhiễm bẩn và chứa nhiều vi nấm.
-
Nấm phát triển từ động vật như mèo, chó, gà, trâu bò,... qua tiếp xúc trực tiếp lây sang người lành.
-
Vi nấm lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung vật dụng cá nhân, quần áo với người bệnh.
Như vậy, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây nấm bẹn rất đa dạng, bên cạnh điều trị triệu chứng thì phòng ngừa, kiểm soát nguyên nhân này là rất quan trọng để tránh bệnh kéo dài hoặc tái phát.
2. Có thể chữa nấm bẹn hay không?
Nấm bẹn là bệnh nhiễm nấm và có thể điều trị hoàn toàn nếu điều trị sớm với phương pháp phù hợp. Song thực tế không ít người bệnh phải chung sống với bệnh trong thời gian dài, bệnh dễ tái phát do không điều trị triệt để, tiêu diệt nấm hoàn toàn cũng như các nguồn bệnh từ môi trường.
Để chữa nấm bẹn, các bác sĩ cho biết thuốc chống nấm có hiệu quả tốt như: dung dịch cồn BSI chứa thành phần acid salicylic, acid benzoic, lode,... dung dịch cồn antimycose chứa acid salicylic, acid boric, acid benzoic, dung dịch ASA chứa natri salicylat, acetylsalicylic,...
Điều trị nấm bẹn bằng thuốc trị nấm nên theo chỉ định của bác sĩ
Ngoài thuốc trị nấm, có thể dùng thêm các thuốc dạng kem bôi tại chỗ chứa hoạt chất chống nấm như: ketoconazol, miconazol, econazol, griseofulvin,...
Nếu tổn thương da do nấm men lan rộng và kéo dài, không đáp ứng tốt với các thuốc điều trị tại chỗ thì có thể cần kết hợp với thuốc uống chứa các thành phần như: fluconazole, itraconazole, griseofulvin,... Tùy vào mức độ bệnh mà cần duy trì thuốc uống từ 1 - 4 tuần để trị nấm hoàn toàn.
Ngoài kem chống nấm, 1 số loại thuốc khác cũng có tác dụng kiểm soát tốt triệu chứng nấm bẹn như: kem bôi chứa steroid, kem dưỡng ẩm da, kem chống viêm,...
Bên cạnh điều trị nấm bẹn bằng các loại thuốc trên, dân gian có 1 số phương pháp điều trị sử dụng dược liệu thiên nhiên để loại bỏ nấm và thúc đẩy phục hồi da như: dùng tỏi tươi, dùng hành tây, dùng muối,... Tuy nhiên bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng, sử dụng sai cách có thể gây tổn thương da nặng hơn.
3. Cách phòng ngừa bệnh nấm bẹn hiệu quả
Nấm bẹn không quá nguy hiểm song bệnh dễ kéo dài, tái phát và có thể lây nhiễm sang người xung quanh nếu không có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Bệnh không chỉ gây tổn thương da mà còn gây không ít phiền toái, mất tự tin cho người bệnh.
Nấm bẹn rất dễ tái phát nếu không điều trị và phòng ngừa tốt
Do vậy, với cả người chưa nhiễm bệnh hay đã điều trị khỏi, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
3.1. Vệ sinh vùng bẹn, vùng kín sạch sẽ hàng ngày
Nên dùng nước sạch rửa vùng bẹn hàng ngày, sau đó lau khô hoặc sấy khô kỹ, tránh vùng da này ẩm ướt khi mặc quần áo. Ngoài ra, quần lót và quần mặc hàng ngày nên được giặt sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy khô tránh nấm phát triển. Bẹn và háng ẩm ướt là môi trường lý tưởng để vi nấm phát triển gây bệnh.
3.2. Thay đồ lót hàng ngày
Nấm dễ nhân lên nhanh chóng trên đồ lót chưa được giặt và mặc trong thời gian dài do mồ hôi và bụi bẩn, tế bào da chết tích tụ. Do đó, nên thay đồ lót hàng ngày và giặt sạch trước khi mặc.
3.3. Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác
Dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm nấm khiến bạn có nguy cơ cao nhiễm bệnh, do vậy cần tránh dùng chung các vật dụng như: khăn tắm, quần lót, quần áo, tất, chăn, màn gối,...
3.4. Điều trị triệt để khi bị nấm da
Dù nấm ở vùng da nào như da chân tay, da cơ thể, da đầu,... cũng nên được điều trị triệt để, tránh bệnh lan rộng đến các vùng da kín và kéo dài khó điều trị. Người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán bệnh, chỉ định dùng thuốc với thời gian và liều lượng thích hợp để trị bệnh hoàn toàn.
Nên đi khám để chữa nấm bẹn triệt để, tránh bệnh tái phát
Nếu không điều trị triệt để với thuốc dùng đủ liều trình cùng các biện pháp phòng ngừa trên, bệnh nấm bẹn rất dễ tái phát với mức độ bệnh tăng dần. Hơn nữa, hiệu quả điều trị của thuốc trị nấm theo các lần bệnh tái phát cũng giảm dần, ảnh hưởng đến sức khỏe da và dễ dẫn đến nhiều bệnh về da nguy hiểm khác.
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng bệnh này, hãy liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám.