Đối với trẻ nhỏ, viêm tai giữa nung mủ được xem là một bệnh lý nghiêm trọng tuyệt đối không được bỏ qua vì nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại. Muốn tránh được điều ấy, cha mẹ cần biết cách xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa nung mủ.
16/07/2021 | Mách cha mẹ cách điều trị dứt điểm viêm tai giữa tái phát ở trẻ 16/09/2020 | Nhận biết các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ nhỏ 07/09/2020 | Phương pháp hiệu quả điều trị trẻ bị viêm tai giữa có mủ
1. Tại sao và làm cách nào để phát hiện ra trẻ bị viêm tai giữa nung mủ
1.1. Tại sao trẻ bị viêm tai giữa nung mủ
Trẻ nhỏ, nhất là những trẻ trong độ tuổi 6 - 15 tháng rất dễ bị viêm tai giữa nung mủ vì:
- Khâu vệ sinh tai cho trẻ kém: tai được làm sạch không đúng cách hoặc không được vệ sinh sạch sẽ.
- Khí hậu hoặc thời tiết quá khắc nghiệt, thay đổi bất thường, nhiệt độ quá thấp.
- Chức năng vòi nhĩ ở tai trẻ chưa có đủ khả năng miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh viêm tai giữa nung mủ.
Vệ sinh tai cho trẻ không sạch sẽ, không đúng cách là một trong các nguyên nhân gây viêm tai giữa nung mủ
- Cấu trúc tai của trẻ có vòi nhĩ ngắn và rộng hơn người lớn nên dễ bị mầm bệnh xâm nhập và tấn công.
- Các bệnh lý đường hô hấp làm tắc nghẽn vòi nhĩ, tạo điều kiện cho chất dịch tồn đọng làm sưng viêm ống tai, phồng rách màng nhĩ,... theo thời gian kết hợp với không được điều trị nên bị viêm tai giữa nung mủ.
1.2. Phát hiện viêm tai giữa nung mủ ở trẻ bằng cách nào
Trẻ bị viêm tai giữa nung mủ thường có những biểu hiện sau:
- Hay cấu, dụi tai.
- Quấy khóc nhiều.
- Nếu sờ hay kéo vào vành tai của trẻ thì trẻ sẽ khó chịu, khóc.
- Có thể có dịch mủ chảy ra ngoài tai (nung mủ thường ít có, dịch mủ chảy ra vì lúc đó là vỡ mủ rồi, thường là dịch tiết viêm ống tai ngoài).
- Sốt cao, nghe kém, chán ăn.
- Trẻ lớn sẽ kêu đau tai.
Những trường hợp trẻ bị viêm tai giữa nung mủ, thăm khám bác sĩ sẽ thấy màng nhĩ căng phồng, đỏ và không di động, có mủ ở trong tai.
2. Các biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa nung mủ ở trẻ
Cha mẹ cần phải biết cách xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa nung mủ vì đây là bệnh lý nguy hiểm nếu để kéo dài và điều trị sai cách. Nếu xử lý sai cách, trẻ có thể sẽ phải đối mặt với các biến chứng:
- Thính lực bị suy giảm
Bệnh viêm tai giữa nung mủ càng nặng thì khả năng nghe của trẻ càng kém. Trường hợp nặng nhất có thể bị mất thính lực mãi mãi làm cho cuộc sống và công việc sau này của trẻ gặp rất nhiều khó khăn.
- Khả năng phát triển tư duy bị cản trở
Do nghe kém nên trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu tri thức, ngôn ngữ. Điều này khiến trẻ dễ bị chậm nói, khả năng học hỏi kém đi.
- Màng nhĩ bị thủng
Viêm tai giữa nung mủ lâu ngày làm dịch nhầy bị tích tụ quá nhiều từ đó tăng áp lực lên màng nhĩ, khiến màng nhĩ bị vỡ, giải phóng dịch mủ.
Xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa nung mủ không đúng cách có thể gây thủng màng nhĩ
- Áp xe tai
Trẻ bị áp xe tai sẽ vô cùng mệt mỏi nên quấy khóc thường xuyên. Trường hợp nặng nhất nó còn gây nhiễm trùng vùng tai làm cho xương chũm của trẻ bị ảnh hưởng.
- Biến chứng nội sọ
Đây là một biến chứng vô cùng nguy hiểm vì nó đe dọa đến tính mạng. Điển hình trong đó có thể kể đến bệnh áp xe não, viêm não,...
3. Biện pháp xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa nung mủ
3.1. Cách xử trí sai
Thực tế cho thấy trong quá trình xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa nung mủ có không ít cha mẹ đã mắc phải các sai lầm sau:
- Sai lầm khi dùng thuốc chữa viêm tai giữa cho trẻ
Chữa viêm tai giữa nung mủ ở trẻ nếu dùng kháng sinh cần có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ. Nếu tự ý dùng thuốc chẳng những không thể chữa khỏi bệnh mà còn khiến trẻ phải đối mặt với tác dụng phụ của thuốc, bị nhờn thuốc,... khiến cho việc trị bệnh sau này gặp phải nhiều khó khăn.
Khi dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh lý này cũng cần căn cứ trên mức độ của bệnh, độ tuổi của trẻ cũng như các bệnh lý liên quan. Cha mẹ không thể có đầy đủ kiến thức chuyên môn về vấn đề này nên tự ý dùng thuốc thực ra lại là con dao hai lưỡi dễ đẩy con mình vào tình thế nguy hiểm.
Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa nung mủ cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa
Khi dùng thuốc nhỏ tai cho trẻ, cha mẹ hay tự mua oxy già nhỏ vào tai cho trẻ mà không biết rằng nó có thể làm tăng lớp biểu bì ở phía trên ống tai, làm chậm quá trình lành của vết thương, khiến cho ống tai bị chít hẹp từ đó giảm khả năng nghe ở trẻ. Ngoài ra, một số cha mẹ còn cạo thuốc thổi vào tai trẻ mà không biết rằng nó có thể lắng đọng cặn, gây viêm do không dẫn lưu được ra ngoài, làm biến chứng nội sọ hoặc phá hủy xương chũm,...
- Sai lầm trong chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa nung mủ
Muốn bệnh nhanh khỏi, khi chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa nung mủ cha mẹ cũng cần biết cách xử trí cho đúng. Nhiều cha mẹ do chưa biết điều này nên khiến cho bệnh của con mình mãi không khỏi.
3.2. Cách xử trí đúng
Để xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa nung mủ đúng cách, cha mẹ cần:
Những ngày đầu, các triệu chứng viêm tai giữa nung mủ ở trẻ sẽ dần biểu hiện rõ ràng và thường nó có thể tự khỏi trong khoảng 2 tuần mà không phải điều trị. Vì thế, cha mẹ nên quan sát và chờ đợi xem diễn tiến của bệnh như thế nào. Nếu trẻ bị đau tai ở mức độ nhẹ, không quấy khóc, cơn đau kéo dài dưới 48 giờ và trẻ chỉ sốt dưới 39 độ thì không cần lo lắng. Những trường hợp này cha mẹ chỉ cần gặp bác sĩ để được chỉ dẫn cách giảm đau cho trẻ.
Nếu thấy cần thiết bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để điều trị viêm tai giữa nung mủ ở trẻ. Loại thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh vì có khoảng ⅔ trường hợp trẻ bị bệnh lý này là do vi khuẩn tấn công. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh vì dùng sai thuốc, sai liều lượng có thể làm bệnh nặng hơn, kháng thuốc, dễ tái đi tái lại.
Những trẻ bị viêm tai giữa có mủ tái phát thường xuyên sẽ được bác sĩ tư vấn hướng điều trị là đặt ống thông tai để dẫn lưu mủ từ tai giữa. Theo đó, một ống nhĩ nhỏ sẽ được đặt vào lỗ mở màng nhĩ có tác dụng giúp lưu thông khí ở tai giữa, ngăn ngừa chất lỏng tích tụ tại đây gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nếu trẻ bị viêm tai giữa mãn tính gây thủng màng nhĩ bác sĩ cũng sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.
Bên cạnh việc can thiệp y tế thì yếu tố dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng đối với hỗ trợ điều trị và phục hồi viêm tai giữa nung mủ ở trẻ. Vì thế, trong thời gian này cha mẹ nên chú ý cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo giàu chất dinh dưỡng, nên để trẻ ăn theo nhu cầu và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn và tăng số lần bú lên, trẻ lớn hơn cần được bổ sung thêm các loại nước hoa quả,...
Như vậy có thể thấy xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa nung mủ đúng cách là rất quan trọng đối với việc chữa khỏi bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Nếu cha mẹ thấy việc này quá khó khăn, hãy đưa trẻ đến ngay chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám và hướng dẫn cách xử trí. Mọi sự hỗ trợ khác có liên quan đến vấn đề sức khỏe của trẻ, cha mẹ cũng có thể gọi ngay đến tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của chúng tôi giúp đỡ chính xác và hiệu quả.